Hiệu quả mang lại từ mô hình "5+1"

Thứ ba, 15/08/2023 07:00
Phường Tam Thuận (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) là một trong 4 phường khu vực biên giới biển, trong đó có 60% đồng bào theo các tôn giáo. Phần lớn người dân trên địa bàn là lao động phổ thông, buôn bán nhỏ lẻ nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải- Trưởng Công an phường (CAP) Tam Thuận cho biết, số đối tượng đang quản lý trên địa bàn khá đông. Hàng năm, phường xảy ra từ 25 đến 30 vụ, việc vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự.
Tuyên truyền và giới thiệu hỗ trợ học nghề cho các đối tượng.
Tuyên truyền và giới thiệu hỗ trợ học nghề cho các đối tượng.

Vì vậy, phường được xác định là địa bàn đặc thù, trọng yếu về quốc phòng trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự (ANTT). Nhiều đối tượng luôn tìm mọi cách trốn tránh sự quản lý của chính quyền địa phương để gây án nơi khác hoặc câu kết, móc nối với số đối tượng ngoài địa phương để tiếp tục hoạt động phạm tội. Một bộ phận thiếu niên chây lười, bỏ học chạy theo lối sống thực dụng, có những hành vi vi phạm pháp luật như cướp giật, trộm cắp, đánh nhau…

Từ đặc điểm trên, CAP Tam Thuận đã tìm tòi, học hỏi từ các mô hình hay xây dựng phong trào của các địa phương khác và tham mưu Đảng ủy, UBND phường xây dựng triển khai thực hiện "Mô hình 5+1 về quản lý giúp đỡ người vi phạm tại cộng đồng", sau này mở rộng thêm giáo dục tái hòa nhập cộng đồng đối với đối tượng vi phạm về ANTT tạo bước đột phá trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ người vi phạm tại cộng đồng dân cư đã góp phần xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ).

Chủ tịch UBND phường Tam Thuận Hồ Đàm Như Nga thông tin, trên cơ sở phân loại theo từng nhóm đối tượng, UBND phường phân công phối hợp với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ những người vi phạm pháp luật tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù trở về cộng đồng; tạo điều kiện để những người này được học nghề, tìm việc làm, tiếp cận vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nhằm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần hạn chế trường hợp tái phạm tội và vi phạm pháp luật phát sinh. Theo đó, để quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng theo mô hình "5+1", cứ 1 người có quá khứ phạm tội có 5 người đại diện cho 5 thành phần cùng tham gia giáo dục, quản lý, cảm hóa. Hằng năm, CAP tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền rà soát số đối tượng chưa có công ăn việc làm, số thanh thiếu niên hư, đề xuất từ quỹ vốn vay của TP cho vay vốn không lãi suất từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, hỗ trợ sinh kế 10 triệu đồng cho các đối tượng tiến bộ, định hướng cho đối tượng học nghề, hướng nghiệp, tìm kiếm được công ăn việc làm ổn định, an tâm hướng thiện.

Nhìn chung, các đối tượng được tạo điều kiện đều chấp hành tốt việc trả nợ vay nên công tác thu hồi vốn không gặp khó khăn gì lớn. "Điều đáng mừng là phần lớn số người tái hòa nhập cộng đồng đã có công ăn việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân, gia đình, không tiếp tục tái phạm, vi phạm pháp luật; số đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng giảm và tiến bộ đáng kể; số vụ phạm pháp hình sự, tình hình ANTT, được giảm dần theo các năm, không có vụ việc nào rất nghiêm trọng xảy ra", Chủ tịch UBND P.Tam Thuận tâm sự.

Trao đổi thêm về cách nâng cao hiệu quả và duy trì mô hình, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận: "CAP đã phối hợp với các ban, ngành, các đoàn thể vận dụng một cách khéo léo vào công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa những người vi phạm về ANTT là đồng bào có đạo, là con em giáo dân. Cũng với 5 thành phần trên, chúng tôi vận động thêm các chức sắc trong tôn giáo vì một "Xóm đạo bình yên, an toàn, hạnh phúc" tích cực tham gia vào công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa để những người có đạo vi phạm ANTT được tiến bộ. Đặc biệt hàng tuần Linh mục quản xứ, Ban đại diện Hội đồng giáo xứ, các giáo khóm thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, Cảnh sát khu vực đến từng hộ gia đình, đồng bào có đạo, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc khuyên bảo, nhắc nhở những trường hợp lầm lỗi vi phạm ANTT. Từng Cảnh sát khu vực đều có sổ tay ghi lại tâm tư, nguyện vọng, nhận xét quá trình của các đối tượng nhằm kịp thời giúp các đối tượng nhanh tiến bộ. Mặt khác, thông qua các buổi giảng đạo, dạy giáo lý tại nhà thờ của Linh mục quản xứ tranh thủ lồng ghép phổ biến các quy định của pháp luật, nhắc nhở, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào, con em giáo dân rèn luyện, tu dưỡng tiến bộ, tạo nên được khí thế thi đua sôi nổi trong từng hộ, từng giáo khóm của bà con giáo dân. Phong trào này đã thật sự đi vào lòng dân".

Hiệu quả của mô hình thể hiện qua việc đưa 35 lượt người là con em giáo dân vi phạm ANTT vào quản lý, giáo dục, cảm hóa theo mô hình "5+1", đến nay 100% người tiến bộ, giúp đỡ 80/122 người chấp hành xong án phạt tù, người đặc xá, người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng tha về địa phương được tiến bộ, trong đó có 52 người đã có công ăn việc làm ổn định. CAP cũng đã tham mưu UBND phường tư vấn tâm lý, định hướng việc làm, hỗ trợ vay vốn không lãi suất từ 3-5 triệu đồng, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng tiến bộ với số tiền 10 triệu đồng/người. Nhiều đối tượng đến nay đã thật sự hòa nhập cộng đồng và có công ăn việc làm ổn định, dự kiến năm 2023 sẽ hỗ trợ sinh kế cho 10 đối tượng.

Bí thư Đảng ủy P.Tam Thuận Lại Tiến Hương khẳng định, trong thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục chú trọng đến công tác tranh thủ các chức sắc tôn giáo tham gia vận động đồng bào có đạo quản lý, giáo dục những đối tượng là con em giáo dân, đạo hữu để ngày càng tiến bộ. Duy trì thực hiện các Nghị quyết liên tịch, quy chế phối hợp giữ gìn ANTT và quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng an ninh cơ sở, làm nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư để mô hình tiếp tục ăn sâu, bám rễ và ngày càng phát huy hiệu quả trong phong trào toàn dân BVANTQ.

PHƯƠNG KIẾM