Hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn

Thứ bảy, 29/12/2018 14:15

Thực trạng chất thải rắn sinh hoạt (rác tài nguyên) của TP Đà Nẵng tại bãi rác Khánh Sơn đang bị báo động bởi lượng rác quá lớn, trong đó có không ít rác thải tài nguyên. TP Đà Nẵng đã có chủ trương phân loại rác thải tại nguồn, nhằm tách rác tài nguyên ra khỏi lượng rác thải hằng ngày, chống lãng phí, bảo vệ môi trường. Phân loại rác tại nguồn góp phần xử lý triệt để, tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực. Đã có rất nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả mô hình này.

Điểm thu gom phân loại rác thải của UBND P.Hòa Thuận Tây. 

Biến rác thành... tiền

Phân loại rác thải tại nguồn là hoạt động phân chia rác thải ra các loại riêng biệt như rác hữu cơ, vô cơ... ngay tại "nguồn"-nơi thải rác. Mô hình này ngày càng nhận được nhiều sự đồng thuận từ người dân. Lãnh đạo Q.Hải Châu (TP Đà Nẵng) đã chỉ đạo quyết liệt, đưa phân loại rác thải tại nguồn vào một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của quận và chỉ đạo 13 phường triển khai thực hiện với mục tiêu là phân loại rác tại nguồn để bán 100 triệu xóa 100% hộ nghèo. Tính đến cuối năm 2018, qua rà soát 13/13 phường đạt được chỉ tiêu UBND quận giao, thu được hơn 1,2 tỷ đồng từ việc phân loại rác thải tại nguồn, số tiền được địa phương sử dụng vào mục đích an sinh xã hội như phát học bổng, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo...

Chủ trương phân loại rác thải tại nguồn được Hội LHPN P.Hòa Thuận Tây (Q.Hải Châu) triển khai nhiều năm nay với tên gọi "thu gom rác thải bán gây quỹ" được các cô, các chị thi đua đóng góp, tạo nguồn kinh phí để phục vụ hoạt động của Hội. Là một trong những phường được chọn thực hiện thí điểm mô hình này, P.Hòa Thuận Tây tiếp tục thực hiện có hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn. Lấy Chi hội phụ nữ là đầu mối thu gom rác phân loại từ các hộ gia đình, thu đổi bán trực tiếp cho cá nhân thu mua phế liệu tự do theo đơn giá thỏa thuận, nhận được đông đảo sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Ngoài ra, rất nhiều mô hình hay, hoạt động hiệu quả được P.Hòa Thuận Tây triển khai như: UBND phường kết hợp với cửa hàng rau sạch của Hội LHPN phường, phát động người dân thu gom túi ni lông đã qua sử dụng, làm sạch, lưu giữ tại nhà, UBND phường sẽ thu đổi định kỳ 3 tháng/lần, sản phẩm đổi là rau sạch, sản phẩm gia dụng, muỗng không rãnh. Túi ni lông thu đổi mỗi đợt được Xí nghiệp Môi trường Hải Châu vận chuyển xử lý. Hay như mô hình tận dụng tấm bạc, pano đã sử dụng sản xuất các túi đi chợ, túi phân loại rác được sử dụng nhiều lần trong gia đình; thu gom các thùng sơn đã sử dụng, sơn lại, dán các câu khẩu hiệu tuyên truyền, phát cho các hộ gia đình làm thùng đựng rác; phát động các trường học tận dụng các vật dụng bỏ đi để chế tạo, làm các sản phẩm phục vụ cho công tác trang trí, dạy học cho trẻ... Sau hơn một năm thực hiện, P.Hòa Thuận Tây đã phân loại được 22.317 kg được quy đổi thành 111 triệu đồng. Kinh phí này được nhân dân trực tiếp sử dụng hỗ trợ và trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng ước mơ xanh cho học sinh nghèo vượt khó. Anh Đặng Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND P.Hòa Thuận Tây cho biết, phường đã phát động phong trào phân loại rác thải tại nguồn được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và có 44/45 khu dân cư với 75% số hộ dân tham gia đăng ký thực hiện. "Phường đã tổ chức ngày hội thu đổi túi ni lông qua sử dụng và thu được 370 kg, sản phẩm quy đổi là rau sạch, các nhu yếu phẩm thường ngày nên người dân rất hào hứng, vui vẻ thực hiện", anh Hiếu chia sẻ thêm.

Vì môi trường bền vững

Trong thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng làm tốt công tác phân rác tái sử dụng tại nguồn, như P.Thuận Phước, Thạch Thang (Q.Hải Châu) mỗi năm mỗi phường thu về hơn 500 triệu đồng, P.Hòa Thuận Tây thu về hơn 100 triệu đồng... Trong thời gian tới, Q.Hải Châu sẽ triển khai phân loại rác các phường còn lại trên địa bàn quận do thành phố Yukohama của Nhật hỗ trợ. Chị Trương Hồng Hà (Q.Hải Châu) chia sẻ: "Việc phân loại rác thải tại nguồn không khó khăn, chỉ cần mỗi người dân có ý thức bảo vệ môi trường là sẽ làm được, đó là trách nhiệm của mình bởi vì rác do chính chúng ta thải ra. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu hơn về ý nghĩa của việc phân loại rác thải tại nguồn. Đây cũng là một nguồn thu để thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội...".

Theo phòng Tài nguyên môi trường Q.Hải Châu, thời gian qua, các ban, ngành, hội đoàn thể và UBND các phường trên địa bàn quận đã triển khai nhiều lớp tập huấn công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường với 2.700 người tham gia. Thiết kế, in ấn 4.000 tờ rơi tuyên truyền và 2.000 sổ tay hướng dẫn phân loại rác tài nguyên tại hộ gia đình. Qua kiểm tra đã có 139 trường hợp làm ô nhiễm môi trường được phát hiện và xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 160 triệu đồng. Các lực lượng tiến hành xóa 21/38 điểm tập kết rác tạm thời và thay thế phương thức thu gom trực tiếp bằng cơ giới hóa, từng bước xóa việc đặt để thùng rác trên các tuyến đường; thường xuyên kiểm tra tình trạng vệ sinh môi trường tại 260 tuyến đường, qua đó phát hiện 19 tuyến chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2018, trên địa bàn quận đã có nhiều mô hình, bộ tiêu chí thi đua được triển khai, mang lại nhiều kết quả tích cực. UBND quận đã ban hành kế hoạch và triển khai đến toàn thể cán bộ chủ chốt quận, phường để quán triệt chủ trương xây dựng "Phường thân thiện môi trường"...

THANH HOA