Hiệu quả từ mô hình nuôi cá nước ngọt

Thứ hai, 24/03/2014 12:42

(Cadn.com.vn) - Đầu ra cho sản phẩm là vấn đề khiến nhiều nông dân ở Hòa Vang (Đà Nẵng) luôn lo lắng, trăn trở khi bắt tay thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2013, vấn đề này đã được giải quyết rốt ráo, làm người dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập.

Còn nhớ, cuối năm 2012, sản lượng cá trê lai trên địa bàn xã Hòa Khương tồn đọng hơn 50 tấn, khiến 33 hộ dân thả nuôi ở các thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, địa phương đã đứng ra vận động, thành lập Tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ cá trê lai, gồm 17 thành viên có nhiều kinh nghiệm; trong số đó, nhiều người còn trang bị ô-tô tải, chịu trách nhiệm thu mua cá tại chỗ rồi vận chuyển tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố như: TP Huế, Gia Lai, Kon Tum... theo sự định hướng của chính quyền địa phương.

Nông dân Hòa Vang thu hoạch cá nước ngọt.

Nhiều nông dân kể lại, lúc đó, do không tìm được thị trường tiêu thụ nên bị thương lái ép giá. Họ thu mua 1 ao cá có diện tích 500m2 phải kéo dài 1 tuần mới gom hết hàng, ảnh hưởng đến tiến độ tái sản xuất của người dân và thất thoát sản lượng trong quá trình vây bắt. Từ khi thành lập Tổ hợp tác, người nuôi cá có nhiều lựa chọn hơn, bởi thương lái muốn mua được thì phải tăng giá từ 2.000-3.000 đồng/kg...

Ông Phan Công Tích (thôn Phú Sơn 2) phấn khởi: “Người nông dân ngại nhất là đầu ra cho nông sản, bây giờ, vấn đề này đã được khắc phục, chúng tôi nuôi bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu”. Ông Tích nhẩm tính, trên cùng một diện tích đất, nuôi cá trê lai lãi hàng chục lần trồng lúa. Diện tích mặt nước 500m2 đã thu về hơn 100 triệu đồng, sau khi khấu trừ chi phí, lãi được 50 triệu đồng/năm.

Phú Yên đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng vào lĩnh vực nông - thủy sản

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đình Cự, vừa ký quyết định phê duyệt danh mục 4 dự án gọi vốn đầu tư vào lĩnh vực nông - thủy sản (giai đoạn 2014-2020) với tổng kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng.

Các dự án gồm thu mua, chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương; đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển vùng sản xuất muối tập trung; xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo ông Trần Hữu Khóa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, toàn xã hiện có 60ha đất nuôi cá nước ngọt của hơn 100 hộ, trong đó khoảng 15ha nuôi cá trê lai thâm canh. Việc nuôi cá nước ngọt được bà con vùng này triển khai từ lâu, song trước đây chỉ nuôi các loại cá khác theo kiểu quảng canh, manh mún nên năng suất không cao.

Chỉ đến khi địa phương triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới thì mô hình nuôi cá trê lai quy mô thâm canh mới thực sự mang lại hiệu quả; bởi loại cá này đang được ưa chuộng, tiêu thụ mạnh, khách hàng đa phần đến từ miền Trung - Tây Nguyên mua về làm hàng xuất khẩu.

Tại thôn Nam Thành (xã Hòa Phong), mô hình nuôi cá nước ngọt cũng rầm rộ không kém. Ngoài 4ha mặt hồ đang nuôi cá diêu hồng, huyện còn đầu tư 120 triệu đồng cải tạo thêm 3ha đất để nông dân mở rộng diện tích...

Ông Nguyễn Trung, Trưởng thôn Nam Thành cho biết, do có nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả, người dân lại không mấy “mặn mà”, bởi công sức bỏ ra nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Vì vậy việc “dồn điền, đổi thửa”, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản là hướng đi mới cần thiết. Mô hình nuôi cá nước ngọt ở địa phương bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, người nông dân đang làm giàu chính đáng trên phần đất của mình.

An Dương