Hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ các phiên tòa lưu động

Thứ hai, 13/11/2017 12:23

Với mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân trong năm 2017, TAND hai cấp TP Đà Nẵng đưa ra xét xử lưu động 114 vụ. Những phiên tòa lưu động này là một trong những phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật hình sự về phòng chống tội phạm hiệu quả. Đây là phương pháp đưa những quy định của pháp luật hình sự để người dân tiếp cận một cách chủ động, trực tiếp. Những bản án ở phiên tòa lưu động không chỉ nhằm trừng trị đối tượng phạm tội mà còn góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Thông qua đó người dân cũng chủ động, tích cực hơn trong việc tố giác tội phạm để cùng với các cơ quan chức năng giữ gìn trật tự, an ninh khu vực.

Một phiên tòa lưu động thu hút rất đông người dân tham dự.

Thông thường một vụ án đưa ra xét xử lưu động được tổ chức tại địa bàn xảy ra tội phạm sẽ thu hút được đông đảo người dân tham dự. Khi tham gia những phiên tòa lưu động, người dân sẽ được tiếp cận các quy định của pháp luật một cách chủ động, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đặc biệt, trực tiếp được nghe KSV tranh luận, được nghe HĐXX đánh giá, phân tích những hành vi nguy hiểm, thủ đoạn của tội phạm... người dân có thêm kiến thức cho bản thân, từ đó có kinh nghiệm thực tiễn để đấu tranh bảo vệ cái tốt.

Còn nhớ vụ án bị cáo Võ Thành Tân (Hòa Vang, Đà Nẵng) TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử lưu động về tội "Giết người", vụ án thu hút hàng ngàn người dự khán và từ vụ án này người dân "ngộ" ra nhiều vấn đề. Ông Nguyễn Trần Huy (xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ: "Tôi thấy việc xét xử lưu động rất tốt, đó là cơ hội cho bà con hiểu thêm được những hành vi vi phạm pháp luật đều bị trừng trị nghiêm khắc. Nếu không tham dự phiên tòa này thì nhiều người sẽ không biết hành vi của hai bị cáo còn lại trong vụ án phạm tội không tố giác tội phạm... và phải chịu một hình phạt nặng. Việc tuyên truyền lồng ghép này đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong cộng đồng dân cư".

Tại TP Đà Nẵng, việc tăng cường tổ chức các phiên tòa lưu động đặc biệt được chú trọng tại TAND các quận, huyện. Ông Trần Quốc Cường- Phó Chánh án TAND Q. Thanh Khê, cho biết: Kế hoạch xét xử lưu động năm 2017 được cấp ủy, lãnh đạo đơn vị chú trọng và có kế hoạch ngay từ đầu năm công tác. Để phiên tòa xét xử lưu động đạt hiệu quả, khâu chuẩn bị đặc biệt quan trọng như chọn vụ án điển hình và chọn những Thẩm phán có kinh nghiệm, có bản lĩnh trong công tác xét xử.

Cũng theo ông Trần Quốc Cường, để chuẩn bị tốt một phiên tòa lưu động trước hàng trăm người theo dõi là áp lực không hề nhỏ đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là những người trực tiếp tiến hành tố tụng tại phiên tòa.  Qua những phiên tòa này, tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa tiếp cận với pháp luật, nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật, tạo niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trên thực tế, những vụ án được TA lựa chọn đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, các vụ án rất nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân như: Mua bán trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, giết người...

Để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trước khi tiến hành mở phiên tòa, thẩm phán xét xử nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, VKS, Tư pháp và MTTQ... Bên cạnh đó, TA phối hợp chính quyền địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết như địa điểm xét xử, thông báo cho các tầng lớp nhân dân đến theo dõi phiên tòa, vận động các đối tượng có nguy cơ phạm tội tại địa phương tham dự các phiên tòa nhằm giáo dục, răn đe, giúp các đối tượng ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật.

TRANG TRẦN