HIV - không còn nỗi lo chết người?

Thứ bảy, 06/07/2013 11:17

(Cadn.com.vn) - Hy vọng chữa khỏi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS càng nhen nhóm khi lại có thêm 2 bệnh nhân nhiễm HIV không còn dấu hiệu của virus này trong máu sau khi thực hiện cấy ghép tủy xương.

Không còn virus HIV trong máu

Hai bệnh nhân nam, không được công bố tên tuổi, điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) trong nhiều năm trước khi bị chẩn đoán bị ung thư hạch bạch huyết. Cả hai trải qua hóa trị liệu chuyên sâu sau cấy ghép tủy xương để điều trị bệnh ung thư. Song song với tiến trình này, họ vẫn dùng ARV. Khoảng 4 tháng sau phẫu thuật cấy ghép, bác sĩ vẫn phát hiện virus HIV trong máu của họ. Nhưng 6-9 tháng sau, tất cả các dấu vết của virus này biến mất.

“Với những phát hiện này, chúng tôi nghĩ nên cho bệnh nhân ngừng điều trị bằng ARV để xem những gì sẽ xảy ra tiếp theo”, tiến sĩ Timothy Henrich, một nhà nghiên cứu tại trường Harvard và Bệnh viện Brigham&Women ở Boston, người đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng, cho biết. “Đối với một người bình thường nhiễm HIV, dù đã được điều trị ARV trong nhiều năm, virus này sẽ trở lại ngay trong 2-4 tuần sau khi ngưng thuốc”, ông Henrich cho biết thêm. Cũng có một vài trường hợp, virus quay trở lại sau 8 tuần ngưng thuốc.

Tuy nhiên, đối với 2 bệnh nhân trên, điều này không xảy ra.

 

 Timothy Ray Brown, người đầu tiên “khỏi bệnh” HIV/AIDS. Ảnh: Washington Blade

Không khả thi...

Hai bệnh nhân này đang được so sánh với Timothy Ray Brown, thường được gọi là “Bệnh nhân Berlin”, người đầu tiên “khỏi bệnh” HIV/AIDS.

Năm 2007, Brown được ghép tế bào gốc điều trị bệnh bạch cầu.  Bác sĩ tìm kiếm nguồn hiến mang đột biến di truyền hiếm gặp được gọi là CCR5 delta32 có khả năng làm cho các tế bào gốc tự nhiên chống lây nhiễm HIV. Hiện nay, virus HIV không được tìm thấy trong máu của Brown, song kết quả này chỉ là “chữa khỏi chức năng” và khả năng mở rộng phương pháp điều trị này hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Phương pháp này chỉ giúp kiểm soát được virus và không lây nhiễm cho người khác.

Tuy nhiên, phương pháp cấy ghép tế bào gốc là rất nguy hiểm bởi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị diệt sạch để chấp nhận việc cấy ghép. Sử dụng phương pháp cấy ghép tủy xương để điều trị HIV không phải là một phương pháp khả thi cho hầu hết các bệnh nhân, vì theo các nhà nghiên cứu, chỉ có 1% người da trắng - chủ yếu là Bắc Âu - có CCR5 delta32 đột biến. Người Mỹ gốc Phi hoặc Châu Á không có loại gen này. Theo ông Henrich, cấy ghép vẫn không phải là một chiến lược thực tế cho phần lớn các bệnh nhân nhiễm HIV, và nguy cơ tử vong lên đến 20%.

Mặc dù virus trong máu của hai bệnh nhân này giảm xuống, nó vẫn có thể ở trong một số mô - não hoặc đường tiêu hóa. Và do đó, virus này “chắc chắn có thể trở lại”, ông Henrich nói. Trên thực tế, một virus thậm chí có thể trở lại 1-2 năm sau khi ngừng điều trị ARV, vì vậy hiện vẫn chưa rõ phương pháp ghép tế bào gốc có hiệu quả trong bao lâu.

... nhưng mở ra hy vọng mới

Tuy nhiên,  thành công lần này sẽ giúp mở ra hy vọng mới đối với việc chữa trị HIV. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu các chiến lược khác nhau có thể tấn công nơi chứa virus, làm thế nào có thể nâng cao hệ thống miễn dịch và tìm ra nguyên nhân chính xác khiến virus HIV tạm thời biến mất trong máu 2 bệnh nhân này”.

Đầu năm nay, một em bé nhiễm HIV ở Mississippi (Mỹ) được dùng liều cao của 3 loại thuốc kháng virus HIV trong vòng 30 giờ sau khi sinh, với hy vọng có thể kiểm soát loại virus này. 2 năm sau đó, không có dấu hiệu virus HIV trong máu của em bé này. Cô bé trở thành đứa trẻ đầu tiên được “chữa khỏi chức năng” HIV. Chính hy vọng lớn này đã khiến Quỹ nghiên cứu AIDS (amfAR) tuyên bố sẽ tài trợ cho nghiên cứu này.

Trong khi đó, Tiến sĩ Rowena Johnston, Phó Chủ tịch amfAR và Giám đốc nghiên cứu tin rằng, nghiên cứu chữa khỏi HIV đang bắt đầu cho thấy kết quả tích cực.

An Bình
(Theo CNN)