Hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm - giải pháp giúp người sử dụng ma túy tái hòa nhập cộng đồng

Thứ tư, 04/11/2020 15:59

Có thể khẳng định, công tác phòng, chống ma túy muốn thành công thì việc hạn chế người sử dụng, người nghiện ma túy có ý nghĩa quyết định. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, thời gian qua tại Đà Nẵng, thành phố đã quan tâm đầu tư nguồn lực (cả về kinh phí lẫn con người) để thực hiện thí điểm các mô hình dự phòng nghiện, tái nghiện ma túy, góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy trên địa bàn.

 

* Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn kinh phí ngân sách địa phương phân bổ cho công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hơn 238 tỷ đồng (tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng hơn 226 tỷ và tại gia đình, cộng đồng hơn 12 tỷ đồng). Ngoài ra, Trung ương còn hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng để thực hiện các mô hình thí điểm về phòng, chống ma tuý trên địa bàn TP.

Đối tượng mà các mô hình hướng đến khá đa dạng, đó là những người có nguy cơ cao về sử dụng ma tuý; người mới sử dụng, người đang cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và người đang quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Theo Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH, Sở LĐ-TB-XH) TP, bước đầu, các mô hình đã có những tác động tích cực đến các địa phương triển khai, qua đó góp phần hạn chế gia tăng người nghiện mới.

Ông Lương Vĩnh Thái - Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH cho biết, một trong những mô hình phát huy hiệu quả thời gian qua, là mô hình cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên (TTN) mới sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, kể từ năm 2015, mô hình này được triển khai bằng việc thành phố giao nhiệm vụ cho Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ và Thành Đoàn trực tiếp theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm và trao kinh phí hỗ trợ bình quân 10 triệu đồng cho mỗi TTN mới sử dụng trái phép ma túy trên địa bàn. Qua 5 năm thực hiện thí điểm, kết quả có 287/440 em tiến bộ (đạt tỷ lệ 65%) và 240/440 em có việc làm (đạt gần 55%).

Bên cạnh đó, theo ông Thái, từ năm 2016, thành phố triển khai thí điểm mô hình can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy nhằm sớm can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng có nguy cơ cao về sử dụng ma túy, nghiện ma túy nhằm hạn chế tình trạng gia tăng người sử dụng, người nghiện mới. Qua 5 năm thực hiện, mô hình được triển khai tại 6 phường trọng điểm về ma túy trên địa bàn TP, thu hút được 727 lượt đối tượng tham gia; hỗ trợ học nghề, học văn hóa cho 36 trường hợp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho 4 trường hợp, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 79 trường hợp, giới thiệu việc làm cho 169 trường hợp và giúp đỡ 10 trường hợp trở lại lớp học. Kết quả đến nay có 525/727 lượt trường hợp tiến bộ, đạt gần 73%.

Ngoài ra, mô hình hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy mặc dù mới triển khai từ năm 2019, thí điểm tại 2 quận Hải Châu và Thanh Khê nhưng bước đầu cũng đã có tín hiệu khả quan. Mô hình nhằm tạo điều kiện để người sử dụng ma túy người nghiện ma túy sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tư vấn, điều trị nghiện ma túy; đồng thời kết nối với các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác như y tế, học nghề, giải quyết việc làm, tư vấn pháp lý…

“Nhìn chung, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai thời gian qua được triển khai thực hiện nghiêm túc, Đà Nẵng có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, có nhiều chuyển biến tích cực và đã góp phần giảm tệ nạn xã hội về ma túy; góp phần làm cho tình hình ANCT, TTATXH trên địa bàn được đảm bảo”, ông Thái nói.

Bên cạnh các mô hình, cách làm nêu trên, thì hiện TP Đà Nẵng vẫn duy trì chính sách đặc thù, hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy từ 5 năm, 10 năm trở lên không tái nghiện. Theo đó, chủ trương hỗ trợ người cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên không tái nghiện đã được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết số 26/2012 là chính sách nhân văn, đã động viên, khuyến khích nhiều người cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên không tái nghiện, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Và kể từ năm 2013 đến nay, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ cho 281 người, trong đó có 148 người được hỗ trợ 2 triệu đồng/người và 133 người được hỗ trợ 10 triệu đồng/người.

Theo ông Trần Công Nguyên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, qua kiểm tra, rà soát, nắm tình hình, kết quả hỗ trợ cho các trường hợp người cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên không tái nghiện được thành phố hỗ trợ kinh phí đến nay cho thấy, hầu hết được sử dụng đúng mục đích số tiền hỗ trợ để học nghề, làm nghề, ổn định việc làm, chăm lo gia đình, vươn lên trong cuộc sống bằng sức lao động của mình, có ý thức chấp hành các quy định của địa phương. “Đa số người cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên không tái nghiện đều có hoàn cảnh khó khăn, sau khi nhận được số tiền hỗ trợ đã dùng vào việc chính đáng như mua sắm đồ nghề, phương tiện để tạo việc làm ổn định thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình”, ông Nguyên khẳng định.

D.H

Chi cục PCTNXH TP Đà Nẵng phối hợp với UBND P. Vĩnh Trung (Q.Thanh Khê) tổ chức hỗ trợ, trao phương tiện sinh kế cho các trường hợp có nguy cơ cao nghiện ma túy trên địa bàn.