Hòa bình rồi mới cưới vợ

Thứ sáu, 22/04/2022 17:50
Tết nguyên đán Nhâm Dần, chúng tôi có dịp ghé thăm Đại tá Ngô Đức Tấn - nguyên Tỉnh đội phó Tỉnh đội Quảng Ngãi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307 (Quân khu 5). Năm nay bước sang tuổi 87, là thương binh ¼, từng 16 lần bị thương, trên người có hơn 20 vết sẹo, sức khỏe đã xuống nhưng được sống giữa tình yêu thương của người thân, đồng đội, ông vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống.
Đại tá Ngô Đức Tấn và vợ năm 1989.

Đại tá Ngô Đức Tấn (bên phải) gặp gỡ đồng đội.

Nhắc về ký ức những năm chống Mỹ, cứu nước, ông Tấn là một cán bộ chỉ huy mưu lược, can trường, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, được tặng thưởng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, ba lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe tăng", vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen “Mưu, trí, dũng, song toàn”. Không những lập nhiều chiến công trong chiến đấu, đồng đội luôn nhớ về ông với câu chuyện tình độc đáo.


Năm 1973, lúc đang là Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, sở hữu dáng người nhỏ bé, gầy gò, da đen sạm, giống hệt người dân tộc Hre nên được đồng đội đặt cho biệt danh “Tấn Re”, ông gặp và có cảm tình sâu sắc với Thượng sĩ Hồ Thị Minh Thu, nữ y tá cơ quan tham mưu, kém 11 tuổi, da trắng, tóc dài, tính tình thùy mị, giọng nói dịu dàng. Lúc này, ông đã ở tuổi 38 nên cả đơn vị ai cũng mong ông mau chóng lập gia đình. Nhưng Ngô Đức Tấn đánh giặc giỏi bao nhiêu thì nói chuyện với phụ nữ vụng về bấy nhiêu. Một hôm, lấy hết can đảm, ông mở lời: “Anh em ghép đôi tôi với cô, cô thấy sao?”. Quá bất ngờ, cô Thu thẹn thùng: “Thủ trưởng à, để em về hỏi chị em trong cơ quan xem sao đã”. Ai dè, trong chị em có người lại bàn ra: "Ưng chi cái ông chỉ biết mỗi việc đánh giặc, lại vừa già, vừa đen nhẻm". Điều này khiến cô gái vốn khâm phục những chiến công của “Thủ trưởng Tấn” cũng đâm ra… khó nghĩ. Thế nhưng, trước tình cảm chân thành của ông Tấn, cô phân vân trả lời lần thứ hai: “Cho em suy nghĩ thêm 10 ngày nữa”.

Đúng 10 ngày sau, cô Thu bẽn lẽn: “Chị em nói vậy, nhưng em thấy cũng được”. Thế là hai người báo cáo với tổ chức. Đơn vị khuyến khích làm đám cưới luôn, nhưng đang lúc chiến tranh, lại nghĩ mình thường đi vào nơi hòn tên mũi đạn, cô ấy còn trẻ thế, lỡ mình có mệnh hệ gì,… Thế là ông tuyên bố: “Thôi cưới chi giờ để nó cũ đi. Đánh đuổi giặc xong, hòa bình rồi thì mới cưới vợ”. Rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đến. Một đám cưới giản dị, đầm ấm được Tỉnh đội Quảng Ngãi đứng ra tổ chức vào ngày 2-5-1975 với hai kg trà và một bao bánh kẹo, trước sự chứng kiến, hân hoan của tất cả mọi người.

Hòa bình rồi, ông được phân công về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94, đóng quân vùng biên giới Tây Nam; còn người vợ chuyển ngành về Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Thường xuyên công tác xa nhà, ông tranh thủ giờ nghỉ trưa vào rừng chặt cây, đào hầm đốt than, bỏ vào 9 bao dứa, gửi xe chở về cho vợ và đứa con đầu lòng sẽ chào đời lúc đầu mùa đông. Lúc bà sinh con, ông không có mặt.

Đại tá Ngô Đức Tấn và vợ năm 1989.

Năm 1978, chàng sĩ quan Ngô Đức Tấn nhận nhiệm vụ lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả ở Campuchia, người vợ nơi quê nhà không chỉ nặng gánh mưu sinh mà còn lo đến thắt ruột về người chồng đang đi vào nơi mũi tên, hòn đạn. Sau giải phóng Phnom Pênh, ông bất ngờ về thăm nhà khiến bà mừng rơi nước mắt. Đó là năm 1979, Quân khu 5 tổ chức lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh đã mời cán bộ, chiến sĩ có thành tích chiến đấu xuất sắc về dự, trong đó có Trung đoàn trưởng Ngô Đức Tấn. Lúc này, ông từ Campuchia tranh thủ ghé qua nhà một đêm thăm vợ con, sáng hôm sau ra Quân khu (Đà Nẵng). Trong thời gian ngắn ngủi đó, người vợ đã mang thai lần thứ hai. Năm 1980, bà sinh cho ông thêm một con trai.

Đến năm 1989, lúc Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế rút về nước, cũng là thời điểm Đại tá Ngô Đức Tấn tạm gác đời binh nghiệp. Bấy giờ các vết thương, mảnh đạn tưởng đã nằm im trong cơ thể ông mới có dịp phát tác mỗi khi trái gió trở trời. Gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai người vợ. Bà hết làm việc ở bệnh viện lại lo thuốc thang cho chồng, đưa đón các con đi học. Dù bận rộn vất vả nhưng bà vẫn kiên cường, toàn tâm toàn ý đồng hành cùng người chồng, người đồng chí. Hai người tận dụng mảnh đất còn dư nuôi heo kiếm thêm thu nhập, rồi dựng lại ngôi nhà khang trang hơn, nuôi hai con thành đạt. Nhìn ông bà sớm chiều trao nhau ánh mắt trìu mến, tận tình chăm sóc sức khỏe cho nhau lúc ốm đau, càng thấy quý giá vô cùng hạnh phúc giản dị của vợ chồng người lính đã trải qua nhiều giông gió bởi chiến tranh.