Ám ảnh nỗi lo sạt lở núi

Kỳ cuối: Xác định nguyên nhân và kịch bản ứng phó

Thứ sáu, 04/10/2024 08:25

Việc sạt lở, các vết nứt bất ngờ xuất hiện tại làng Tak Chay (xã Trà Cang) và làng Lăng Lương (xã Trà Tập), huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho thấy mức độ rủi ro của thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Theo Chủ tịch huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng thì ngoài mưa lớn, địa hình đồi núi cao, rung chấn do động đất..., nguyên nhân của việc sạt lở bất thường trên không loại trừ khả năng do quá trình san ủi, mở đường gây nên.

Lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My kiểm tra vết nứt trên đỉnh Trà Linh.
Điểm chung của 2 ngôi làng Tak Chay và Lăng Lương là bị sạt lở nghiêm trọng sau khi có tuyến đường chạy ngang.

Xác định nguyên nhân để phòng tránh

Qua chuyến thực tế tại làng Tak Chay và Lăng Lương, chúng tôi nhận thấy 2 nơi này có điểm chung là việc sạt lở xảy ra sau khi các tuyến đường được mở ngang qua làng. Tại làng Tak Chay, những điểm sạt lở đổ ập xuống ngay con đường phía trước làng. Ngoài những điểm sạt lở, các vết nứt dày đặc cũng xuất hiện khắp nơi, ngay trên taluy dương của đường. Phía taluy âm là vực sâu hàng chục mét. Nếu ngôi làng này không được di dời thì nguy cơ sạt lở tiếp tục là điều không thể tránh khỏi.

Nếu như ở làng Tak Chay, đường được mở phía trước làng, thì tại làng Lăng Lương, đường được mở phía sau làng, cắt ngang sườn núi. “Không biết có phải do đường được mở, núi hỏng chân, mạch nước ngầm bị cắt mà phía trên đỉnh núi sau làng xuất hiện các vết nứt dài cả trăm mét”- anh Hồ Văn Cường, cán bộ xã Trà Tập đặt nghi vấn.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo huyện Nam Trà My cũng nêu giả thuyết trên, nhưng để khẳng định đó có phải là nguyên nhân chính không thì cần có kết luận của cơ quan chuyên môn. “Nói về nguyên nhân dẫn đến các vụ sạt lở thì nhiều yếu tố, như mưa lớn, địa hình đồi núi cao, vực sâu, thường xuyên bị rung chấn do động đất, và không loại trừ nguyên nhân do việc mở đường ảnh hưởng đến địa chất. Nhưng việc mở đường là chính đáng, phục vụ việc đi lại cho người dân và phát triển KT-XH của địa phương”, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My bày tỏ quan điểm.

Có thể nói, Nam Trà My là địa phương có địa hình đồi núi cao nhất Quảng Nam. Dân cư phân bố nhỏ lẻ ở các đỉnh núi, thường gọi là nóc. Mỗi nóc có vài chục hộ dân sinh sống. Chính vì vậy, việc mở đường vào các khu dân cư sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến địa chất, là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ sạt lở thời gian qua. “Người dân quen với tập quán canh tác ở nương rẫy. Nếu mình di dời họ ra gần trung tâm xã thì họ không chịu, vì ra đó không có rẫy để canh tác. Do đó việc mở đường vào các khu dân cư dù xa, tốn kém nhưng cũng phải làm. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, song song với việc mở đường thì phải thực hiện việc xây dựng kè chắn, cầu cống cho bài bản thì sẽ hạn chế được việc sạt lở”- ông Trần Duy Dũng nói thêm.

Ngay trung tâm huyện Nam Trà My (phía sau trụ sở Công an huyện) cũng xuất hiện các vết nứt nguy hiểm.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hầu hết những nguyên nhân sạt lở đến từ vấn đề do tác động ngoại lực gây nên, tác động ngoại lực sẽ phá vỡ mọi sức bền liên kết với nhau trên mái dốc, đỉnh đồi khiến cho đất, đá không giữ được trọng lực mà rơi xuống. Những vụ sạt lở thông thường bao giờ cũng kèm theo mưa lớn, nước mưa làm cho các mối liên kết của đất, đá, rễ cây, thảm thực vật bị phân rã. Mặt khác, nguyên nhân cũng có thể đến từ những lý do như nước ngầm, động đất,… Tuy nhiên theo nhận định, các vụ sạt lở gần đây là do hoạt động của con người khi khai thác rừng quá mức, xây dựng nhiều công trình dân sinh, mở đường, làm thủy điện,… Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng sạt lở đất, đá gia tăng.

Lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My kiểm tra vết nứt trên đỉnh Trà Linh.

Hiệu quả từ “4 tại chỗ”

Những năm gần đây, thiên tai thường xảy ra bất ngờ và không tuân theo quy luật. Đặc thù ở miền núi cao như Nam Trà My, khi xảy ra thiên tai thì giao thông bị chia cắt, khu vực bị nạn thường bị cô lập. Lực lượng hỗ trợ chuyên nghiệp khó mà tiếp cận được ngay. Vì vậy phương châm 4 tại chỗ được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để cứu nạn, cứu hộ, giảm thiểu được những tổn thất.

Qua thống kê của UBND huyện Nam Trà My, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 39 khu dân cư (gần 12.000 người) có nguy cơ sạt lở. Do đó, để việc người dân sớm chủ động phòng tránh, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra là mối quan tâm hàng đầu của huyện. Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân, thời gian qua huyện Nam Trà My đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, với đặc thù là xã vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, do đó sau khi sạt lở xảy ra, xã đã huy động lực lượng tại chỗ, trong đó chủ công là dân quân khẩn trương hỗ trợ, di dời vật dụng, nhà cửa cho người dân. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, cơ quan đoàn thể cũng huy động đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ, di dời nhà dân. “Hiện nay, lực lượng xung kích tại chỗ của xã là gần 200 người, luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Địa phương cũng đã huy động các đơn vị đang thi công các công trình sẵn sàng phương tiện xe múc, xe ủi hỗ trợ khai thông đường khi xảy ra sạt lở”- ông Lạc thông tin thêm.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, sạt lở là nguy cơ lớn nhất của địa phương vào mỗi mùa mưa bão. “Người dân, chính quyền đều chủ động và với những gì đang diễn ra ở Tak Chay, Lăng Lương… cho thấy di dời, sơ tán dân khi có nguy cơ sạt lở là yếu tố tiên quyết để giữ an toàn. Từng khu dân cư, từng khe sông khe suối đều được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố nguy hiểm để có giải pháp ứng phó cần thiết. Câu chuyện tái định cư cho dân sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo đời sống ổn định, an toàn cho từng người, từng nhà”- ông Trần Duy Dũng cho hay.

Mới đây, tại buổi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục sạt lở tại làng Tak Chay (xã Trà Cang), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh: tinh thần “4 tại chỗ” phải được quán triệt xuyên suốt, thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện cho người dân nắm, vận động cùng thực hiện. Song song với đó phải thông tin, cập nhật thường xuyên tình hình, cảnh báo nguy cơ về thiên tai nhanh, đúng, đủ, kịp thời. “Về lâu dài, địa phương cần rà soát để di dời toàn bộ người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở cao, tìm kiếm và sắp xếp bố trí dân cư ổn định. Đảm bảo thông tin liên lạc, huy động phương tiện kịp thời để giao thông thông suốt, phục vụ di dời, ứng phó thiên tai”- ông Lương Nguyễn Minh Triết chỉ đạo.

“Tám năm qua, tỉnh Quảng Nam triển khai Đề án sắp xếp dân cư ở miền núi để phòng tránh thiên tai. Qua đó đã sắp xếp được hàng trăm điểm dân cư với hơn 7.000 hộ gia đình. Đến nay, tỉnh tiếp tục quy hoạch và sắp xếp thêm gần 8.000 hộ với kinh phí gần một 1.000 tỷ đồng. Đề án sắp xếp dân cư ở miền núi vừa đảm bảo an toàn, giảm mức đầu tư, hạn chế mở đường gây tác động vào rừng, nhưng khó khăn lớn nhất mà địa phương gặp phải đó là thiếu đất để tái định cư an toàn cho người dân”-

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng thông tin.

Trần Tân

Kỳ 2: Sống trong phập phồng, bất an!

Ngoài những điểm sạt lở ở gần khu dân cư các xã Trà Cang, Trà Tập, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Nam Trà My (Quảng Nam) liên tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở khác. Nỗi ám ảnh bởi sạt lở thường trực trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây...

Ám ảnh nỗi lo sạt lở núi!

Sau những đợt mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn huyện Nam Trà My (Quảng Nam) xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Trước tình hình đó, những ngày qua, hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu ở một số xã của huyện này hối hả dỡ nhà để chạy đi nơi khác....

Quảng Nam di dời khẩn cấp 9 hộ dân xã biên giới trước nguy cơ lở núi

Ông Bhling Mia-Bí thư Huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam vừa cho biết, khoảng 19 giờ ngày 30/9, Đồn Biên phòng Ga Ry nhận được tin báo việc tường và nền khu nhà vệ sinh của một số hộ dân thôn H’juh, xã Ch’ơm, Tây Giang nứt đôi, có nguy cơ sạt lở.