Hòa giải sau chiến tranh

Thứ ba, 10/03/2015 09:20

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, Nhật cần đối diện với lịch sử, coi đó là điều kiện tiên quyết để sửa chữa sai lầm thời phát xít và quay lại với cộng đồng quốc tế.

Trong chuyến thăm Nhật Bản hôm 9-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh vào sự tha thứ đồng thời khẳng định việc “thẳng thắn đối mặt với lịch sử” và “có cử chỉ hào phóng” là điều cần thiết để cả Berlin và Tokyo có thể cải thiện quan hệ với toàn thế giới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe
tại Tokyo hôm 9-3. Ảnh: Reuters

AFP dẫn lời bà đầm thép nói rằng, chiến tranh là ký ức cay đắng của Đức và nước bà không bao giờ lãng quên lịch sử. Bà nhấn mạnh, sự kiện kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với cả Đức và Nhật.

Khi được hỏi Nhật Bản có thể làm gì để giải quyết các vấn đề lịch sử với Trung-Hàn, bà cho rằng, bản thân Berlin đã thẳng thắng nhìn nhận lịch sử, đặc biệt là vụ thảm sát người Do Thái, và đó là lý do tại sao nước bà được cộng đồng quốc tế chào đón. Và đó là lý do mà Tokyo cần làm theo như thế. Nhưng bà cho biết không thể đưa ra lời khuyên cụ thể về cách Nhật phải đối phó như thế nào với quá khứ, nhưng “lịch sử và kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng, đó là các biện pháp hòa giải hòa bình”.

Tuyên bố của bà cũng được đưa ra chỉ 1 tháng sau khi Thái tử Naruhito của Nhật kêu gọi đất nước “khiêm tốn nhìn lại quá khứ” và trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm Nhật bị đánh bại trong Thế chiến II, trong đó quan điểm bảo thủ của Thủ tướng Shinzo Abe về tội ác chiến tranh của Tokyo đang khiến mối quan hệ với Trung - Hàn tiếp tục gia tăng căng thẳng.

Trong khuôn khổ các cuộc thảo luận với người đồng cấp Abe, bà Merkel bàn đến thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Nhật và Liên minh Châu Âu (EU) mà 2 bên dự kiến hoàn tất trong năm nay và nhiều vấn đề khác.

Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng về chính sách năng lượng trong bối cảnh Đức cam kết đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của nước này trước cuối năm 2022, nhưng Nhật lại đang chuẩn bị khởi động lại một số lò phản ứng sau thảm họa hạt nhân Fukushima hồi năm 2011. Thủ tướng Đức cũng kêu gọi Nhật ủng hộ duy trì các biện pháp trừng phạt Nga trong bối cảnh Berlin cũng bày tỏ ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao với Moscow.

Trên thực tế, Nhật lâu nay vẫn bị các nước láng giềng chỉ trích về những gì được coi là sự thừa nhận tương xứng và giáo dục tàn bạo của chiến tranh. Thủ tướng Abe dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố vào cuối năm nay để đánh dấu kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh.  Tuy nhiên có thông tin cho rằng, ông có thể rút lại lời xin lỗi trong quá khứ của Tokyo đối với những hành động chiến tranh tàn bạo ở Châu Á, động thái chắc chắn sẽ khiến Seoul và Bắc Kinh nổi giận.

Trong nhiều thập kỷ qua, vấn đề tha thứ cho những lỗi lầm thời kỳ chiến tranh phát xít Nhật là nguồn gốc của sự căng thẳng ngoại giao giữa Tokyo và các nạn nhân, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự căng thẳng này gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi ông Abe nhậm chức vào năm 2012. Trung-Hàn đặc biệt lên án việc ông Abe và các bộ trưởng cấp cao khác đến thăm đền chiến tranh Yasukuni – nơi thờ các tội phạm chiến tranh.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhiều lần xin lỗi vì gây ra đau khổ cho nhiều quốc gia thời Thế chiến II, trong đó có cột mốc đáng nhớ là tuyên bố năm 1995 của Thủ tướng Tomiichi Murayama – hay còn được gọi là “Tuyên bố Murayama”. Vì thế mà chính phủ Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Abe, nhiều lần nói rằng, Tokyo đã đủ chân thành với quá khứ. Những người mang chủ nghĩa dân tộc ở Nhật Bản nói rằng, Tokyo đã xin lỗi quá đủ cáo buộc Trung - Hàn đang tìm cớ đổ tội lên đầu nước này.

Nhưng dường như, đối với Trung - Hàn, tất cả vẫn chưa đủ. Trên thực tế, Bắc Kinh bị cáo buộc thường xuyên sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước và sách giáo khoa lịch sử để nuôi dưỡng tinh thần chống Nhật. Trong khi đó, vấn đề phụ nữ mua vui cho binh lính Nhật vẫn là chướng ngại vật lớn trên ngã ba đường trong mối quan hệ của Tokyo với các nạn nhân chiến tranh.

Khả Anh