KỶ NIỆM 30 NĂM NGÀY THÀNH LẬP XÃ HÒA PHÚ, H. HÒA VANG, ĐÀ NẴNG (15-3-1986 - 15-3-2016):

Hòa Phú ngày ấy, bây giờ

Thứ hai, 14/03/2016 10:44

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-3-1986, trước yêu cầu mới về quản lý địa giới hành chính và phát triển KT-XH, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định thành lập xã Hòa Phú trên cơ sở tách 4 thôn An Châu, Đông Lâm, Hội Phước, Hòa Phước (xã Hòa Phong) và 5 thôn vùng kinh tế mới Lâm Viên, sau đó thêm thôn đồng bào Cơ Tu vùng thấp Phú Túc (H. Hiên, Quảng Nam-Đà Nẵng cũ)...

Giao thông thông thoáng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Hòa Phú.

Từ vùng kinh tế mới...

Ông Nguyễn Văn Châu-nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Phú (nhiệm kỳ 1986-1990) nhớ lại, những năm đầu mới thành lập, vùng nông thôn miền núi này vô cùng nghèo nàn, lạc hậu cả về kinh tế lẫn văn hóa-xã hội. Toàn xã có gần 800 hộ dân nhưng không có một công trình cơ sở hạ tầng nào, ngoài tuyến đường độc đạo ĐT604 nối liền miền núi với miền xuôi được cấp phối đá hộc thì các tuyến giao thông còn lại hoàn toàn đường đất đỏ "nắng bụi, mưa bùn", làng xóm chỉ là những mái nhà tranh tre lụp xụp, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, kham khổ, đói ăn, thiếu mặc triền miên. Trước tình hình đó, Huyện ủy Hòa Vang đã chỉ đạo, phải bằng mọi giá củng cố, xây dựng các cơ sở Đảng, thành lập Đảng bộ xã làm nòng cốt để xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cùng nhân dân từng bước xây dựng, phát triển địa phương...

Còn trong ký ức của ông Nguyễn Mãi (thôn Hòa Thọ), sau ngày đất nước thống nhất, hàng trăm hộ dân vùng nội thành tình nguyện lên đây khai hoang, san lấp hố bom, mở đất lập vùng kinh tế mới. Các cấp chính quyền huy động máy móc, người dân tích cực "hò nhau" be bờ, đắp đê dẫn nước từ các khe suối về đồng ruộng trồng lúa nước và "đất không nỡ phụ người". Dẫu còn khó khăn, nhưng người dân bắt đầu chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm dài ngày. Mãi đến nhiều năm sau, đập Đồng Tréo (thôn An Châu), Hố Cau (thôn Hòa Phát) mới được xây dựng, tạo nguồn nước sản xuất, cây trồng xanh tốt, năng suất từ đó tăng dần. Có nguồn nước, nhiều hộ dân còn đào thêm ao hồ nuôi cá để cải thiện đời sống...

Ông Nguyễn Văn Vân-Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú cho biết, sau 30 năm hình thành và phát triển, địa bàn vùng cao này đã khác xưa nhiều. Trước, sản xuất nông nghiệp bằng cái rìu, cái rựa, nhà nào khá giả thì có thêm con bò, đời sống bà con vì thế khó khăn, đa phần hộ dân của xã lúc ấy đều thuộc diện hộ nghèo, Nhà nước phải hỗ trợ gạo ăn. Nay, nhiều nhà có đến 5-10 con bò, máy móc được đưa vào đồng ruộng làm thay sức người, hộ nghèo không còn ở nhà tạm. Giao thông tới các thôn làng, từ chỗ toàn đường đất, đi lại khó khăn nay được bê-tông hóa thẳng tắp, ô-tô đến tận nơi. Rồi điện, trường học, thủy lợi nội đồng, nhà ở cứ dần dần kiên cố, khang trang lên. Trước đây, nếu như cây mía tạo điều kiện cho người dân lao động sản xuất, tiêu thụ nông sản cải thiện cuộc sống, thì nay với việc ươm giống cây trồng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc đã trở thành nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình. Tiếp đến, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), từ năm 2011, hạ tầng cơ sở trong xã được đầu tư, chất lượng giáo dục và đời sống dân sinh, nhất là các hộ chính sách, người dân tộc thiểu số được chăm lo đã tạo ra một sự đổi thay toàn diện.

Các KDL sinh thái tại địa phương cam kết hỗ trợ trưng bày, tiêu thụ
sản phẩm  "Rượu cần Phú Túc".

Đến xã nông thôn mới

Được biết, cuối năm 2013, sau khi Hòa Tiến, Hòa Châu được công nhận là xã NTM, TP đặt mục tiêu kế tiếp là 3 xã Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong thì lúc đó Hòa Phú mới cơ bản hoàn thành 15/19 tiêu chí; 4 tiêu chí "khó" còn lại là Cơ sở vật chất văn hóa, Hệ thống tổ chức sản xuất, Hộ nghèo, Môi trường. Song, lãnh đạo xã vẫn đặt niềm tin, đăng ký với huyện và TP, cuối năm 2014 sẽ có thêm Hòa Phú cùng về đích. Để có được niềm tin, chung sức xây dựng NTM của người dân, một trong những yếu tố không thể thiếu của Hòa Phú là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trong vận động nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn, nội đồng và đầu tư cơ sở hạ tầng; từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao... Cư dân địa phương "xôn xao" tính chuyện làm ăn, trồng cây gì, nuôi con gì và cả những thuận lợi, khó khăn. Người thì nuôi cá nước ngọt theo mô hình trang trại, ao vườn, người thì phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở rộng diện tích giống cây trồng. Ngay cả đồng bào Cơ Tu thôn Phú Túc trước đây chỉ biết trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì nay họ đã chủ động sản xuất rượu cần phục vụ khách du lịch...

Điển hình, tại thôn An Châu, khi chương trình xây dựng NTM triển khai thực hiện cùng với nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo như thêm một luồng sức sống mới, hơn 80 hộ dân nơi đây mạnh dạn cải tạo vườn tạp, thay đổi tập quán canh tác. Đất đồi, đất vườn được tận dụng phát triển sản xuất. Bây giờ ở thung lũng miền núi này đã có 3 hộ nuôi cá nước ngọt với diện tích mặt nước 4,5ha, thu lãi bình quân từ 50-70 triệu đồng/năm; 8 hộ trồng thanh long ruột đỏ; 25 hộ làm nghề ươm giống cây trồng với thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng; đàn trâu, bò trong thôn cũng lên xấp xỉ 300 con; thu nhập bình quân đầu người 26,5 triệu đồng/năm...

Mỗi lần đi cơ sở tìm hiểu và nghe người dân kể chuyện xây dựng NTM đã đọng lại trong bản thân Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Hải hôm nay biết bao niềm vui, người dân địa phương đã bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình kinh tế bền vững. Song, cái chính là họ biết suy tính, chịu khó "một nắng, hai sương" gắn bó với ruộng vườn, mạnh dạn phá bỏ nếp nghĩ cũ và biết tích lũy, thể hiện tinh thần vì xóm làng, vì vùng đất mình đang sống. Chỉ có sự đoàn kết và ổn định chính trị mới tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; kinh tế phát triển thì dân mới giàu, xã mới mạnh. Cũng theo ông Hải, thời điểm bắt tay vào xây dựng NTM thật khó hình dung địa phương khó có thể về đích nhanh như vậy. Khó bởi xây dựng NTM phải huy động nhiều sức người, sức của. Đến nay, ước mơ của bao thế hệ người dân miền núi đã trở thành hiện thực. Diện mạo nông thôn đổi mới, người dân rất phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Tại Hội nghị tổng kết 5 năm phong trào "Cả nước chung sức xây dựng NTM", Hòa Phú là 1 trong những tập thể tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và thưởng 1 công trình phúc lợi giá trị 1 tỷ đồng.

"Thế hệ chúng tôi lớn lên chỉ còn những trang sách, những thước phim hay, những câu chuyện kể về một thời gian khổ, quá khứ hào hùng của lớp người đi trước. Bao đau thương đã không làm chùn bước những người sống sót. Họ tiếp tục sống với bom đạn và những trận càn quét hủy diệt. Bây giờ, họ lại là những người tiên phong cùng với chính quyền địa phương trong việc xây dựng và phát triển bền vững xóm làng, quê hương. Thế hệ chúng tôi luôn cảm thấy mắc một món nợ nghĩa tình với lớp người đi trước và nay xin được dần trả bằng sự nỗ lực xây dựng quê hương, làng xóm ngày thêm giàu đẹp", ông Hải tiếp tục sẻ chia.

An Dương