Hoa Tết - trồng rồi lại lo
(Cadn.com.vn) - Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng trời cứ nắng gay gắt khiến nhiều nhà vườn chuyên trồng hoa Tết ở Quảng Nam không khỏi lo âu. Thực tế những năm qua cho thấy hoa truyền thống đã không còn được ưa chuộng mà những loại cây cảnh lai với tiêu chí “lạ, rẻ, đẹp” đang là xu hướng mới.
Những chậu cảnh “xếp hàng” chờ vụ Tết. |
Nhà vườn âu lo
Với những hộ trồng hoa nhiều năm, vụ hoa Tết không chỉ là nỗi lo mất mùa vì thời tiết mà còn là sự thờ ơ của các “thượng đế” khi thị trường hoa liên tục mất giá. Là nơi trồng hoa Tết lớn nhất tỉnh Quảng Nam, TP Hội An có hơn 700 hộ trồng hoa với diện tích 44,77 ha tập trung ở các phường Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Châu. Những năm trước, thời điểm này nơi đây khá sôi động vì thương lái khắp nơi đổ về đặt hàng thì nay lại đìu hiu vắng vẻ. Ông Hà (P. Cẩm Hà) tâm sự: “Cái thời thương lái từ khắp nơi đến đặt hàng, xí phần, đặt cọc để mua hoa đã qua lâu rồi. Nay bà con trồng hoa cũng không dám mở rộng diện tích mà chỉ trồng chút ít gọi là duy trì cái nghề. Thực sự bán hoa Tết được hay không là cách Tết 1 tháng đã biết rồi vì thương lái mua hết khoảng 60% hoa và cây cảnh, số còn lại được chở đi khắp nơi bán dạo. Nhưng nay người mua hoa đã không còn mặn mà nữa nên chúng tôi không dám mạo hiểm”.
Theo ông Hà, những loại hoa Tết truyền thống như cúc, lay ơn, vạn thọ trong mắt người mua đã là những loại cây “cổ lỗ sĩ”. Người chơi hoa Tết bây giờ không mặn mà với những chậu cây cảnh to nữa mà thích những chậu nhỏ để làm kiểng trên bàn như cây kim tiền, vạn niên... Những loại này giá cả cũng phải chăng chỉ từ 20-30 nghìn đồng/chậu so với giá của những chậu mai, quất 400-500 ngàn đồng hấp dẫn hơn nhiều. Một số người chuyên trồng hoa do thua lỗ kéo dài nên bỏ hẳn trồng hoa truyền thống mà chuyển sang trông hoa kiểng. Nhà vườn không còn đầu tư mai vàng cổ thụ, quất chậu lớn mà chủ yếu sản xuất tắc kiểng.
Ông Hà kể, Tết năm ngoái gia đình ông trồng gần 500 chậu lay ơn nhưng thu về chẳng là bao. “Nhìn người ta bán ớt lai, chậu cảnh để bàn hút khách mà đau lòng. Thị hiếu thay đổi, chắc cũng cầm cự được vài năm nữa là phải bỏ nghề”.
Để có được những chậu hoa Tết ưng ý, cả gia đình anh Sĩ phải thay phiên nhau chăm sóc, tưới cây. |
Loay hoay tìm mặt bằng
Cứ vào những tháng cuối năm, nhiều người sốt sắng đi tìm thuê đất để trồng hoa vụ Tết. Ở những địa điểm là đầu mối cung ứng hoa, cây cảnh, quỹ đất cũng không còn nhiều, vì vậy nhiều người bắt buộc phải thuê đất với giá đắt bất chấp việc nhiều năm qua nguồn thu từ hoa Tết luôn bấp bênh. Những ngày này đi dọc các tuyến đường vào các làng hoa Hội An, Duy Thành đã thấy hình ảnh những nông dân đang tất bật rửa chậu, tưới nước cho một vụ hoa mới. Hỏi thăm mới biết hầu hết những người trồng hoa ven đường như thế này đều là người từ địa phương khác đến, hầu hết là các tỉnh miền Bắc hoặc Lâm Đồng. Họ chấp nhận bỏ chục triệu đồng thuê đất trồng hoa với hy vọng đánh cược vào một vụ Tết.
Anh Nguyễn Văn Sĩ (37 tuổi) quê Bắc Giang cho biết: “Năm nào cũng vậy cứ độ mấy tháng cuối năm là tôi cùng một số anh chị em trong làng lại Nam tiến để tìm đất trồng hoa. Chủ yếu là cúc, đào. Từ trồng tới chăm sóc rồi bán cho đặng hết là vừa đến Tết luôn. Mấy năm trước tôi có người quen ở Quảng Ngãi cho thuê đất trồng nhiều năm liền nhưng năm nay miếng đất ấy đã bán làm nhà ở vì vậy tôi đành phải chạy ra đây coi như đổi vận một lần”. Để thuê được mặt bằng rộng 300m2 đường vào Hội An anh Sĩ chấp nhận bỏ gần 15 triệu đồng. Những năm trước gia đình anh Sĩ không chỉ đơn độc một mình mà còn có nhiều người quen vào làm ăn chung. Thế nhưng cái nghề bỏ vốn hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng mà thu về bấp bênh khiến nhiều người nản chí.
Anh Sĩ bảo làm hết mùa này cũng chưa biết sang năm có trụ nổi không. Căn lều nhỏ được dựng tạm bợ bằng mấy miếng bạt là chỗ ngủ nghỉ vừa là nơi chăm sóc hoa của gia đình anh Sĩ. Hằng ngày cả nhà phải thay phiên nhau ra lót bạt, tưới chậu, xới đất cho cây. Thế nhưng những ngày qua thời tiết thất thường khiến cả nhà anh đâm lo mấy chậu cúc trổ bông sớm. Anh cho biết tìm mặt bằng rất khó bởi không phải chỉ cần có diện tích rộng mà cần phải thuận tiện người đi đường ghé thăm, chọn mua. “Ở quê cũng chỉ biết làm nông thôi. Vốn liếng có bao nhiêu đều dồn cả vào vụ hoa Tết cuối năm. Chịu khổ nắng mưa vất vả thế nào cũng được chỉ mong trời thương mà cho mình có lãi tí”, anh Sĩ cười hiền.
Đồng Dao