Hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch FLC do tình hình sức khỏe của bị cáo Trịnh Văn Quyết
Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, sáng nay (26-12), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án: “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan.
Trong đó, có 24 trong số 25 bị cáo kháng cáo có mặt tại phiên tòa, riêng bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) không có mặt tại phiên tòa và có đơn xin hoãn phiên tòa. Đồng thời, 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết đều vắng mặt và có đơn xin hoãn tòa.
Chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến các luật sư, bị cáo có mặt tại phiên tòa về việc hoãn phiên tòa nhưng không có ai không đồng ý hoãn phiên tòa. Tương tự, phía bị hại và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa hầu hết cũng không đồng ý hoãn phiên tòa.
Chủ tọa cũng hỏi người phụ trách dẫn giải bị cáo về tình hình vắng mặt bị cáo Trịnh Văn Quyết thì đại diện Trại tạm giam T16 cho biết, bị cáo Trịnh Văn Quyết đang nhập viện điều trị bệnh do tình hình sức khỏe xấu nên trại tạm giam chưa thể trích xuất bị cáo đến phiên tòa.
Được HĐXX hỏi ý kiến, đại diện VKS thấy rằng phiên tòa phúc thẩm mở lần đầu; bị hại, bị cáo, luật sư có đơn xin hoãn phiên tòa. Vì vậy, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, cho các bị cáo có điều kiện khắc phục nốt hậu quả vụ án.
Chủ tọa phiên tòa cho biết, để mở phiên tòa, Tòa án phải phát hành hơn 1.000 công văn; 5 người đóng dấu mất 1 tuần. Tòa án mất nhiều công sức, chi phí chưa kể lực lượng Công an dẫn giải và lực lượng hỗ trợ khác. Tòa án và cơ quan chức năng không ai muốn hoãn, nhưng mong mọi người thấu hiểu cho Tòa và HĐXX. Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Ngày mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Về vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, ngày 5-8-2024, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với 49 bị cáo, trong đó cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt tổng cộng 21 năm tù về 2 tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán". Cùng bị kết án về 2 tội danh này, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên phạt 14 năm tù và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga bị phạt 8 năm tù. Các bị cáo Trầm Tuấn Vũ bị xử phạt 5 năm 6 tháng tù về tội: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và bị cáo Lê Công Điền bị xử phạt 36 tháng tù về tội: "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Sau đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự; 2 bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga (đềulà em gái bị cáo Quyết) kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại phần nội dung bồi thường, khắc phục hậu quả.
Bị cáo Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Bị cáo Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh- HOSE) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 20 bị cáo khác trong vụ án kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Được biết, trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã bồi thường được hơn 600 tỷ đồng. Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS số tiền 1.364 tỷ đồng, phải truy nộp 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Như vậy, tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm ghi nhận gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho ông Trịnh Văn Quyết.
T.H