Hoàn thành công tác phòng chống bão Vamco trước 15 giờ ngày 13-11
Chiều 12-11, UBND TP Đà Nẵng ban hành công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện tiếp tục triển khai ứng phó với bão số 13, mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất.
Tàu thuyền ngư dân miền Trung neo đậu tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang. |
Cụ thể, nhằm chủ động ứng phó với bão số 13 (Vamco), mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 3-4-2020 của Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, UBND thành phố và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chủ tịch UBND các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Vamco, mưa lũ; sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng do bão đến nơi an toàn.
Tổ chức thực hiện kiên cố, chằng chống nhà cửa, cây xanh theo phân cấp quản lý; tổ chức neo, đậu lồng bè và quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng. Các quận huyện khẩn trương thành lập các đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó với bão số 13 ở từng phường, xã, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ, hoàn thành trước 15 giờ ngày 13-11.
Công điện yêu cầu BCH Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục thông báo kịp thời cho tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn. Nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi. Đến 15 giờ chiều 13-11 phải hoàn thành việc sắp xếp, neo đầu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang, không để người ở lại trên các tàu, thuyền neo đậu trong thời điểm mưa, bão.
UBND thành phố cũng yêu cầu Công an thành phố phối hợp Sở GTVT tổ chức chốt chặn ở những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông cầu, đường quan trọng để bảo đảm an toàn; sắp xếp các phương tiện giao thông đang đậu đổ trên Quốc lộ 1A bảo đảm an toàn; tổ chức bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán dân đi và dân đến. BCH Quân sự thành phố, BCH BĐBP và lực lượng công an triển khai phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố; sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động, phối hợp với các lực lượng liên quan hỗ trợ các địa phương triển khai sơ tán nhân dân, tổ chức sơ tán, cứu nạn người, tài sản tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng, chủ động ứng cứu trên từng địa bàn, nhất là các khu vực xung yếu, địa bàn trọng điểm (đập An Trạch, Hà Thanh, các hồ chứa nước Đồng Nghệ và Hòa Trung,...).
Đối với lĩnh vực xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng, có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn; yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công khẩn trương hạ cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao, bảo đảm an toàn hoàn thành trước 15 giờ ngày 13-11. Cạnh đó chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước, phối hợp Cảnh sát PCCC, Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tổ chức bơm chống ngập ở khu vực nội thành; kiểm tra việc vận hành của tuyến kênh thoát lũ tổng thể xã Hòa Liên đảm bảo an toàn, chống ngập tại khu vực. Cty Công viên Cây xanh khẩn trương hoàn thành chằng chống và cắt tỉa cây xanh đường phố, hạn chế ngã đổ.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ để có biện pháp xử lý an toàn về điện, kịp thời cắt điện ở những vùng bị ngập sâu; có biện pháp gia cố an toàn các móng, trụ điện phòng chống ngã đổ và nhanh chóng tổ chức khắc phục sự cố điện sau bão cũng như bảo đảm cấp điện cho các trạm bơm chống ngập khi có tình huống xảy ra.
ĐÔNG A
Ngập lụt trên diện rộng
Nước lũ băng qua, chảy xiết trên tuyến đường liên xã Hòa Phong - Hòa Tiến (H. Hòa Vang). |
Sáng 12-11, mực nước trên các sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có dấu hiệu chững lại sau 1 ngày dâng cao do các thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả lũ trước khi cơn bão số 13 (Vamco) kèm theo mưa lớn đổ bộ vào đất liền. Nhiều khu dân cư vùng trũng thấp ven sông thuộc các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Châu vẫn còn ngập lụt trên diện rộng từ 0,5m đến 0,8m. Đường ĐH409 (đoạn qua cầu Bến Giang, xã Hòa Tiến) bị nước lũ chia cắt, nhiều tuyến giao thông nông thôn bị nước lũ băng qua, chảy xiết nên việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, phải sử dụng đến ghe thuyền.
V.H