Hoàng Sa - hun đúc ý chí và hành động
(Cadn.com.vn) - Chiều 19-1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015, UBND H. Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) có buổi gặp gỡ nhân chứng gắn liền với cuộc đấu tranh gìn giữ, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngoài những người đã sống chết với Hoàng Sa vào năm 1974, các phóng viên đã tham gia tác nghiệp tại thực địa vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại Hoàng Sa vào tháng 5-2014 cũng có mặt như là những nhân chứng của những hành vi ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại Hoàng Sa.
Cả nước hướng về Hoàng Sa
Ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa cho biết, năm 2014 là thời điểm đúng 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (19-1-1974-19-1-2014). Vào tháng 5-2014, Trung Quốc lại ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 và tàu bảo vệ vào hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta.
Với những hành động ngang ngược như cản phá hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, đâm chìm và gây thiệt hại về người và tài sản đối với ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường trên vùng biển Hoàng Sa, phía Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong Chính phủ, nhân dân Việt Nam cũng như dư luận quốc tế. Sau khi rút giàn khoan Hải Dương - 981 về nước, Trung Quốc tiếp tục có một số hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong bối cảnh đó, UBND H. Hoàng Sa đã linh hoạt tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ với các hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp việc làm rõ sự thật lịch sử liên quan đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo với các vấn đề thời sự được dư luận cả nước và quốc tế quan tâm. Cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền kết hợp với tăng cường các giải pháp thực thi chủ quyền của cơ quan hành chính cấp địa phương. Do đó, hoạt động của UBND H. Hoàng Sa vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao đồng thời đáp ứng được yêu cầu về thông tin tuyên truyền hướng đến nhiều đối tượng trong xã hội. Từ những diễn biến trên thực tế, UBND huyện đã chủ động cập nhật và xử lý nhanh nhạy các tình huống đột xuất và nhạy cảm liên quan đến chủ quyền biển đảo, qua đó tạo được hiệu ứng ủng hộ của dư luận xã hội đối với công tác tuyên truyền về chủ quyền của đất nước.
Ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa tặng quà cho các nhân chứng gắn liền |
Dũng khí và kiên định
Ngồi bên những người anh em đã sống chết với Hoàng Sa, ông Nguyễn Văn Cúc vẫn nhớ như in thời khắc của năm 1974: "Cách đây đúng 41 năm, tôi đang nằm trên đất Hoàng Sa, dưới trời Hoàng Sa. Tàu Trung Quốc xâm chiếm đảo và bắt tôi về bên nước họ. Dù sau đó họ trả tôi về nước, nhưng trong lòng tôi, mất Hoàng Sa là khoảng thời gian mà tôi luôn đau đáu. Muôn đời chúng tôi vẫn một lòng rằng: Hoàng Sa mãi mãi là mảnh đất thiêng liêng của chúng ta". Ông Lê Đình Rê - thuyền trưởng tàu cứu hộ QV 9708 chuyên làm nhiệm vụ lai dắt, cứu nạn các tàu lớn cập cảng Hoàng Sa cách đây 41 năm đến UBND huyện với bức hình thời trai trẻ đang đứng trên lan can tàu giữa đất trời Hoàng Sa.
So với hình ảnh ấy, ông đã già đi nhiều nhưng ông kể về những thời khắc cách đây 41 năm như một thước phim quay chậm. Cầm trên tay kỷ vật của thời trai trẻ, ông Rê kiên định: "Tôi ước ao một ngày nào đó lại ra khơi, có mặt ở Hoàng Sa, dù có già đi nữa tôi cũng xin làm một thủy thủ, một thuyền trưởng đi Hoàng Sa thân yêu. Mọi thế hệ người Việt Nam luôn son sắt một ý chí, một lời thề".
Ông Đặng Công Ngữ - nguyên Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa trao tặng giấy khen cho các phóng viên đã tham gia tác nghiệp tại thực địa vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. |
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa, người luôn đau đáu với Hoàng Sa chia sẻ, tình yêu đối với biển đảo chủ quyền đất nước đã được khẳng định suốt chiều dài lịch sử, trong biến cố năm 2014 đã trở thành cao trào. "Với Hoàng Sa cần sự đồng lòng của mọi thế hệ, cần dũng khí và việc biến ý chí thành những hành động cụ thể. 41 năm, vẫn còn đó những nỗi đau mất mát nhưng với những gì chúng ta đang làm, các thế hệ đang tiếp tục, tôi tin chắc chắn rằng, chúng ta sẽ đòi lại Hoàng Sa". Ông kể lại cho chúng tôi về những bức thư cảm động của những em học sinh khi viết về Hoàng Sa thân yêu, rằng ở tuổi đời còn rất trẻ nhưng thế hệ học sinh đã thể hiện những cảm nhận sâu sắc, xúc động và hào hùng về Hoàng Sa như một cách đầy nhiệt huyết.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa đã tặng Giấy khen cho 27 phóng viên, biên tập viên đã tích cực tham gia tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Báo Công an TP Đà Nẵng có 2 phóng viên và 1 biên tập viên được khen thưởng trong dịp này. Nhà báo Trần Ngọc Tuấn - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tiền phong tại miền Trung thay mặt các phóng viên đã có mặt tại Hoàng Sa khẳng định: "Như triệu triệu người con Việt Nam, chúng tôi đã lên đường đến với Hoàng Sa vào những thời điểm nóng bỏng nhất. Trước những hành vi ngang ngược của tàu Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam vẫn bình tĩnh và khôn khéo. Trên biển, ôn hòa nhưng không thỏa hiệp, từ đất liền lại dậy lên hào khí của dân tộc. Chắc chắn Hoàng Sa sẽ được lấy lại". |
Một người son sắt với máu thịt quê hương, nên ông cảm thấy vẫn còn có lỗi khi chưa thực hiện được nhiều mong muốn của mình, ông Ngữ nói rằng, với Hoàng Sa bây giờ, ngoài tuyên truyền còn phải thu thập và đấu tranh mạnh mẽ trên phương diện pháp lý. "Những năm làm Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa, bản thân tôi còn đáu đáu với nhiều điều tâm huyết nhưng chưa thực hiện được, tôi cũng thấy thẹn. Nhưng với những gì đang chứng kiến từ thế hệ tiếp nối, và sự đồng lòng, nhất trí của mọi tầng lớp nhân dân, chúng ta sẽ lấy lại được Hoàng Sa", ông Ngữ khẳng định.
Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, ngoài những cuộc triển lãm, các hội thảo về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa trong năm 2014, sắp tới một bộ phim 5 tập về lịch sử chủ quyền Hoàng Sa - biển Đông mà ông viết kịch bản, làm cố vấn, quay tại 13 nước với hàng trăm cuộc phỏng vấn sẽ chính thức ra mắt. Tiến sĩ Sơn chắc chắn: "Đây sẽ là một tài liệu quan trọng, chưa bao giờ có, để chúng ta tiến thêm một bước trong hành trình đòi lại Hoàng Sa".
Trong không khí đầm ấm, chính quyền H. Hoàng Sa cũng như các thế hệ đều thể hiện một ý chí kiên định rằng, Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của Việt Nam, với sự đồng lòng, bền chí của cả dân tộc, thống nhất từ ý chí đến hành động, mảnh đất thiêng liêng sẽ trở về với Việt Nam.
Công Khanh