Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam (14)
* PHẦN CUỐI: Người Đà Nẵng với Hoàng Sa
* Bài cuối: Đà Nẵng và Hoàng Sa
(Cadn.com.vn) - Đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thì quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa và hàng ngàn đảo lớn nhỏ khác đều gắn bó máu thịt với tất cả người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và ở cả nước ngoài, chứ không riêng gì với người Đà Nẵng. Có điều, như là duyên phận của lịch sử, người Đà Nẵng gắn bó nhiều hơn với quần đảo Hoàng Sa. Nói duyên phận của lịch sử là bởi không tính giai đoạn trước đó dài hàng mấy thế kỷ, chỉ tính từ ngày 13-7-1961, khi quần đảo Hoàng Sa trở thành một đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là Định Hải cho đến nay, tức hơn nửa thế kỷ qua, chính quyền Đà Nẵng đã thay mặt Chính phủ trung ương liên tục thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với quần đảo này. Nói duyên phận của lịch sử còn bởi Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước có nguyên một huyện - huyện đảo Hoàng Sa - đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ ngày 19-1-1974, và sự kiện này dẫn tới một thực tế là TP Đà Nẵng tuy được giải phóng vào 29-3-1975 nhưng Đà Nẵng vẫn nhức nhối nỗi đau: Hoàng Sa còn bị ngoại bang chiếm đóng.
Sự kiện nói trên còn dẫn tới một thực tế nữa là suốt 40 năm qua, Hoàng Sa luôn đau đáu trong tấm lòng yêu thương và cái nhìn của người Đà Nẵng. Không chỉ đứng từ đất liền mở to đôi mắt trông về phía khơi xa để mong đến một ngày đứng từ huyện đảo Hoàng Sa nhìn về phía tây ngắm mặt trời lặn xuống biển quê hương - cũng có nghĩa là để nghĩ đến một ngày đòi lại được Hoàng Sa mà người Đà Nẵng, cụ thể là ngư dân Đà Nẵng còn đứng trên những con thuyền, đang bất chấp mọi trở lực ngày đêm kiên cường hành nghề đánh bắt trên ngư trường truyền thống để dõi theo từng hòn đảo lớn, nhỏ thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của quê nhà tạm thời chưa thể đặt chân lên đó... Không những thế, người Đà Nẵng còn chăm chú nhìn Hoàng Sa trên những tấm bản đồ, trong đó có không ít bản đồ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vừa mới vẽ, mới xuất bản vào những thập niên đầu của thế kỉ XX, cho thấy biên giới cực nam của Trung Quốc nằm ở đảo Hải Nam, ngay trên một vĩ độ được xác định chính xác đến từng phút từng giây và đương nhiên phía nam của cái vĩ độ ấy hoàn toàn không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, càng không có cái gọi là đường lưỡi bò - một sản phẩm của hư cấu tưởng tượng không thể nói lên bất cứ điều gì ngoài hai từ phi lý và tham vọng.
Thế hệ trẻ TP Đà Nẵng tìm hiểu tư liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Một khi lòng dân còn nhớ thì Hoàng Sa không thể mất. |
Chính vì Hoàng Sa luôn ở trong tâm thức của mình nên người Đà Nẵng đặc biệt nhạy cảm với mọi động thái của Trung Quốc liên quan đến huyện đảo Hoàng Sa. Cuối tháng 6- 2012, người Đà Nẵng đã bộc lộ phản ứng khó có thể mềm mỏng hơn về việc Quốc vụ viện Trung Quốc vừa chính thức phê chuẩn thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa của TP Đà Nẵng cùng huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa. Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên người Đà Nẵng lên tiếng phản đối hành động sai trái này của phía Trung Quốc. Còn nhớ, ngày mồng 7-12-2007, HĐND TP Đà Nẵng khóa VII đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ X - một nghị quyết mang tính lịch sử, trong đó tiếp tục khẳng định Hoàng Sa là đơn vị hành chính của Đà Nẵng, do UBND huyện đảo Hoàng Sa quản lý và phản đối Trung Quốc đòi quản lý quần đảo này. Trước thái độ kiên quyết ấy của người Đà Nẵng - cũng như thái độ tương tự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đối với huyện đảo Trường Sa - Quốc vụ viện Trung Quốc buộc phải trì hoãn việc phê chuẩn thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" cho đến tận năm ngoái...
Chính vì Hoàng Sa luôn ở trong tâm thức và trực cảm của mình nên người Đà Nẵng hết sức quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ (và không chỉ riêng thế hệ trẻ) về chủ quyền thiêng liêng không thể tranh cãi của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nói riêng, cũng như đối với biển đảo của Tổ quốc nói chung.
"Đúng vào ngày 19-1-2014, Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng tổ chức kỷ niệm 40 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và sẽ có một số hoạt động quan trọng!". Trong khuôn khổ Liên hoan "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" khối doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất, chiều 10-5, hơn 350 đoàn viên thanh niên của 17 tỉnh, thành phố trong khu vực đã đến tham quan cuộc triển lãm "Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" đang diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng. |
Có nhiều cách để người Đà Nẵng giáo dục nhận thức và kiến thức về chủ quyền biển đảo. Chẳng hạn như đặt tên đường Hoàng Sa và Trường Sa cho con đường ven Biển Đông là một cách, hay tổ chức cho hàng chục nhân chứng trực tiếp kể về những năm tháng bản thân họ thực thi công vụ tại Hoàng Sa là một cách khác. Trong số các nhân chứng này, không ít người có mặt trên quần đảo thân yêu của Tổ quốc khi quân đội Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ Hoàng Sa; và trong một cuộc chiến đấu không cân sức, may mắn hơn những người bị Trung Quốc giết hại, họ bị đối phương bắt đưa về giam giữ ở đảo Hải Nam... Hoặc, người Đà Nẵng không chỉ tập trung vào mỗi vấn đề chủ quyền lịch sử mà còn nhấn mạnh đến vị trí yết hầu của Hoàng Sa đối với tuyến hàng hải đi qua Biển Đông - cũng là một cách khác nữa. Chính vì quan tâm đến vị trí yết hầu này mà người Đà Nẵng đang rất tâm đắc với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ XII tối ngày 31-5-2013 vừa qua: "Những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ từ biển Hoa Đông đến Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải đang gây quan ngại sâu sắc đối với cả cộng đồng quốc tế. Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền".
Có thể nói, giờ đây lòng mỗi người Đà Nẵng lúc nào cũng cháy bỏng một khát vọng: Phải đòi lại Hoàng Sa! Người Đà Nẵng bao giờ cũng luôn nhắc nhở mình và dạy con cháu: Huyện đảo Hoàng Sa thân yêu của mình vẫn đang bị ngoại bang chiếm đóng, thành phố quê hương của mình vẫn chưa được hoàn toàn giải phóng! Và, còn nhớ tức là chưa mất, chỉ mất khi đã lãng quên. Mà muốn nhớ thì lòng mỗi người Đà Nẵng phải trở thành một Vọng Hải đài luôn đau đáu nhìn về phía khơi xa.
Và Hoàng Sa của tôi ơi
Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm!
Bùi Văn Tiếng –
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng