Hoạt động Đoàn ở bậc THPT: Không phải thiếu “lửa” mà thiếu chất xúc tác

Thứ hai, 17/03/2014 14:45

(Cadn.com.vn) - Có ý kiến cho rằng, so với bậc THPT, hoạt động Đoàn ở bậc ĐH, CĐ sôi động, thiết thực và hiệu quả hơn. Hoạt động Đoàn ở bậc THPT phần nhiều mang tính hình thức, cho có... Về vấn đề này, thầy Phan Văn Tánh - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám - người có thời gian khá dài gắn bó với công tác Đoàn trong trường học - có quan niệm khác...

 

P.V: Thưa thầy! Có ý kiến cho rằng, so với thế hệ thanh niên trước đây, thế hệ thanh niên ngày nay sống thiếu lý tưởng, thiếu ý thức “dấn thân”? Ý kiến đó liệu đã thực sự công bằng?

 Thầy giáo Phan Văn Tánh: Tôi không nghĩ vậy. Bất kỳ thời đại nào, thanh niên cũng có lý tưởng sống. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể mà lý tưởng sống của thanh niên ở mỗi thời đại cũng khác nhau. Trước đây, khi đất nước còn chiến tranh, lý tưởng sống của thế hệ thanh niên thời ấy là sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, khi đất nước hòa bình, mục tiêu, lý tưởng sống của thế hệ thanh niên là phải chiến đấu và chiến thắng với nghèo nàn, lạc hậu.

Để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, không còn cách nào khác là phải ra sức học tập, nắm vững tri thức, trau dồi, rèn giũa đạo đức cách mạng để có đủ năng lực, phẩm chất thực hiện mục tiêu cống hiến sức mình, góp phần xây dựng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì thế, không thể đòi hỏi thanh niên ngày nay phải giống như thế hệ thanh niên ngày trước.

Theo tôi, tùy tình hình, điều kiện để thanh niên biểu hiện “chất lửa” của mình. Tôi cũng không đồng ý lắm với ý kiến: thế hệ thanh niên ngày nay thiếu ý thức “dấn thân”. Đừng chủ quan đánh giá thấp lớp trẻ ngày nay. Tôi rất tin tưởng vào các bạn trẻ có đầy đủ năng lực, giàu lòng yêu nước.

Sau đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chứng kiến tấm lòng của thế hệ trẻ cả nước dành cho Đại tướng, tôi càng tin chắc vào đánh giá của mình đối với lớp trẻ ngày nay. Tôi tin, “chất lửa” trong thế hệ thanh niên ngày nay không thiếu, chỉ cần có chất xúc tác, họ sẽ có cơ hội thể hiện nó. Thực tế, có rất nhiều bạn trẻ đang chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong lĩnh vực CNTT, kinh tế, cống hiến sức trẻ và sự sáng tạo cho xã hội.

Điều quan trọng là làm thế nào để xã hội thực sự trong lành, để các bạn trẻ có điều kiện phát huy được năng lực sáng tạo, cống hiến cho xã hội ngày càng nhiều hơn. Muốn vậy, thế hệ đi trước cần phải làm tốt hơn nữa công việc của mình. Theo đó, lãnh đạo từ trung ương đến địa phương cần phải làm gương, phải tạo niềm tin để lớp trẻ nhìn vào đó mà tin tưởng để phấn đấu và cống hiến...

Thầy nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng hoạt động Đoàn ở trường phổ thông thiếu “chất lửa”, đơn điệu, mang tính hình thức?

* Hoạt động Đoàn ở trường phổ thông nói riêng và hoạt động Đoàn ngày nay nói chung đúng là... không như ngày xưa. Nhưng theo tôi, để hoạt động Đoàn trong trường học đạt hiệu quả còn phụ thuộc vào vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng, sự quan tâm của BGH nhà trường đối với phong trào Đoàn.

Nếu trường nào, Chi bộ Đảng, BGH quan tâm, tạo điều kiện thì phong trào Đoàn trường đó đóng góp vai trò không nhỏ trong việc cùng với nhà trường giáo dục toàn diện cho HS. Thông qua hoạt động Đoàn, Đội, sẽ giúp cho HS lĩnh hội thêm các kiến thức xã hội, kỹ năng sống, hiểu thêm về lịch sử, làm giàu thêm lòng yêu nước của các em...

Mỗi trường sẽ có cách làm riêng. Ví dụ ở Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đoàn đóng góp vai trò không nhỏ trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lý tưởng sống cho HS. Thông qua giờ chào cờ hàng tuần, tùy theo từng tháng mà hoạt động của Đoàn có những chủ đề khác nhau. Với tháng 3 chủ đề “Tháng Thanh niên”, trong các giờ chào cờ, các em tự soạn chủ đề để sinh hoạt như thi đố vui để học về lịch sử...

Thông qua các hoạt động đó, giúp các em hiểu, nhớ sâu hơn về lịch sử, đồng thời giáo dục các em về lòng yêu nước, tự hào dân tộc... Khi giáo dục cho các em hiểu về biển đảo Việt Nam, về Trường Sa, Hoàng Sa, nhà trường phối hợp với tổ chức Đoàn tổ chức đến thăm gia đình các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma.

Trở về, chúng tôi tổ chức cho các em viết bài thu hoạch từ những chuyến đi thực tế đó. Và chúng tôi nhận thấy các em đã có những cảm nhận rất sâu sắc về lịch sử, về chủ quyền biển đảo. Đó chính là một trong những kênh, là cách để các em lĩnh hội được những kiến thức đã học. Bằng những hoạt động cụ thể, Đoàn đã góp phần cùng với nhà trường giáo dục toàn diện cho HS... Vai trò chỉ đạo của Chi bộ Đảng, BGH trong các trường học rất quan trọng góp phần tạo nên chất “lửa” trong hoạt động Đoàn ở các trường học.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là hiện nay tầm vóc chỉ đạo của cấp trên đối với phong trào Đoàn trong trường học mà cụ thể ở đây là ở TP, quận thực sự chưa sâu. Các hoạt động Đoàn chưa thực sự “hấp dẫn”, thu hút, tính chất hoạt động Đoàn chưa “đạt” đến tiêu chí giáo dục, định hướng tư tưởng cho HS; thiếu những cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, chưa tạo được tính tự giác trong hoạt động Đoàn. Phần lớn, hoạt động Đoàn trong nhà trường mang tính tự phát nhiều hơn nên không đồng bộ, không có động lực để các trường hoạt động…

Cô trò Trường THPT Hoàng Hoa Thám thăm gia đình liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Ảnh: P.T

 Có ý kiến cho rằng hoạt động Đoàn ở các trường phổ thông không hấp dẫn, lôi cuốn HS tham gia như hoạt động Đoàn ở bậc ĐH, CĐ?

* Hoạt động Đoàn đòi hỏi tính độc lập và ý thức tự giác rất cao. Tại sao ở bậc ĐH, CĐ, phong trào Đoàn lại mạnh hơn trong khi thực tế, ở bậc học này, vai trò giáo viên chủ nhiệm không còn nữa, hoạt động mang tính tập thể của lớp cũng không mạnh bằng ở bậc THPT.

Phần lớn ở bậc học này, các em học tập, nghiên cứu và sinh hoạt phụ thuộc ở ý thức tự giác mà thôi. Nghe thì thấy mâu thuẫn, nhưng tại sao các em lại gắn bó được với nhau thông qua hoạt động Đoàn? Vì các em được độc lập trong hoạt động Đoàn. Khi sinh hoạt Đoàn, các em tự sinh hoạt với nhau trên cơ sở chương trình, kế hoạch của tổ chức Đoàn đề ra.

Chính sự không áp đặt đó đã khơi dậy được ý thức tự giác, muốn được cống hiến, đóng góp của các em thông qua việc tham gia hoạt động Đoàn như: phong trào thanh niên tình nguyện, tiếp sức mùa thi... Theo tôi, đối với hoạt động Đoàn, chúng ta nên định hướng chứ không nên áp đặt suy nghĩ của mình vào hoạt động Đoàn của các em...

Hãy để các em tự phát huy ý thức tự giác, ý thức sống vì tập thể, vì cộng đồng. Cần giúp các em hiểu rõ hơn, hoạt động của các tổ chức đoàn thể sẽ giúp các em rèn luyện tốt kỹ năng sống trước ngưỡng cửa vào đời...

 Xin cảm ơn thầy đã dành cho độc giả Báo Công an TP Đà Nẵng cuộc trò chuyện cởi mở này.

P.Thủy

(thực hiện)