Hoạt động Nhà hát Trưng Vương đã khởi sắc?

Thứ bảy, 28/10/2017 10:58

Từ việc được bao cấp bằng ngân sách, năm 2016 Nhà hát Trưng Vương bắt đầu lộ trình xã hội hóa để đến năm 2020 tự chủ hoàn toàn. Nhờ cái khó ló cái khôn, chỉ trong một năm, những thay đổi đột phá đã mang lại một luồng sinh khí mới cho cán bộ nhân viên, anh chị em nghệ sĩ. Lãnh đạo Nhà hát thừa nhận sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức khi phải tự đi trên đôi chân mình, nhưng cơ hội “lột xác” cũng bắt đầu từ đây.

Nhiều chương trình nghệ thuật của các ca sĩ hải ngoại
kéo khán giả đến Nhà hát Trưng Vương nhiều hơn. 
      Ảnh: Dida Media

Từ nơi ra đi thành nơi tìm đến

Ca sĩ Quang Hào – Giám đốc Nhà hát tâm sự, một năm qua là thời gian đánh dấu bước ngoặt rất lớn trong công tác hành chính, nhân sự cũng như hoạt động biểu diễn, thu hút sự kiện của Nhà hát Trưng Vương. Thay vì ngồi chờ sự kiện, nặng về hành chính, văn phòng như trước đây, cán bộ nhân viên “vắt chân lên cổ” theo một guồng máy mới với chương trình làm việc kín hơn, đòi hỏi cao hơn. Trong khi đó, với anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, sức ì đã được từng bước đánh bật khi các chuyên gia nước ngoài thổi một luồng gió mới vào các chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ năng, kèm theo đó là lịch diễn dày hơn. “Không phải ngày một ngày hai để thay đổi những thói quen, nhưng theo thời gian, công việc nó đẩy mình đi, cả ê-kíp cùng chạy và kết quả làm việc đã khiến mọi người rất hứng khởi. Quan trọng là đời sống vật chất, tinh thần của các bộ phận đều được cải thiện, bằng chính sức lao động của mình”, ca sĩ Quang Hào cho hay.

Không chỉ thay đổi trong câu chuyện “bếp núc”, Nhà hát Trưng Vương cũng đã trình làng nhiều gương mặt trẻ trên sân khấu biểu diễn. Nếu như trước đây, một số “hạt giống” từ các trường nghệ thuật chọn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để khởi nghiệp hay nhiều giọng ca tiềm năng của thành phố đi tìm đất diễn ở nơi khác thì giờ đây Nhà hát trở thành bến đỗ của nhiều người trẻ. Thanh Trang, sinh viên quê Khánh Hòa tốt nghiệp loại xuất sắc Học viện Âm nhạc Huế tâm sự, cô cảm thấy thực sự may mắn vì từ lúc chưa nhận bằng tốt nghiệp đã lọt qua các vòng thi tuyển của Nhà hát Trưng Vương. Sau 3 tháng công tác, không những được trải nghiệm sự hứng khởi trong môi trường làm việc năng động mà từ đây, cô cũng được khán giả biết đến nhiều hơn khi xuất hiện tại các phòng trà ca nhạc của thành phố.

Từ TP Hồ Chí Minh, ca sĩ Vũ Bảo, Nam Sơn cũng đã tìm về Đà Nẵng đầu quân cho Nhà hát Trưng Vương với kỳ vọng bằng năng lực của mình sẽ có thể sống với đam mê cũng như góp phần làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật của thành phố. Khách quan mà nói, nếu đủ sức hút, đủ sự nổi tiếng, các nghệ sĩ trẻ sẽ chọn Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh để bắt đầu sự nghiệp nhưng việc chủ động về Đà Nẵng trong bối cảnh hoạt động nghệ thuật từng bước xã hội hóa cho thấy họ đã có chiến lược tìm đến khán giả. “Từ việc cộng tác với Nhà hát, tôi đã cảm nhận được môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp hơn. Trước đây tôi đi về thường xuyên nhưng giờ gia đình đã chuyển về sống tại Đà Nẵng. Hy vọng sẽ đóng góp nhiều hơn vào đời sống nghệ thuật của thành phố”, ca sĩ trẻ Vũ Bảo chia sẻ.

Phải năng động hơn nữa

Đến trước thời điểm bắt đầu lộ trình xã hội hóa, Nhà hát Trưng Vương có 76 cán bộ, nhân viên, trong đó có 43 người chuyên biểu diễn, còn lại là cán bộ quản lý và nhân viên các bộ phận. Trung bình mỗi năm ngân sách thành phố cấp về khoảng 5 tỷ đồng để trả lương và duy trì các hoạt động. Riêng năm 2014, ngân sách cấp 5,23 tỷ đồng, năm 2015 cấp tổng cộng hơn 11 tỷ đồng kể cả trả lương và kinh phí bổ sung các nhiệm vụ đột xuất. Theo lộ trình tự chủ, năm 2017, ngân sách bắt đầu cắt giảm 20%, đến 2018 sẽ là 40% và đến hết năm 2020 Nhà hát sẽ tự chủ hoàn toàn. Ca sĩ Quang Hào cho biết, muốn hoạt động tốt trong cơ chế mới thì phải giải quyết được hai bài toán là tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng chuyên môn cũng như phải tổ chức được nhiều sự kiện. Song song với việc mời về những nhân tố mới, Nhà hát cũng buộc phải thanh lọc nhân sự ở các bộ phận, đặc biệt là những người tuổi đã cao, nặng sức ì, trình độ chuyên môn hạn chế. Những người muốn gắn bó, muốn vực dậy nơi mình đã từng gắn bó thì phải thay đổi những thói quen cũ, xắn tay áo cùng nhau làm việc. “Nhiều người nói từ khi anh về, tôi không được nghỉ. Nhưng bây giờ tất cả đã vào guồng, bản thân mỗi người thấy được kết quả từ những cố gắng của mình, công việc nhiều hơn, thu nhập cao hơn. Một số ca sĩ vừa phục vụ chuyên môn tại Nhà hát vừa tham gia các sự kiện biểu diễn, rồi đi hát phòng trà thu nhập vài chục triệu đồng, thậm chí hơn. Trong mặt bằng chung, thu nhập của anh chị em tăng gần gấp đôi so với trước đây”, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương chia sẻ.

Với phương châm nâng cao chất lượng nghệ thuật, phong cách phục vụ khán giả và đảm bảo các nội dung, nhiệm vụ chính trị, Nhà hát phải tổ chức thực hiện chương tình hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, phải làm sao để “không cho nhân viên có thời gian rảnh, không để “giờ chết” mà phải “bù giờ” mới làm hết việc. Cạnh đó là phối hợp sản xuất các sự kiện lớn tại địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh lân cận cũng như kéo về các show diễn chất lượng từ hai đầu đất nước. Trước đây, khán giả Đà Nẵng chỉ được thưởng thức các chương trình nghệ thuật hạng trung, rất lâu mới có những tên tuổi lớn thì trong thời gian qua, những cái tên trong top đầu của làng giải trí như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Dũng, Đức Tuấn, Cẩm Vân, Hoài Linh, Trường Giang, Thu Phương, Bằng Kiều… đã tìm về. Không những thế,  các nghệ sĩ hải ngoại nổi tiếng như Khánh Ly, Hương Lan, Nguyễn Hưng, Tuấn Ngọc, Quang Lê, Giao Linh… cũng thường xuyên có mặt. Dù đây hầu hết là các sự kiện của những công ty giải trí từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thuê địa điểm nhưng dù sao việc sáng đèn thường xuyên hơn cũng đã từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân Đà Nẵng.

Trao đổi về câu chuyện xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương, bà Nguyễn Thị Hội An – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho rằng, ý nghĩa của cơ chế tự chủ là đổi mới toàn diện, đẩy mạnh việc giao quyền về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, đảm bảo cung cấp dịch vụ sự nghiệp chất lượng ngày càng tốt hơn. Việc cắt giảm kinh phí hàng năm là nỗi lo của lãnh đạo Sở và Nhà hát nhưng đây cũng là động lực cho sự đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên, đặt chất lượng chương trình lên hàng đầu và thu hút nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng để phục vụ nhu cầu thưởng thức của mọi tầng lớp nhân dân. “Với một làn sóng mới trong việc xây dựng chương trình, tổ chức biểu diễn, mang về nhiều sự kiện chất lượng, Nhà hát đã ấm dần lên. Đời sống của các cán bộ, diễn viên, nhân viên cũng khởi sắc hơn. Thành phố rất quan tâm và đang tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất để nhà hát có thể vững vàng trong cơ chế thị trường. Phía trước  sẽ còn nhiều khó khăn, vất vả song chúng tôi luôn nhận thấy phải có trách nhiệm và gìn giữ thương hiệu này”, bà Hội An cho biết.

CÔNG KHANH