Học Lịch sử tại các di tích lịch sử

Thứ bảy, 18/06/2022 17:27
Nhằm nâng cao kiến thức về lịch sử, nhất là lịch sử địa phương, đồng thời tạo sân chơi bổ ích, sinh động cho học sinh, những ngày cuối năm học vàtrong dịp nghỉ hè 2022, nhiều trường học ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) cùng các tổ chức Đoàn cơ sở xã, thị trấn tổ chức tham quan, học tập, trải nghiệm tại các di tích lịch sử trong và ngoài huyện.
Đoàn xã Tam Giang đưa các em học sinh tiểu học Lê Hồng Phong viếng thăm Quảng trường Mẹ Thứ ở Tam Kỳ, Quảng Nam.
Đoàn xã Tam Giang đưa các em học sinh tiểu học Lê Hồng Phong viếng thăm Quảng trường Mẹ Thứ ở Tam Kỳ, Quảng Nam.

Theo đó, các em được đưa đến học tập trải nghiệm tại một số di tích lịch sử trên địa bàn huyện Núi Thành gồm: Khu di tích Chủ tịch nước Võ Chí Công ở xã Tam Xuân 1, Tượng đài chiến thắng Núi Thành, di tích Cây đa reo ở Tam Mỹ Tây, Nhà Tiền hiền ở xã Tam Giang và các di tích ngoài huyện như Tượng đài Mẹ Thứ, Địa đạo Kỳ Anh thuộc Thành Phố Tam Kỳ. Ngoài ra, các em còn được học tập trải nghiệm tại các di tích lịch sử ngoài tỉnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo Tàng Quân khu 5 ( Đà Nẵng), Nhà lưu niệm Phạm Văn Đồng ( Quảng Ngãi)…Tại các khu di tích lịch sử này, sau khi dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các nhà lãnh đạo đã qua đời, các em được tham quan và được Ban quản lý các di tích giới thiệu về lịch sử hình thành, ý nghĩa của các Khu di tích, về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của các đồng chí lãnh đạo, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chia sẻ về buổi học lịch sử ngoại khóa này, em Nguyễn Võ Quỳnh Hương- học sinh lớp 8 trường THCS Phan Châu Trinh hào hứng thổ lộ: “Em rất thích thú những tiết học trải nghiệm như thế này. Tiết học như một chuyến tham quan nhưng cung cấp rất nhiều kiến thức bổ ích cho chúng em”. Thầy Nguyễn Hoài Điệp, Tổng phụ trách Đội trường THCS Phan Châu Trinh, cho biết: Đây là hoạt động thường niên của nhà trường. Thông qua các tiết học trải nghiệm này sẽ giúp các em hiểu đầy đủ hơn về những đóng góp to lớn của đồng chí lãnh đạo, các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ VNAH cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Hay thông qua các hiện vật trưng bày sẽ giúp các em liên hệ rõ hơn về những vấn đề - sự kiện trọng đại của dân tộc đã, đang diễn ra…Cũng theo thầy Điệp, hoạt động trải nghiệm ngoại khóa này đã góp phần giáo dục toàn diện học sinh, đồng thời, giúp gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp.“Những buổi học tập trải nghiệm này đã mang lại cho học sinh những bài học sinh động, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa địa phương. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nỗ lực vươn lên trong học tập và lao động, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”- thầy Điệp chia sẻ thêm.

Qua thầy Điệp, được biết, sau đợt tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử này bằng các câu hỏi do thầy cô đưa ra với nhiều dữ kiện gắn với lịch sử Việt Nam, các em viết bài thuyết trình về di tích đã tham quan. Em Nguyễn Võ Quỳnh Hương cho biết, để có được bài thuyết trình có chất lượng, em và các bạn trong nhóm đã tìm đọc các tài liệu như sách, ảnh, bài báo… để có thêm nhiều thông tin. Sau khi hoàn thành, các em gửi thầy cô xem, góp ý để hoàn thiện bài thuyết trình. “Qua các chuyến đi học lịch sử ngoại khóa này, em được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động về sự hy sinh, về tình đồng đội… của thế hệ cha ông. Từ đó, nhắc nhở em phải cố gắng hơn trong học tập, để sau này góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, để không phụ công lao, công ơn của lớp người đi trước”- Quỳnh Hương xúc động thổ lộ suy nghĩ.

Có thể nói, việc tổ chức dạy- học Lịch sử tại các di tích lịch sử như cách mà các trường học cùng các tổ chức Đoàn cơ sở xã, thị trấn ở huyện Núi Thành tổ chức đã góp phần nâng cao chất lượng môn học. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, bản lĩnh, ý thức vươn lên trong cuộc sống cho thế hệ trẻ hôm nay.

Lê Văn Huân