Học sinh và phụ huynh cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Thứ bảy, 17/05/2025 07:40

Thời điểm này đang là giai đoạn “chạy nước rút” ôn thi tốt nghiệp của các em học sinh THPT với nhiều lo lắng, căng thẳng của học sinh và sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Nắm được tâm lý đó của học sinh và phụ huynh, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đã và đang giăng ra những chiếc bẫy tinh vi, xảo quyệt để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu thập thông tin cá nhân của người dân.

Các thí sinh xem thông tin tại một điểm thi ở TP Đà Nẵng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: T.Hoa
Các thí sinh xem thông tin tại một điểm thi ở TP Đà Nẵng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: T.Hoa

Hiện cơ quan Công an đã phát hiện một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng mà các đối tượng đã và đang sử dụng trong mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2025, như: Rao bán “đề thi thật”, “đáp án chính xác 100%”; mở các khóa ôn thi, luyện thi trực tuyến “ma”; lừa đảo “nâng điểm”, “chạy suất” vào đại học; giả danh cán bộ giáo dục, nhân viên trường học “hỗ trợ” làm hồ sơ, phúc khảo…

Ví dụ, thủ đoạn lừa đảo rao bán “đề thi thật”, “đáp án chính xác 100%” xuất hiện trên hội nhóm mạng xã hội thường quảng cáo: “có nguồn đề thi THPT 2025 tuồn ra ngoài”, “đáp án chuẩn từng câu”, “phao thi VIP đảm bảo điểm cao”. Nhiều học sinh do áp lực điểm số, muốn “đi đường tắt” đã không ngần ngại chi vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng để mua. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, các đối tượng này thường chặn liên lạc, biến mất hoặc gửi lại những tài liệu vô giá trị, thậm chí là đề thi của các năm trước.

Đối với thủ đoạn lừa đảo thông qua các khóa ôn thi, luyện thi trực tuyến “ma”, các đối tượng lừa đảo lôi kéo học sinh đăng ký học bằng những lời quảng cáo, như: “Cam kết đỗ 100%”, “bao điểm sàn trường TOP”, “chuyên gia luyện thi hàng đầu”… Thế nhưng, sau khi học sinh nộp tiền, đối tượng lừa đảo chỉ gửi một vài tài liệu sơ sài được sao chép từ nhiều nguồn, hoặc thậm chí không cung cấp bất kỳ tài liệu, lớp học nào và cắt đứt mọi liên lạc.

Nguy hiểm hơn là thủ đoạn lừa “nâng điểm”, “chạy suất” vào đại học, các đối tượng lừa đảo thường tự nhận có “mối quan hệ”, “người nhà” trong ngành giáo dục, có khả năng can thiệp “nâng điểm” bài thi hoặc “chạy” suất vào trường đại học mong muốn với chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Tất nhiên, đây chỉ là những lời hứa suông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, một thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy là việc giả danh cán bộ giáo dục, nhân viên trường học “hỗ trợ” làm hồ sơ, phúc khảo. Theo đó, các đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ Sở GD&ĐT, nhân viên phòng tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng… gọi điện thoại, gửi tin nhắn thông báo những lỗi sai sót “khẩn cấp” trong hồ sơ dự thi của học sinh; dọa dẫm về việc hồ sơ có thể bị loại và yêu cầu cung cấp ngay số Căn cước công dân, mã OTP ngân hàng hoặc chuyển một khoản tiền gọi là “lệ phí xử lý gấp”, “phí hoàn thiện hồ sơ”…

Để ngăn chặn và phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo nêu trên, cơ quan Công an khuyến cáo các bậc phụ huynh và các em học sinh tuyệt đối không tin vào thông tin rao bán đề thi, đáp án “chuẩn 100%” hay các khóa học “ bao đậu”, cũng như việc “nâng điểm”, “chạy suất” vào đại học… xuất hiện trên mạng xã hội. Khi nhận được bất kỳ thông tin đáng ngờ nào (điện thoại, tin nhắn) thông báo những lỗi sai sót “khẩn cấp” trong hồ sơ dự thi của học sinh, hãy liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường để kiểm chứng. Không cung cấp số Căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn, email nếu chưa xác thực được danh tính và mục đích của họ. Cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo để được hỗ trợ kịp thời.

NGUYỄN QUANG

Nữ sinh viên ở Hà Nội bị lừa gần 3 tỷ đồng sau khi nghe một cuộc gọi

Chỉ với một cuộc điện thoại tự xưng là “cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh“, kẻ gian đã khiến một nữ sinh 19 tuổi ở Hà Nội hoảng loạn và chuyển gần 3 tỷ đồng để “chứng minh vô tội“.

Bộ Công an thông tin tiến độ điều tra các vụ án sữa giả, thuốc và thực phẩm chức năng giả

Quá trình điều tra vụ án sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường do Công ty TNHH Hirbitech sản xuất, cơ quan điều tra đã xác định 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Herbitech sản xuất là hàng giả. Đồng thời đã thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất

Công an Đà Nẵng cảnh báo hàng loạt thủ đoạn lừa đảo mới qua mạng

Ngày 6-5, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, hiện nay các đối tượng lừa đảo qua mạng đang tung ra hàng loạt thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi, người dân cần hết sức cảnh giác.