Hội An chưa an trong mùa mưa bão

Thứ năm, 30/10/2014 07:57

(Cadn.com.vn) - Mùa mưa bão đã đến, vùng bờ  biển TP Hội An (Quảng Nam) lại nằm trong tình trạng báo động khẩn cấp về sự xâm thực của biển. Phố cổ Hội An, Di sản Văn hóa nhân loại, càng đứng trước nguy cơ đe dọa.

Ông Lê Công Sĩ-Phó Chủ tịch UBND P. Cửa Đại (TP Hội An)  vô cùng lo lắng: "Chưa năm nào tình trạng biển xâm thực tàn phá bờ biển Hội An dữ dội như năm nay. Toàn P. Cửa Đại có hơn 3km bờ biển, đều nằm trong tình trạng sạt lở mạnh, hiện có 4 điểm, tình trạng biển xâm thực đã gây nên sự sạt lở lấn sâu vào đất liền đến 50 mét đất…".

UBND TP Hội An đang triển khai đóng cừ và đặt bao cát chắn sóng tạm thời nhằm ngăn chặn
tình trạng biển xâm thực đất liền.

Dọc bờ biển khu vực P. Cửa Đại hiện có 6 doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh với các hệ thống khách sạn, nhà hàng, như Hội An, Victoria, Cát Vàng, Vinpearl… nằm dọc trong khu vực bị xâm thực. Nghiêm trọng nhất là khu vực bãi tắm Cửa Đại, biển đã xâm thực tàn phá gây sạt lở đến hơn một nửa diện tích, hàng trăm cây dừa được trồng từ rất lâu năm bị nước biển đánh long gốc, đổ gãy như một trận bão. UBND P. Cửa Đại đã phải huy động lực lượng, dùng dây căng nối từng gốc cây  với nhau để cảnh báo, ngăn chặn du khách không được ra sát mép bờ biển phòng nguy hiểm.

Xuôi về phía Nam, nằm sát khu vực sông Thu Bồn đổ ra Cửa Đại là hai khu Resort du lịch sinh thái của hai doanh nghiệp, mặc dù đã xây dựng xong hơn một năm qua, nhưng không thể đưa vào hoạt động, vì tình trạng sạt lở đất bờ biển đang diễn ra dữ dội. Nhiều dãy nhà hàng xây dựng ven biển đã sụt lún, thậm chí đổ gục vì nền móng đã bị sóng biển cuốn sạch ra biển…

Ông Lê Công Sĩ cho biết, tình trạng xâm thực của biển đã diễn ra vài năm gần đây, nhưng có lẽ năm 2014 này là khốc liệt nhất. Bắt đầu từ tháng 7-2014, trên toàn tuyến chiều dài bờ biển,  trung bình có 1 đến 2 mét đất chiều sâu bị cuốn  trôi xuống biển. Tình hình này nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, chẳng mấy chốc tuyến đường ĐT603 ven biển Hội An cũng bị cuốn trôi.  Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cũng vô cùng lo lắng: "Hội An có chiều dài bờ biển hơn 7km thuộc hai phường  Cẩm An và Cửa Đại.

Tại khu vực P. Cửa Đại, mỗi năm có từ 15 đến 20 mét đất chiều sâu bị cuốn trôi xuống biển. Hiện cũng chưa có nghiên cứu, đánh giá nào biển lại xâm lấn mạnh như vậy. Có ý kiến cho rằng do cửa sông Thu Bồn đổ ra biển mấy năm vừa qua tình trạng bồi lấp mạnh, năm 2013, tình trạng bồi lấp cửa sông diễn ra đến mức tàu bè không thể ra vào được nữa. Đầu năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã lập phương án, chỉ đạo Sở Xây dựng cho nạo vét Cửa Đại, phương án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đã hoàn thành, tàu bè có thể tạm ra vào cửa sông được, nhưng giai đoạn 2 thì chưa biết khi nào mới triển khai vì không có kinh phí".

Không riêng gì bờ biển Hội An đang bị biển xâm thực mạnh, toàn TP Hội An hiện có 1.480 di tích cổ, trong đó khu vực phố cổ có hơn 1.000 di tích, là những di sản văn hóa cần được bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt. Hàng năm ngân sách T.Ư rót về trung bình từ 15 đến 20 tỷ đồng để trùng tu, bảo tồn các di tích xuống cấp. Di tích cổ ở Hội An hiện được phân làm 3 loại, đó là di tích do tư nhân quản lý, di tích do tập thể (tộc, họ…) quản lý, di tích do Nhà nước quản lý.  Tùy theo từng loại di tích là thành phố sẽ phân cấp để cấp kinh phí trùng tu, sửa chữa.

Tuy nhiên, vì nằm ở cuối hạ lưu hệ thống sông Thu Bồn, nên năm nào trung bình phố cổ Hội An cũng ngập trong nước lũ từ 2 đến 3 lần, bên cạnh đó là hiểm họa, nguy cơ cháy nổ cũng rất cao,  càng làm cho các di tích phố cổ nhanh chóng xuống cấp, rệu rã hơn, nên việc trùng tu, sửa chữa như hiện nay cũng chỉ như "muối bỏ bể".  Đã có nhiều phương án nghiên cứu, nhưng không thể nào ngăn được nước lũ  gây ngập phố cổ Hội An. Biện pháp duy nhất hiện nay, là làm sao để nước lũ rút nhanh ra khỏi phố cổ mỗi khi đến mùa mưa bão.

Vấn đề là tìm ra giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng biển xâm thực, tàn phá bờ biển, làm thế nào để bảo tồn phố cổ bền vững là thách thức lớn đối với chính quyền và ngành chức năng TP Hội An và tỉnh Quảng Nam.  Từ năm 2008-2009, TP Hội An đã xây dựng phương án, lập dự án, được UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kinh phí 800 tỷ đồng  để xây dựng 20 km kè ven sông và 7km kè bờ biển.  Từ nguồn kinh phí đó, năm 2012-2013 thành phố đã lập dự án xây dựng 1,5km kè bờ biển, được phê duyệt cấp 80 tỷ đồng, nhưng đến hiện tại mới nhận được 54 tỷ đồng. Năm 2013 đã hoàn thành 715 mét kè bờ biển với kinh phí 37 tỷ đồng, năm 2014 này đang triển khai tiếp 137 mét kè bờ biển với kinh phí 15 tỷ đồng.

Trước tình hình biển xâm thực gây sạt lở bờ biển dữ dội như hiện nay, UBND TP Hội An đã tổ chức họp khẩn cấp, mời các doanh nghiệp đang hoạt động dọc bờ biển bàn biện pháp đối phó. Trước mắt cho đóng cừ toàn bộ bờ biển khu vực bãi tắm Cửa Đại  và khu vực  khách sạn nhà hàng của Cty CP Du lịch Cát Vàng với kinh phí 5 tỷ đồng trên chiều dài 400 mét bờ biển.  Các doanh nghiệp cũng tự bỏ kinh phí ra xây dựng kè khu vực mình đang hoạt động kinh doanh.  Tuy nhiên biện pháp đóng cừ, và đặt bao cát chắn sóng cũng chỉ là biện pháp tạm thời, chưa rõ hiệu quả của biện pháp này thế nào, mặc dù cũng vô cùng tốn công sức tiền của.

Theo ông Dũng, để xây dựng 1 km kè bờ biển hiện nay cần 50 tỷ đồng, Hội An có hơn 7km bờ biển, như vậy cần khoảng 400 tỷ đồng. Còn nữa, để bảo tồn phố cổ, cần 75 tỷ đồng để xây dựng 700 mét kè ven sông Hoài từ cầu Cẩm Nam đến Chùa Cầu. Nhưng hiện nay, mặc dù kinh phí 800 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009, nhưng hầu hết vẫn chỉ nằm trên giấy tờ, hàng năm Hội An mới chỉ được cấp, đầu tư theo dạng "nhỏ giọt" … Thêm nữa,  như trên đã nói, việc khai thông dòng chảy của sông Thu Bồn tại Cửa Đại cũng là vấn đề cấp bách phải làm, nhưng xem ra vấn đề này được triển khai quá chậm. Để bảo tồn phố cổ, để bảo vệ bờ biển làm tiền đề phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội cho toàn TP Hội An một Di sản văn hóa thế giới, đang rất cần những giải pháp, những quyết sách, đầu tư, đồng bộ, quyết liệt trong tình hình hiện nay.

Hồng Thanh