Hội chứng tiền sản giật trong thai kỳ

Thứ năm, 12/12/2019 09:38

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ, đặc trưng bởi huyết áp cao và có dấu hiệu tổn thương hệ thống cơ quan khác, thường là gan và thận. Tiền sản giật thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai ở những phụ nữ có huyết áp bình thường.

Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tử vong cho cả mẹ và em bé.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiền sản giật

• Thiếu máu cục bộ tử cung- nhau: vào đầu thai kỳ, các mạch máu mới phát triển để đưa máu đến nhau thai một cách hiệu quả. Ở phụ nữ bị tiền sản giật, những mạch máu này phát triển và hoạt động kém hơn, hẹp hơn so với các mạch máu bình thường làm hạn chế lượng máu chảy qua. Nếu nhau thai không nhận đủ máu, em bé sẽ không nhận đủ máu, oxy và chất dinh dưỡng.

• Thai nghén ở phụ nữ tăng huyết áp mạn tính, đái tháo đường, béo phì, bệnh thận.

• Tiền sử cá nhân hoặc gia đình có tiền sản giật.

• Sinh con khi < 20 tuổi hoặc > 40 tuổi.

• Mang đa thai.

• Mang thai nhiều lần.

• Mẹ hút thuốc lá, dinh dưỡng kém, stress.

Triệu chứng của tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật đôi khi phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng. Huyết áp cao có thể tiến triển âm thầm, hoặc khởi phát đột ngột. Theo dõi huyết áp là một phần quan trọng của chăm sóc trước sinh vì dấu hiệu tiền sản giật đầu tiên thường là tăng huyết áp. Ngoài ra, cần theo dõi một số triệu chứng của tiền sản giật như:

• Đau đầu dữ dội.

• Mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt do thiếu máu.

• Buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, hạ sườn phải.

• Thay đổi về thị lực: mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng.

• Lượng nước tiểu giảm.

• Khó thở do tràn dịch màng phổi.

• Khi diễn biến nặng gây co giật.

Vì đau đầu, buồn nôn,… rất phổ biến ở thai nghén bình thường, nên các thai phụ và người nhà cần theo dõi kỹ các triệu chứng. Nếu lo lắng, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và có hướng xử trí phù hợp.

Làm thế nào để giảm nguy cơ tiền sản giật?

• Theo dõi, khám thai đầy đủ theo lịch của bác sĩ chuyên khoa và khi có bất thường. Nếu tiền sản giật được phát hiện sớm, có thể ngăn ngừa các biến chứng và đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mẹ và em bé.

• Đảm bảo cân nặng phù hợp với giai đoạn phát triển của thai nhi.

• Kiểm soát tốt các bệnh lý như tăng huyết áp mạn tính, đái tháo đường,…

• Có chế độ ăn uống bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt phù hợp.

• Đảm bảo đủ Canxi, Vitamin D,… theo chỉ định của bác sĩ.

• Giữ tâm lý thoải mái, lạc quan, vui vẻ.

• Hạn chế sinh con quá sớm hoặc quá muộn.

Thạc sĩ bác sĩ sản phụ khoa Đồng Thị Hồng Trang

(Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng)