Hội nghị ASEAN: Dồn sức cho vấn đề biển Đông và Triều Tiên

Thứ tư, 31/07/2019 10:10

Các nhà ngoại giao hàng đầu từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu tập trung đến thủ đô Bangkok của Thái Lan trong ngày 30-7, tham dự các hội nghị quan trọng của ASEAN, vốn được dự đoán sẽ chú trọng thảo luận về các vấn đề quan trọng trong khu vực, bao gồm an ninh trên bán đảo Triều Tiên, tác động cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đặc biệt là các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Hội nghị tại Bangkok lần này do ASEAN tổ chức, diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Các quan chức nước chủ nhà cho biết sẽ có 27 cuộc họp trong ngày 3-8 tới với sự tham dự của 31 quốc gia thành viên và các đối tác.

An ninh được thắt chặt tại thủ đô Bangkok, Thái Lan cho hội nghị ngoại giao cấp cao ASEAN. Ảnh: AP

Chú trọng bàn về Biển Đông

Hãng Bloomberg ngày 30-7 đăng bài viết của nhóm tác giả Philip Heijmans, Bibhudatta Pradhan và Arys Aditya nhận định, vấn đề Triều Tiên, căng thẳng leo thang ở Biển Đông và tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ chi phối các cuộc thảo luận trong tuần này khi các nhà ngoại giao hàng đầu tham gia một hội nghị cấp cao quan trọng ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ cùng tham gia hội nghị với ngoại trưởng các nước ASEAN sau cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Thượng Hải ngày 30-7. Các hội nghị này diễn ra trong bối cảnh Philippines cáo buộc Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong việc khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với những vùng rộng lớn ở biển Đông - động thái mà Mỹ tuần trước xem là “cách hành xử ức hiếp”. Trong khi đó, một quan chức Indonesia ngày 29-7 cho biết, Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy việc nhanh chóng đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với ASEAN, sau khi hai bên đã nhất trí về một dự thảo sơ bộ. Alexander Neill, chuyên gia về vấn đề quân sự Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định: “Biển Đông sẽ là một chủ đề nghị sự quan trọng”.

Cơ hội giải quyết căng thẳng Nhật -Hàn

Giới phân tích cũng cho rằng, hội nghị lần này là cơ hội để Nhật Bản và Hàn Quốc giải quyết những tranh cãi thương mại gay gắt trong thời gian qua.

Theo các nguồn tin, Mỹ cũng sẵn sàng tổ chức một cuộc họp bên lề với Nhật, Hàn để thảo luận về tranh chấp thương mại cay đắng giữa hai quốc gia đồng minh quan trọng ở Đông Á, nhằm giảm nhiệt cuộc chiến thương mại có nguy cơ phá vỡ ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc. Bởi thực tế, những tranh cãi giữa hai nền kinh tế lớn của Châu Á hiện còn đe dọa vị thế của Mỹ ở Đông Á vào thời điểm Washington muốn thấy một mặt trận thống nhất trong việc đối phó với Triều Tiên.

Hiện nay, bất chấp nỗ lực từ mọi phía, căng thẳng giữa Seoul và cả Tokyo vẫn chưa hề có dấu hiệu lắng dịu. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee ngày 30-7 cho biết, Seoul vẫn sẵn sàng đàm phán với Tokyo về các hạn chế xuất khẩu, vốn có thể sẽ được Tokyo mở rộng trong tuần này, nhưng Nhật Bản vẫn tiếp tục bác bỏ kêu gọi tiến hành một cuộc gặp để giải quyết vấn đề gây tranh cãi này. Tokyo dự kiến mở rộng biện pháp kiểm soát xuất khẩu các nguyên liệu công nghệ cao chủ chốt sang Hàn Quốc trong tuần này bằng cách loại Seoul khỏi danh sách 27 quốc gia được cấp thủ tục xuất khẩu ưu đãi, sau ngày 4-7 - thời điểm bắt đầu thực thi biện pháp hạn chế vận chuyển ba nguyên liệu chính quan trọng cho sản xuất chất bán dẫn và các loại màn hình.

Thậm chí, theo nguồn tin ngày 30-7 của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Nhật Bản rất có thể sẽ thông qua dự luật vào cuối tuần này để loại Seoul khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác thương mại đáng tin cậy, trong một biện pháp được cho là sự trả đũa kinh tế bổ sung liên quan đến vấn đề lao động bị cưỡng ép trong thời chiến.

KHẢ ANH