Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào: “Coi bạn là ta, ta là bạn”

Thứ hai, 28/03/2016 08:23

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-3, tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ CHDCND Lào Somsavat Lengsavad, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) Việt Nam và Lào tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào năm 2016”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH& ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, tính đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào ngày càng phát triển và bền chặt, quan hệ hợp tác đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad bên lề Hội nghị.

Việt Nam đổ 4,9 tỷ USD đầu tư sang Lào

Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư sang Lào là 4,9 tỷ USD, tăng gần 60% so với năm 2011, tạo việc làm cho 3,5 vạn lao động Lào. Lào đứng thứ nhất trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào. Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao như: Các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai tại Lào; các chi nhánh, ngân hàng con, ngân hàng liên doanh của Việt Nam tại Lào; dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel; các dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam; Dự án tổ hợp sân Golf và khách sạn, nhà ở với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành... Cũng theo Bộ trưởng Vinh, trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mới hình thành, chúng ta cần hợp tác chặt chẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), đồng thời Ngân hàng Phát triển Châu Á đang nghiên cứ hỗ trợ xây dựng tuyến EWEC 2 theo Quốc lộ 14B và 14D đến tỉnh Sêkông, Paksế (Lào), vượt qua sông Mê Kông đến thủ đô Bangkok (Thái Lan). Qua đó, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn giữa các DN hai nước, trong đó có các DN đến từ Đà Nẵng qua Lào và ngược lại.

Đánh giá tình hình hoạt động của các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào, Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Lào Somdy Douangdy cho biết, đa số các DN Việt Nam tại Lào hoạt động tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Lào. Tuy nhiên, nhiều dự án của Việt Nam triển khai vẫn chậm theo với tiến độ cam kết với Chính phủ Lào như dự án trồng cây cao su và năng lượng điện. Ông Somdy Douangdy kêu gọi các DN Việt tiếp tục hợp tác với DN Lào trên nhiều lĩnh vực, Chính phủ Lào luôn quan tâm, quý trọng, và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam làm ăn tại Lào.

Nêu bật những khó khăn vướng mắc của các DN Việt Nam trong quá trình hoạt động đầu tư tại Lào, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư Việt Nam đề nghị, Chính phủ Lào cần có quy hoạch định hướng phát triển đầu tư, cung cấp danh mục dự án kêu gọi đầu tư, ưu tiên cho các DN Việt Nam triển khai các dự án trọng điểm năng lượng, hạ tầng dọc biên dưới hai nước; có cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam vào tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; xem xét điều chỉnh giảm một số chính sách thuế phí, lệ phí, tiền đặt cọc với máy móc thiết bị đưa vào Lào thi công phù hợp với mặt bằng khu vực ASEAN; chấp thuận cho DN Việt Nam đầu tư tại Lào dùng tài sản hình thành từ vốn vay và quyền sử dụng đất tại dự án thế chấp ngân hàng tại Lào vay vốn...

Đáp lại những kiến nghị của AVIL, Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad cho rằng, hợp tác Lào – Việt là sự cần thiết khách quan vì sự an ninh và phát triển bền vững của cả 2 nước đề nghị các cơ quan trung ương, địa phương và DN Lào và Việt Nam cùng nhau xem xét, kiện toàn các cơ chế, thủ tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế ưu tiên, ưu đãi thu hút đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, các DN Việt Nam – Lào phối hợp nhau đầu tư vào các dự án đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, như lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, du lịch... Bản thân tôi hy vọng chúng ta tiếp tục thắt chặt mối tình hữu nghị, vĩ đại, thắt chặt mối tình đoàn kết đặc biệt hai bên mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Hợp tác bảo vệ sông Mê Kông

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam và Lào có nhiều điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển khá tương đồng, có chung đường biên giới, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân 2 nước gắn bó lâu đời, có nhiều nguồn lực và tiềm năng phát triển lớn có thể bổ trợ cho nhau, kết nối với nhau cùng phát triển. Đặc biệt ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, khai thác và sử dụng nguồn nước trên dòng sông chính Mê Kông để đảm bảo phát triển bền vững và hài hòa với lợi ích của các nước trong khu vực.

Trước vấn đề thời sự hạn hán các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Bắc Hà, đề nghị Chính phủ, Bộ ngành hai nước sớm hợp tác trao đổi để giải quyết nhanh bài toán thủy điện, hạn hán lũ lụt trên dòng sông Mê Kông, đặc biệt Chính phủ Lào sớm lập danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hạ tầng trọng yếu biên giới. Ông Trần Bắc Hà cũng kêu gọi Chính phủ và các nhà đầu tư hai nước lập quỹ hội sông Mê Kông để khuyến khích đầu tư cũng như hạn chế tác động của El nino trong tương lai.

Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Năng lượng – Mỏ Lào Sivanna khẳng định, Lào là nước giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước có thể xây dựng được các đập thủy điện lớn. Lào có nhiều chính sách phát triển bền vững phát triển xanh để làm sao tác động ít nhất đến môi trường nhưng vẫn đạt hiệu quả cao. Ông Sivanna cho biết Trung Quốc đã xây nhiều thủy điện thượng nguồn phần nào ảnh hưởng đến lượng nước sông Mê Kông và Lào không có việc giữ nước cho các thủy điện ở lưu vực sông Mê Kông. Chính sách Đảng và Nhà nước Lào luôn quan tâm với công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước khu vực sông Mê Kông, đặc biệt nếu có tràn đập cũng không ảnh hưởng đến thiên tai lũ lụt tại Việt Nam...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Lào đã kịp thời xả nước vào dòng chính sông Mê Kông để góp phần hạn chế hạn hán các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.  Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “Nhà đầu tư Việt Nam phải xác định đầu tư sang Lào là đầu tư cho ta, coi bạn là ta, ta là bạn, thành công của DN Việt Nam chính là thành công của Lào và thành công của Chính phủ Việt Nam và ngược lại. Đầu tư làm ăn giữa hai nước không những góp phần phát triển kinh tế, mà còn làm sâu sắc thêm tình hữu nghị, truyền thống quý báu đối với nước anh em ruột thịt Lào”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, Chính phủ, Bộ, ban, ngành, các địa phương Lào tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam đầu tư tại Lào...

* Trước đó, Bộ KH & ĐT hai nước Việt Nam và Lào phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm giữa các cơ quan chức năng hai nước với DN Việt Nam, Lào nhằm  trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào Lào, đem lại hiệu quả thiết thực. Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và DN được tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Chính phủ hai nước để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, giải quyết.

Xuân Đương