Hội nghị Munich phản ánh một nước Mỹ chia rẽ
Cả ông Pence và đảng Dân chủ đều tuyên bố sẽ thúc đẩy vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trên trường thế giới và cáo buộc nhau phá hoại trật tự thế giới đang bị đe dọa bởi các cường quốc đối thủ, cụ thể là Trung Quốc và Nga.
Các đại biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) năm nay. Ảnh: Reuters |
Hội nghị An ninh Munich (MSC) đã chính thức khép lại vào cuối ngày 17-2 nhưng sức ảnh hưởng của nó, nhất là những vấn đề liên quan đến Mỹ, vẫn được đưa ra “mổ xẻ” một cách nhiệt tình.
Trong đó, giới chuyên gia an ninh cho rằng, một nước Mỹ bị chia rẽ đã được phơi bày tại Munich, nơi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và đảng Dân chủ đưa ra tầm nhìn cạnh tranh về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn có thể định hình thế giới trong nhiều năm tới.
“NƯỚC MỸ TRÊN HẾT” HAY “NƯỚC MỸ ĐƠN ĐỘC”?
Cả ông Pence và đảng Dân chủ đều tuyên bố sẽ thúc đẩy vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trên trường thế giới và cáo buộc nhau phá hoại trật tự thế giới đang bị đe dọa bởi các cường quốc đối thủ, cụ thể là Trung Quốc và Nga.
Trong đó, ông Pence đã bảo vệ mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Trump trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” trước các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị hàng năm này. Chủ đề năm nay, “Nhặt nhạnh những mảnh ghép” phản ánh một quan điểm được chia sẻ rộng rãi giữa các quốc gia Châu Âu: trật tự thế giới đang gặp nguy hiểm vì sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh Châu Âu. Nhưng ông Pence nói với các đại diện từ hơn 100 quốc gia rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã chứng minh, lợi ích nước Mỹ không có nghĩa là “Nước Mỹ đơn độc”. Ông nói Mỹ đã giúp thế giới phương Tây trở thành nơi an toàn hơn với các chính sách như cung cấp vũ khí cho Ukraine chống lại Nga và đẩy mạnh cuộc chiến chống tổ chức cực đoan IS.
“Ngày nay, nước Mỹ mạnh hơn bao giờ hết và nước Mỹ lại đang dẫn đầu đấu trường thế giới”, ông Pence nói và nhấn mạnh thêm, “với sự lãnh đạo của Tổng thống Trump và nỗ lực tập trung rõ ràng vào an ninh của chúng tôi, liên minh xuyên Đại Tây Dương đang được bảo vệ và đổi mới”. Ông Pence đồng ý với quan điểm của Tổng thống Trump, trong đó yêu cầu NATO phải trả phí; phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vốn có lợi cho Nga; và cảnh báo các đồng minh không mua sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc mà các quan chức chính quyền Washington tin đó có thể là mối đe dọa an ninh.
Cựu Phó Tổng thống Biden cũng phác thảo tầm nhìn về một nước Mỹ tham gia nhiều hơn vào các mối quan hệ truyền thống với các đồng minh. Ông đồng thời kêu gọi chống lại biến đổi khí hậu và duy trì hoạt động các tổ chức quốc tế - cả hai chủ đề được đón nhận ở Châu Âu.
BÙNG NỔ NHỮNG CHỈ TRÍCH
Tuy nhiên, những bình luận của ông Biden đã làm bùng nổ những chỉ trích nhằm vào chính quyền Trump, nhà lãnh đạo vốn đã quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris nhằm chống biến đổi khí hậu; thỏa thuận hạt nhân Iran; và một thỏa thuận thương mại giữa các quốc gia Vành đai Thái Bình Dương. Chính quyền của ông Trump cũng đã đe dọa sẽ rút khỏi các thỏa thuận quốc tế khác. Nhiều nước cũng chỉ trích chính quyền Trump phớt lờ các hành vi vi phạm nhân quyền, như việc nhà báo Arab Jamal Khashoggi bị giết hại tại lãnh sự quán Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ, vì lợi ích của chính Washington. “Mọi điều sẽ qua. Chúng tôi sẽ trở lại. Đừng có bất kỳ nghi ngờ gì về điều đó”, ông Biden trấn an các nước vào cuối bài phát biểu.
Đức, nền kinh tế đầu tàu của Châu Âu, giống như nhiều quốc gia khác ở châu lục này hiện nay, đã không đưa ra một kế hoạch chi tiết về cách tham gia vào chính sách hiện tại của Mỹ và tái khẳng định cam kết xuyên Đại Tây Dương. “Điều tôi cảm thấy thất vọng là phản ứng của Châu Âu tại hội nghị chia làm hai phe: giận dữ khiển trách ông Trump hoặc bám lấy nỗi nhớ xuyên Đại Tây Dương với mong muốn trở về quá khứ, theo kiểu ông Biden”, một chuyên gia nhận định.
Có thể thấy, hội nghị MSC năm nay cho thấy sự suy yếu của trật tự toàn cầu hiện nay, vốn có nguy cơ đẩy thế giới vào một thời kỳ bất ổn mới khi nhiều đại diện tham gia chia sẻ quan điểm rằng trật tự quốc tế đang đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng. Thực tế này cũng phản ánh thế giới đang bên bờ vực “khủng hoảng lòng tin”. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger cũng thừa nhận, các bên tham gia đều có chung quan điểm trật tự quốc tế đang “trong hình thái tồi tệ”. Ông Ischinger lưu ý, hồi năm ngoái khi báo cáo MSC 2018 cho rằng thế giới đứng ở bờ vực xung đột lớn và dự đoán về một kỷ nguyên bất ổn mới, nhiều người vẫn còn hoài nghi. Tuy nhiên tới năm nay, mọi việc dường như không còn gì để hoài nghi.
KHẢ ANH