Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ thảo luận một loạt vấn đề nóng

Thứ tư, 25/05/2022 11:17
Sáng 24-5, các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ thuộc nhóm Bộ tứ (QUAD) bắt đầu họp ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có dịch COVID-19, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng an ninh vẫn là vấn đề được đặt lên hàng đầu khi các mối đe dọa gia tăng trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia nhóm Bộ Tứ họp thượng đỉnh ở Tokyo, ngày 24-5. Ảnh: CNN
Các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia nhóm Bộ Tứ họp thượng đỉnh ở Tokyo, ngày 24-5. Ảnh: CNN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng tôi có mặt ở đây để thực hiện những điều cần thiết cho khu vực. Tôi tự hào về những gì mà chúng tôi đang cùng nhau xây dựng". Các nhà lãnh đạo cũng ca ngợi mối quan hệ của Bộ Tứ, tái khẳng định mục tiêu xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã bắt đầu những cuộc thảo luận với trọng tâm đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và bao trùm cả những bất đồng liên quan nhiều vấn đề, trong đó có Nga. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Tứ đã công bố các sáng kiến mới về "nhận thức hàng hải", vaccine ngừa COVID-19 và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, 4 nước đã thảo luận về những vấn đề khu vực và quốc tế khác mà họ quan tâm như cuộc xung đột Nga-Ukraine, chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Theo các quan chức Nhà Trắng, cuộc xung đột Nga-Ukraine là vấn đề được quan tâm tại chương trình nghị sự. Australia, Nhật Bản và Mỹ đều bày tỏ lập trường cứng rắn đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, riêng Ấn Độ vẫn giữ thái độ im lặng. Theo AP, Nhà Trắng dường như thất vọng với phản ứng của Ấn Độ trước cuộc xung đột này. Tổng thống Biden đã yêu cầu Ấn Độ không đẩy mạnh mua dầu mỏ của Nga khi phương Tây tìm cách cắt giảm doanh thu của Moscow trong lĩnh năng lượng. Tuy vậy, Thủ tướng Modi không đưa ra bất cứ cam kết công khai nào.

Bên lề hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên nhóm Bộ tứ sẽ có các cuộc gặp song phương. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden, thảo luận nhiều vấn đề về quan hệ hai nước cũng như quốc tế. Hai bên nhất trí tăng cường sức mạnh và sự răn đe của liên minh Mỹ-Nhật "trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực ngày càng xấu đi". Tổng thống Biden dự kiến có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn với hy vọng sẽ khiến New Delhi giảm sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Bên cạnh đó, ông Biden cũng sẽ có cuộc gặp riêng với tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Quan hệ giữa 4 nước thành viên trong nhóm Bộ Tứ ngày càng được tăng cường trong bối cảnh chính quyền ông Biden đang điều chỉnh chính sách đối ngoại, tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bộ Tứ (QUAD) tại Tokyo, Thủ tướng Kishida thông báo nước này, Mỹ, Ấn Độ và Australia có kế hoạch đầu tư ít nhất 50 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông chia sẻ: "Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chúng tôi thông báo rằng chúng tôi sẽ hướng tới mục tiêu đầu tư hơn 50 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ các dự án trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ Tứ (QUAD) gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ đã công bố sáng kiến "Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì nhận thức trong lĩnh vực hàng hải" nhằm hỗ trợ các quốc gia theo dõi hoạt động đánh bắt cá trái phép và giám sát những hoạt động khác trong vùng biển chủ quyền. Theo sáng kiến trên, các nước thành viên Nhóm Bộ Tứ cam kết cung cấp hình ảnh nhanh hơn, rộng hơn và chính xác hơn về hoạt động theo thời gian thực ở các vùng biển trong khu vực. Sự hỗ trợ này sẽ góp phần cải thiện năng lực của các đối tác trong công tác bảo vệ ngành hải sản và ứng phó với các sự cố khí hậu và nhân đạo. Bên cạnh đó, sáng kiến cũng cho phép theo dõi "hoạt động vận tải đen" (ám chỉ việc các tàu tắt hệ thống thu phát tín hiệu có chủ đích nhằm tránh bị phát hiện khi đang di chuyển và đây là một dấu hiệu cho thấy khả năng con tàu đang hoạt động bất hợp pháp). Hãng Kyodo dẫn nguồn tin từ Chính phủ Mỹ cho biết Nhóm Bộ Tứ sẽ đầu tư cho sáng kiến này trong 5 năm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cho biết, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang làm lung lay các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế, Bộ Tứ khẳng định "các nỗ lực đơn phương hòng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực sẽ không bao giờ được tha thứ ở bất kỳ đâu, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Về tình hình Ukraine, các nhà lãnh đạo đã thảo luận thẳng thắn về tác động đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo ông Kishida, Bộ Tứ bày tỏ quan ngại về tình hình Ukraine, đồng thời "khẳng định các nguyên tắc như luật pháp, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cần được tôn trọng ở mọi khu vực". Cả bốn nhà lãnh đạo cũng nhất trí về tầm quan trọng của pháp quyền, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Thủ tướng Nhật Bản cho biết.

AN BÌNH