“Hơi thở nhẹ” đầu xuân
Sáng 21-2 (mồng 6 Tết Mậu Tuất), tại khách sạn Hội An số 06-08 Phan Bội Châu, Sơn Phong, TP Hội An (Quảng Nam) diễn ra buổi giới thiệu sách Hơi thở nhẹ (Nxb Mỹ thuật) cùng một số tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, nhằm kỷ niệm hành trình 10 năm (2007-2017) hoạt động nghệ thuật của Bùi Tiến Tuấn–một trong những gương mặt mỹ thuật đương đại Việt Nam thành đạt xuất thân từ đất Quảng. Theo lời tự bạch của Bùi Tiến Tuấn: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hội An, đó là quãng đời ấm êm, thơ mộng, không gì có thể thay được. Nhưng có lẽ với hội họa, thị thành Sài Gòn mới là niềm gợi hứng và động lực chính để hàng ngày tôi nghĩ đến việc vẽ, khiến tôi đi đâu cũng muốn quay về với xưởng vẽ nho nhỏ của mình. Ngoài chất xúc tác sáng tạo, Sài Gòn còn là “thước đo”, là “thao trường”… để những đứa con tinh thần của tôi vững vàng, trưởng thành và thú vị hơn. Hội An hun đúc giấc mơ cầm cọ, Sài Gòn tạo dựng giấc mơ đó thành hiện thực. Để kỷ niệm 10 năm, tôi định làm một triển lãm cá nhân, nhưng rồi cơ duyên run rủi, tôi bất ngờ in được cuốn sách này. Đây là niềm hạnh phúc”. Trên thực tế, từ hơn 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, tại Đà Nẵng, Bùi Tiến Tuấn từng được biết đến như một gương mặt họa sĩ trẻ hiện đại khá năng nổ, trong lần ra mắt triển lãm với những gương mặt nổi bật cùng thời như: Bùi Công Khánh, Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly… Không lâu sau đó, Bùi Tiến Tuấn trở lại TPHCM tiếp tục đi qua nhiều chặng đường tạo hình, thử sức với nhiều chất liệu, trải nghiệm nhiều thủ pháp kỹ thuật, với nhiều phong cách, khuynh hướng hội họa, để rồi nhận ra chỉ với lụa là hướng đi đích thực của mình….
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn bên tác phẩm của mình. |
Hơi thở nhẹ là tập sách tranh khổ lớn (25cm x 30cm), dày hơn 190 trang gồm 7 chương: Hơi thở nhẹ, Trong xưởng vẽ, Câu chuyện về chất liệu, Câu chuyện họa sĩ, Phù phiếm, Sợi chỉ đỏ, Hội An hoài niệm, do các nhà chuyên môn và bạn bè thân hữu viết về quá trình hoạt động nghệ thuật của Bùi Tiến Tuấn suốt thời gian qua. Trước khi bước vào thế giới tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn, Ly Hoàng Ly, một đồng nghiệp của anh, đã đưa ra một nhận định khá bất ngờ: “Bùi Tiến Tuấn có khả năng khiến phần lớn những bức tranh lụa đã hoàn chỉnh còn nguyên cái thần thái khai sơ căng mẩy của những ký họa. Làm ta bật ra sự phỏng đoán thắc mắc về chín muồi hay tơ non, hay cả hai”. Thật vậy, lướt qua tập sách “Hơi thở nhẹ”, cảm giác đọng lại từ những lao lực của Bùi Tiến Tuấn, hẳn sẽ làm gợi nhớ đến chúng ta cái không khí những tác phẩm ký họa của Albrecht Durer (1471-1528), RembrandtHarmenszoon (1606-1669), hoặc gần hơn là các ký họa của Edgar Degas (1834-1917) vẽ về các nữ vũ công ba-lê… Tuy nhiên, điều quan trọng, là tranh của Bùi Tiến Tuấn có khả năng tạo được ấn tượng thị giác ngay lập tức, mà theo PGS-TS Bùi Quang Thắng là do tính độc đáo về bố cục. Tuấn khá cầu toàn trong việc tìm bố cục cho những tác phẩm của mình, vì thế bao giờ anh cũng có nhiều bản phác thảo cho một bức tranh đã lựa chọn được phương án tối ưu.
Đặc biệt, nơi ấy, đường nét, vẻ đẹp, sự duyên dáng của phụ nữ đã đẩy trí tưởng tượng của người thưởng ngoạn chừng bay xa vào cõi mờ mịt liêu trai. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Hà Vũ Trọng cho rằng: “Sự ra đời của những phụ nữ hiện đại hay tân mỹ nhân trong tranh lụa Bùi Tiến Tuấn không phải rằng không có gạch nối với japonism, từ Bijinga hoặc Ukyo-e, với lối tạo hình và cách điệu táo bạo, những bố cục bất ngờ từ bất kỳ góc độ nào, và việc xử lý màu sắc và không gian trống trong tranh một cách tài tình, kết hợp với họa tiết trang trí tao nhã hòa điệu với nhân vật. Nhưng trước tiên, điều đáng chú ý ở đây, dòng lụa mà họa sĩ Bùi Tiến Tuấn chọn để tái hiện vẻ đẹp của hiện đại đã có từ thế kỷ XV-XVI, trong lòng xứ Quảng, thuộc kinh đô Trà Kiệu xưa, đó là tơ lụa của làng Mã Châu trứ danh ở H. Duy Xuyên, Quảng Nam”.
Họa sĩ Lê Kinh Tài nhấn mạnh: “Tôi nghĩ Bùi Tiến Tuấn là một nghệ sĩ. Một nghệ sĩ thực thụ với cá tính sáng tạo điển hình, cùng thế hệ, nên tôi càng thật sự quý mến. Tuấn vẽ nhiều chất liệu, nhưng với tôi, ở lụa, tôi thấy Tuấn nhiều nhất. Một tình cảm với chất liệu, một xúc cảm riêng biệt với từng chủ thể trong từng đề tài khai thác, chúng được cộng hưởng, hòa quyện với luồng tư duy xuyên suốt hơn 10 năm qua. Nhẹ nhàng như không… Hội họa của Tuấn là sự cống hiến, bằng tìm tòi khám phá ở ngôn ngữ tạo hình mang nhiều tính cá nhân, là sự khai phá nghiêm túc một cách nhìn mới trong kỹ thuật lụa. Nhuần nhuyễn riêng biệt, mạnh mẽ với hơi thở đương đại, lại dung dị, nhiều bản sắc Á Đông”.
TRẦN TRUNG SÁNG