Hơn 100 công nhân trốn khỏi bãi vàng do bị đánh đập?
(Cadn.com.vn) - Cho rằng không chịu nổi sự đánh đập, kể cả dùng súng bắn và sự bóc lột sức lao động quá mức tại Cty TNHH Phước Minh (H. Phước Sơn, Quảng Nam), hơn 100 công nhân người dân tộc Khơ Mú đã tìm đường, cắt rừng bỏ trốn và quyết tâm đi bộ để về quê (H. Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Khu khai thác vàng của Cty Phước Minh tại xã Phước Thành. |
Sau 1 ngày cắt rừng đi bộ, đến chiều tối 3-4, đoàn công nhân ra đến TT Khâm Đức (H. Phước Sơn). Tại đây, hơn 100 người ngồi nghỉ tại khu vực hồ Mùa Thu để phản đối tình trạng bị áp bức. Tiếp xúc với P.V, đại diện các công nhân cho biết: Chúng tôi là công nhân của Cty TNHH Phước Minh, khai thác vàng tại bãi Khe Tăng, xã Phước Thành, H. Phước Sơn. Chúng tôi bị buộc phải lao động cực nhọc, lại bị đối xử thậm tệ, thường xuyên bị đánh đập và không được trả lương...
“Hơn 1 năm nay, chúng tôi làm việc cho Cty Phước Minh, lao động cực nhọc trong hầu hết các công đoạn khai thác, trong môi trường cực kỳ nguy hiểm, ở độ sâu gần 1.000m nhưng không có hệ thống thổi ngạt, cái chết luôn rình rập. Trong khi bữa ăn hằng ngày chỉ là cơm nguội, thức ăn chủ yếu là muối và rau rừng. Có người không biết được mức lương của mình là bao nhiêu, và khi đã làm việc cho Cty Phước Minh thì không biết đến bao giờ mới được về nhà. Hầu hết các công nhân bỏ trốn đợt này đều bị Cty Phước Minh nợ lương gần 1 năm. Đỉnh điểm của sự việc là có một công nhân do cãi lời nên đã bị cai bãi vàng lấy súng bắn nhưng phát đạn trượt vào chân gây thương tích. Quá bức xúc, anh em chúng tôi rủ nhau bỏ trốn mà trong người không có tiền” - một công nhân tên L. cho biết thêm.
Đặc biệt, theo quan sát của chúng tôi, trong số những lao động bỏ trốn có hơn 10 em nhỏ. Hỏi ra mới biết có em Ô Văn Hiệp chỉ mới 16 tuổi nhưng đã làm việc tại bãi vàng từ hơn 1 năm nay. Vì cho rằng đã thoát được “ổ quỷ” nên hơn 100 công nhân này vui sướng vừa đi vừa hô vang “tự do rồi anh em ơi… tự do… tự do muôn năm” khiến cả TT Khâm Đức xôn xao.
Trước sự việc trên, lãnh đạo, các ngành chức năng H. Phước Sơn đã đến thăm hỏi, nắm tình hình. Phía Cty Phước Minh cũng đã cử đại diện đến có động thái xoa dịu và đưa xe đến đón với lời hứa sẽ đưa các công nhân về quê. Thế nhưng cả đoàn bảo nhau không tin, họ sợ sẽ bị đánh đập và đưa trở lại bãi vàng. Họ nêu quyết tâm là sẽ cùng nhau đi bộ về đến Nghệ An trong khi không một đồng dính túi để phản đối sự việc áp bức trên.
Để đảm bảo ANTT, CAH Phước Sơn đã cử lực lượng theo dõi, nắm bắt vụ việc. Theo Đại tá Đào Quang - Trưởng CAH Phước Sơn cho biết: CAH chưa có thông tin là những công nhân này bị ngược đãi, bóc lột. Hiện tượng đoàn người bỏ bãi vàng, kéo về là chuyện nội bộ của Cty. Mặt khác, đoàn người đi không có biểu hiện gây mất TTCC nên CA chưa can thiệp.
Công nhân được đưa vào trong Cty khuya 3-4 để tránh tiếp xúc với báo chí. |
Trong khi đó, đại diện phụ trách nhân sự của Cty Phước Minh cho rằng, trong số cả trăm công nhân trên chỉ có 30 người của Cty Phước Minh. Và phía Cty không ngược đãi, không bóc lột công nhân như họ trình bày... Đến khuya cùng ngày, lãnh đạo Cty Phước Minh đã thỏa thuận với các công nhân và đưa họ về trụ sở Cty (TT Khâm Đức) để trở lại rừng tiếp tục khai thác. Khi P.V có mặt, lãnh đạo Cty vội... lùa công nhân vào trong hội trường rồi tắt điện nhằm không cho tiếp xúc với báo chí.
Theo quan sát, tìm hiểu của P.V, khoảng từ 2-3 giờ ngày 4-4, sau khi “thương thuyết”, phía Cty đã tổ chức đưa số người đào thoát trở lại rừng để tiếp tục khai thác vàng, số ít còn lại được Cty thuê xe đưa về quê Nghệ An. Chiều 4-4, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND TT Khâm Đức cho biết, đến trưa 4-4 có 15 công nhân đã về quê, đa số công nhân khác sau buổi làm việc với Cty Phước Minh đã trở lại bãi vàng làm việc.
Trước đó, ngày 30-7-2011, cũng tại mỏ khai thác vàng của Cty Phước Minh ở xã Phước Thành, anh Quang Văn Du (1993, dân tộc Mường, trú H. Tương Dương, Nghệ An) là công nhân của Cty Phước Minh sau khi đi làm về đã ôm một quả mìn cho phát nổ. Hậu quả, nạn nhân chết tại chỗ. Nguyên nhân vụ tai nạn nhiều người cho rằng đây là hành động trả đũa của công nhân đối với người quản lý mỏ khai thác vì trong quá trình làm việc, công nhân tại đây đã bị chủ đối xử tồi tệ?
Trần Tân