Hòn Đất - xứ sở anh hùng

Thứ tư, 18/02/2009 00:00

Kỳ 1: Ngôi mộ thiêng dưới chôn Hang Hòn

(Cadn.com.vn) - Tôi đang đứng trên mảnh đất mà trong tác phẩm nổi tiếng “Hòn Đất” nhà văn Anh Đức sáng tác cuối năm 1964 đầu 1965 có đoạn viết: “Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị oa oa cất tiếng khóc đầu đời, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị”... Trên đỉnh Hang Hòn nhìn về bốn phía thấy xanh ngắt một màu xanh cây trái. Khó ai có thể ngờ, vùng đất này từng là bình địa nát bét với những hố bom trùng khít lên nhau, san sát như khuôn bánh khọt. Gió từ biển mang theo vị mặn nồng như thì thầm những câu chuyện không bao giờ dứt...

Có mặt tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) vào chiều thứ bảy, tôi quyết định về Hòn Đất thăm mộ chị Phan Thị Ràng - nữ AHLLVT với những chiến công đã đi vào huyền thoại. Hỏi đường lên mộ chị, nhiều bạn trẻ ở Rạch Giá không biết. Anh thanh niên chạy xe ôm tên Thạch Bảo Khanh (23 tuổi) bảo: “Ở Hòn Đất chỉ có một ngôi mộ nổi tiếng linh thiêng là mộ chị Sứ thôi!”. Tôi mừng rỡ: “Đúng rồi, mộ chị Sứ chính là mộ chị Phan Thị Ràng đấy”. “Thật dzậy sao? Từ trước đến giờ em cứ nghĩ đó là tên thật của chị ấy chớ! Dzậy để em chở chị đi, lấy giá hữu nghị thôi”. Theo lời Khanh, từ Rạch Giá có 2 con đường về Hòn Đất là QL80 và đường sông dọc theo con Kênh Xáng Rạch Giá - Hà Tiên (Kênh Xáng) đi chừng hơn 30km là đến trung tâm H. Hòn Đất.

Từ đó, đi thêm 20km nữa là đến mộ chị. Trên đường đi, ngang qua chợ Sóc Xoài, tôi bảo Khanh dừng lại để ghé mua ít hoa cúc lên mộ thắp hương cho chị. Con đường QL80 chạy dọc theo con Kênh Xáng cứ ầm ì tiếng võ máy, tấp nập ghe thuyền như mắc cửi. Một cuộc sống bình yên, sôi động như chưa hề có những năm tháng đau thương đã qua... Dọc đường lên mộ chị Ràng, tôi lấy làm xúc động xen lẫn ngạc nhiên khi thấy cột mốc ki-lô-mét chỉ đường ghi “Mộ chị Sứ - 20km...”. Trước khi vào khu trung tâm hệ thống Khu di tích (KDT) Hòn Đất, xe chúng tôi chạy ngang qua ngôi Trường THPT Phan Thị Ràng, phía dưới mở ngoặc ghi (chị Sứ). Điều đó có thể thấy nguyên mẫu chị Ràng được nhà văn Anh Đức tái hiện thật thành công, đến nỗi tên của chị đã hóa thành tên quê hương, đất nước...

 Mộ chị Phan Thị Ràng dưới chân núi Hang Hòn...

Mộ chị nằm dưới chân Hang Hòn, mặt nhìn ra con đường lộ nơi có chợ Thổ Sơn khá sầm uất. Qua cánh cổng KDT Hòn Đất chừng 100m là một hồ nước rộng, người dân ở Thổ Sơn cho biết, đó là một trong muôn ngàn hố bom còn lại được chính quyền cải tạo thành hồ thả sen để du khách sau khi ghé thăm và thắp hương mộ chị Sứ có thể thưởng ngoạn. Mộ chị được xây dựng bằng đá hoa cương hồng-trắng-đen. Đền được xây dựng theo kiểu mái nhà vòm có kết cấu giống nhà của người Khơ Me. Hai bên ngôi đền có trồng 2 cây xoài - một loại cây trái đặc trưng ở Thổ Sơn, cũng chính là cây mà cách đây hơn 47 năm, giặc Mỹ đã treo người con gái Phan Thị Ràng lên tra tấn dã man trong mấy ngày liền cho đến chết.

Phía sau lưng mộ là 37 bậc thang để đi lên HangHòn. Tựa lưng vào vách núi, lấy mộ chị làm tâm điểm là 2 tấm bảng dài khắc ghi tên gần 1.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc tại Hang Hòn... Tôi đứng lặng bên mộ chị, mắt chợt cay xè khi nhìn di ảnh chị cùng những dòng chữ khắc trên bia mộ: “Liệt sĩ-AHLLVTND Phan Thị Ràng, Bí danh Tư Phùng (1937). Quê quán: xã Lương An, H. Tri Tôn, tỉnh An Giang. Tham gia cách mạng năm 1950. Hy sinh ngày 9-1-1962. Được truy tặng danh hiệu AHLLVTND ngày 20-12-1994”. Chị Sứ hy sinh khi mới 25 tuổi - độ tuổi xuân sắc nhất của người con gái. Di ảnh trắng đen cho thấy lúc còn trẻ, chị đẹp lắm. Gương mặt sáng trưng ấy vừa toát lên vẻ cương trực, nghiêm nghị, vừa thể hiện được sự mềm mại duyên dáng đáng yêu của người con gái miền Tây Nam Bộ.

Thấy tôi đứng lặng bên mộ chị khá lâu, những người thợ xây dựng đang thi công phần đế để chuẩn bị đặt tượng chị ngay phía sau lưng ngôi mộ, dưới chân Hang Hòn nói vọng xuống: “Cô gì ơi! Mộ chị Sứ linh thiêng lắm. Cô muốn ước gì cứ nguyện đi sẽ được đó...”. Lạ quá! Nếu tính về tuổi, phải gọi bằng “bà”, vậy mà sao ai cũng gọi bằng “chị”?... Tôi tự vấn, tại sao quê của chị ở An Giang nhưng mộ lại được chôn ở Thổ Sơn (Hòn Đất)? Chị Ràng khi mất vẫn chưa lập gia đình, nhưng trong tác phẩm "Hòn Đất", chị lại được xây dựng là người phụ nữ có chồng đi tập kết và đã có một con. Giữa tiểu thuyết và nguyên mẫu về người con gái anh hùng này có những điểm khác biệt, vậy tại sao người dân ở xứ này vẫn chấp nhận và còn mặc nhiên gọi chị là chị Sứ. Rõ ràng, sự thật về chị đã được nhà văn Anh Đức tái hiện một cách sinh động, đến nỗi mọi người đều ngầm hiểu chị Ràng và chị Sứ là một - là mẫu người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”...

 ...và đường lên hang Quân Y.

Biết tôi muốn lên HANG Hòn, bọn trẻ chăn trâu gần đó cười ngất: “Trời! Cô có sức không dzậy? Hang Hòn có nhiều ngóc ngách, nhiều điểm tham quan lắm. Nào là hang Quân Y, hang số 5, hang công binh... Cô đi cả ngày cũng không hết. Đi giáp vòng là ra biển luôn đó”... Theo hướng dẫn của bọn trẻ, tôi lên hang Quân Y. Đường lên hang Quân Y đẹp như trong tranh vẽ với những bậc thang được làm bằng đá nhưng vẫn còn hoang sơ, chưa có người dẫn đường. Từ đỉnh hang Quân Y nhìn xuống, Thổ Sơn thẫm một màu xanh cây trái. Nhìn vào cảnh vật ấy, khó có thể hình dung ra được nơi đây từng là bình địa trắng, bị giặc Mỹ cày nát. Cái màu xanh ngắt ấy như màu xanh mãi mãi tuổi 25 của chị Sứ...

Thấy tôi một mình từ hang Quân Y xuống, men theo con đường đi qua vườn cây ăn trái của con trai mình, ông Danh Kiểm (1940 - cha ruột của chủ nhân vườn xoài rộng mênh mông này) nói bâng quơ: “Chèn ơi! Đi tham quan mà đi có một mình dzậy? Sao không liên hệ để có người dẫn đi giới thiệu?”. Rồi ông hỏi: “Đã ra mộ cô Tư Phùng chưa? Linh lắm à nghen!”. Chợt ông thở dài: “Hồi trẻ cổ đẹp lắm! Tui đã một vài lần nhìn thấy cổ rồi. Cổ hơn tôi gần 7-8 tuổi gì đó. Hồi đó, tôi ở trong chùa. Có mấy bận cổ ghé qua để móc nối liên lạc với mấy anh bộ đội đang ẩn trong chùa. Khi bị bắt, bọn giặc tra tấn cổ dã man lắm, treo lên cây xoài chứ hổng phải như cây dừa trong phim Hòn Đất đâu nghe... À! Có bà Cà Mỵ, chị kết nghĩa với cô Tư Phùng còn sống ở gần đây. Cô tìm đến đó thì biết được nhiều hơn thông tin về cổ...”. Tôi mừng rơn, vội tìm đến nhà bà Cà Mỵ và những điều nghe được từ bà cụ người Khơ Me đã bước qua tuổi 80 này càng khiến tôi thêm khâm phục người con gái anh hùng Phan Thị Ràng...

Ghi chép:  P.Thủy

 (Còn nữa)