Hỗn loạn ở Catalan
Đây là thời điểm khó khăn cho xứ sở Catalan và phần còn lại của Tây Ban Nha khi khu vực đông bắc này quyết tâm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập bất chấp lệnh cấm của chính phủ.
Ngày 1-10, nhiều hòm phiếu và phiếu bầu xuất hiện tại một số điểm bỏ phiếu ở vùng Catalan của Tây Ban Nha, chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập vốn bị chính quyền Madrid coi là bất hợp pháp.
Một Catalan đầy hỗn loạn và đáng lo ngại trong ngày 1-10.
Cảnh sát Tây Ban Nha đụng độ với người biểu tình đòi độc lập cho Catalan. Ảnh: AFP |
Những điểm bỏ phiếu đã sẵn sàng
Theo AFP, những người ủng hộ nền độc lập Catalan vẫn bảo vệ lập trường của họ bất chấp nỗ lực ngăn chặn của chính phủ. Đại diện chính quyền Catalan cho biết cử tri sẽ được phép bỏ phiếu tại bất kỳ điểm bỏ phiếu nào mở cửa trong khu vực, nếu khu vực bầu cử được chỉ định bị đóng cửa. Thêm vào đó, các lá phiếu in tại nhà sẽ vẫn được chấp nhận là hợp lệ.
Trước ngày bỏ phiếu, nhiều người dân ở vùng Catalan chủ trương đòi độc lập thậm chí đem theo con đến chiếm đóng một số trường học trong khu vực để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu từ sáng 1-10. Và trong ngày này, người dân Catalan xếp hàng dài để chuẩn bị bỏ phiếu tại những điểm bỏ phiếu nằm ở một số trường học của thành phố Barcelona. Cảnh sát chống bạo động đã đụng độ với các cử tri bên ngoài một điểm bỏ phiếu tại Barcelona, nơi hàng chục cảnh sát sử dụng khiên để trấn áp người biểu tình. Ngoài ra, hàng chục xe bọc thép của cảnh sát và xe cứu thương được huy động gần đó. Đến cuối ngày 1-10, ít nhất 400 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ.
Tuy nhiên, người đứng đầu khu vực Catalan Carles Carles Puigdemont đã kêu gọi mọi người bỏ phiếu bất chấp những trở ngại. “Chúng tôi là những người đã quen với những khó khăn, và mọi khó khăn làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn”, ông nói. “Các bạn bè, để chiến thắng là chắc chắn, vào chủ nhật, chúng ta hãy rời khỏi nhà để thay đổi lịch sử, để kết thúc tiến trình”.
Chia rẽ sâu sắc
Chính quyền trung ương Tây Ban Nha đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ chống lại cuộc trưng cầu dân ý, vốn đã bị Tòa án tối cao cấm tổ chức vì không hợp hiến.
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, cảnh sát quốc gia nước này đã bắt đầu thu giữ các hòm phiếu và lá phiếu từ các điểm bầu cử. Theo tuyên bố của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, cảnh sát phong tỏa hầu hết 2.315 điểm bỏ phiếu trên khắp Catalan. Nhưng ít nhất 160 điểm đã bị giáo viên, các bậc cha mẹ học sinh và các nhà hoạt động chiếm đóng.
Cuộc trưng cầu dân ý này đã gieo rắc sự chia rẽ giữa người Catalan muốn độc lập và những người có xu hướng ủng hộ chính phủ Tây Ban Nha. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, dù bị chia rẽ sâu sắc về độc lập, nhưng đa số người Catalan muốn giải quyết vấn đề trong cuộc trưng cầu dân ý. Hầu hết mọi người muốn đây là cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp và có tính ràng buộc. Nhưng giờ đây, bất kể điều gì xảy ra, kết quả trưng cầu dân ý vào ngày 1-10 sẽ không được chính phủ Tây Ban Nha công nhận và chắc chắn cộng đồng quốc tế cũng vậy.
Cùng với những người ủng hộ độc lập, ở bên kia chiến tuyến, hàng ngàn người dân Tây Ban Nha xuống đường tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Madrid nhằm phản đối cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp cho Catalan. Người biểu tình mang theo quốc kỳ lấp đầy một quảng trường ở trung tâm thành phố Barcelona, nơi đặt các trụ sở chính quyền khu vực Catalan cũng như hội đồng thành phố.
Catalonia, khu vực giàu có ở tây bắc Tây Ban Nha, là chính quyền tự trị vốn đã có nhiều quyền lực về y tế, giáo dục và thu thuế. Nhưng những người theo chủ nghĩa dân tộc Catalan muốn nhiều hơn, lập luận rằng, họ là một quốc gia riêng biệt với lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ riêng và họ cần phải có sự độc lập về tài chính. Khu vực này phải trả thuế cho chính quyền Madrid, và các nhà chính trị ủng hộ độc lập cho rằng, các cơ chế phức tạp để phân phối lại doanh thu thuế là không công bằng đối với các khu vực giàu có hơn. Và kết quả là Catalan đang phải gồng mình “nuôi” các khu vực khác của Tây Ban Nha.
KHẢ ANH