Hồn người Cơ Tu
(Cadn.com.vn) - “Vui nhiều nhưng không ít nỗi lo", đó là chia sẻ của các già làng người Cơ Tu vùng thấp thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) khi nghe chúng tôi đề cập công tác bảo tồn bản sắc truyền thống của đồng bào miền núi. Những trăn trở bao giờ cũng xuất phát từ hiện trạng thực tế ở địa phương, từ chính sâu thẳm đáy lòng của các già làng...
Cầm trên tay nhạc cụ đàn H'ra bằng tre, già Đinh Văn Lương (90 tuổi) cho biết, nhìn thì thấy đơn giản, nhưng người chế tác ra nó phải khéo tay và có năng khiếu âm nhạc để tiếng đàn được trong trẻo, đúng âm lượng thì mới chinh phục được người nghe. Nếu như đàn Tabhréh có thể đánh đệm cho hát dân ca hoặc hát theo điệu hát của đàn ông Cơ Tu hay hát lý, thì đàn H'ra có âm thanh mềm mại, uyển chuyển, tượng trưng cho giọng nữ. Hai cây đàn này được tấu với nhau sẽ tạo ra âm thanh hòa quyện mà người Cơ Tu rất thích... Còn theo già Nguyễn Văn Cần (89 tuổi), lúc còn trai trẻ đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ như sáo Rahêm, đàn Càron, kèn Cabluốc nhuần nhuyễn lắm. Kèn Cabluốc làm bằng sừng trâu, khi thổi, phát ra âm thanh trầm hùng nghe gần mà rất xa, dội qua bao thung lũng, khe suối của núi rừng. Người Cơ Tu dùng kèn Cabluốc để báo hiệu "rút quân" trong các cuộc đi săn tập thể, hoặc báo hiệu giờ nghỉ giữa buổi khi lao động trên nương. Cây sáo nứa Rahêm khi thổi sẽ phát ra âm thanh quyến rũ mê hoặc lòng người, nhiều cô gái Cơ Tu si tình vì tiếng sáo của những chàng trai trẻ. Còn cây đàn Abel là loại đàn nhỏ để các chàng trai thổ lộ tình yêu, nỗi nhớ của mình với bạn gái khi không thể nói được bằng lời...
Già Cần biểu diễn kèn Cabluốc với âm thanh trầm hùng trước đây. |
Các già kể, trước đây, người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn theo lối du canh du cư. Đi đến chỗ nào đất tốt là phát rừng làm rẫy cho đến vài năm sau, khi đất xấu, cằn thì bỏ đi nơi khác tiếp tục khai phá. Trên nương rẫy của người Cơ Tu có cất chòi tạm dưới các tán rừng để làm chỗ trú nắng, trú mưa cho người giữ rẫy, ngăn chặn các loại thú phá hoại mùa màng. Ngồi trên chòi giữ rẫy một mình rất buồn nên tổ tiên người Cơ Tu qua bao thế hệ đã chế tác các loại nhạc cụ để tấu lên những giai điệu vui tươi, nhộn nhịp, cũng như bày tỏ tâm tư tình cảm của mình... Tuy nhiên, ở Phú Túc bây giờ, những người hiểu biết sâu về các phong tục tập quán và giữ được những nét văn hóa quý giá như các già Cần, Lương không còn. Ông Đinh Văn Trí - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn thừa nhận: "Ở tuổi 70 như ông đến các lớp trẻ hiện nay, ngoài việc sử dụng cồng chiêng với vũ điệu "tâng tung da dá" thì chẳng còn ai biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Bởi, nếu chỉ đơn phương theo học bằng chính đam mê của mình thì không đủ. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Để có đủ cái ăn, hằng ngày họ phải lên rẫy trồng cây lúa, cây bắp. Dù biết rằng phải giữ lại văn hóa dân tộc nhưng nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước thì e rằng, văn hóa của người Cơ Tu mai này có còn được lưu giữ?"...
Già Lương bên cây đàn H'ra. |
Không thể phủ nhận nỗ lực của các ban ngành TP, huyện trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào miền núi trong những năm qua, như trang bị bộ cồng chiêng, phục dựng các lễ hội "Ăn thề kết nghĩa" và "Mừng lúa mới" cho đồng bào Cơ Tu... Việc phục dựng các lễ hội này không chỉ góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng người Cơ Tu, từng bước tôn tạo, bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc miền núi, mà còn góp phần phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương sau này. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Tân, để di sản văn hóa vùng cao tiếp tục phát huy hiệu quả, trước hết là cần sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của các cấp chính quyền. "Do tính cộng đồng của đồng bào miền núi rất cao nên ngoài việc tuyên truyền mang tính chủ trương, cần phải biết dựa vào sức mạnh của cộng đồng để bảo tồn; phải giáo dục thế hệ trẻ thấm nhuần ý thức cộng đồng, chung tay gìn giữ giá trị di sản của đồng bào mình. Bởi chính cộng đồng bản địa mới thực sự là chủ thể của văn hóa vùng cao, có thể quyết định việc bảo tồn theo cách riêng phù hợp với phong tục, văn hóa, con người trên tinh thần đưa chủ trương đi vào cuộc sống thì mới mong giữ lại cái hồn người Cơ Tu", anh Tân kỳ vọng.
Vy Hậu