Hồng Kông - “Cuộc cách mạng” chống tham nhũng

Thứ sáu, 12/07/2013 11:49

 

(Cadn.com.vn) - Ở Đông Á, Singapore và Hồng Kông tự hào được xếp hạng là quốc gia và vùng lãnh thổ ít tham nhũng nhất thế giới. Trong đó, Hồng Kông nổi tiếng là một thành phố “sạch”. Kể từ khi được bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997, tương tác nhiều hơn với Đại lục đã tạo ra cơ hội truyền bá kinh nghiệm chống tham nhũng của thành phố trên khắp Trung Quốc, nhưng cũng đe dọa đến hình ảnh trong sáng của khu tự trị này.

 

“Nhà tư vấn” chống tham nhũng

 

Cuộc cách mạng chống tham nhũng của Hồng Kông bắt đầu cách đây 40 năm, vào tháng 6-1973, sau khi Peter Godber Fitzroy, một sĩ quan cảnh sát cấp cao, chạy trốn sang Anh để tránh một cuộc điều tra tài sản.

 

Vụ trốn thoát gây ra làn sóng phản đối kịch liệt. Nhiều người biểu tình yêu cầu dẫn độ ông này về nước. Mối quan hệ giữa công chúng Hồng Kông và chính quyền Anh xấu đi. Để cứu lấy uy tín, Thống đốc Murray MacLehose thành lập Ủy ban chống tham nhũng Độc lập Hồng Kông (ICAC) năm 1974 và cuối cùng đã đưa Godber quay lại Hồng Kông, nơi ông phải lĩnh án 4 năm tù. Kể từ đó, ICAC đóng một vai trò rất quan trọng. Luật sư Stephen Char, người làm việc tại Ủy ban này trong 28 năm, cho biết ICAC đạt được thành công bằng cách thi hành pháp luật, đưa các biện pháp phòng ngừa tại chỗ song song với việc tiến hành giáo dục công chúng.

 

Một số chính phủ nước ngoài, cũng như các thành viên của chính quyền Bắc Kinh luôn nhờ ICAC tư vấn. Số liệu của ICAC cho thấy, có khoảng 4.000 quan chức Trung Quốc đại lục đến Hồng Kông mỗi năm để học hỏi chống tham nhũng.

 

 

 

 Nhiều người lo ngại nạn tham nhũng ở Trung Quốc Đại lục đã len lỏi vào nền văn hóa Hồng Kông. Ảnh: BBC

 

Ảnh hưởng từ Đại lục

 

Vụ bê bối của Timothy Tong, người thôi giữ chức Giám đốc ICAC vào tháng 7-2012 diễn ra ngay khi hai bên đang trao đổi về việc chống tham nhũng - làm dấy lên lo ngại thói quen của đại lục ảnh hưởng đến người Hồng Kông.

 

ICAC, buộc phải điều tra cựu Giám đốc sau khi một kiểm toán viên tiết lộ rằng, ông tổ chức hai bữa tối đãi khách bội chi với 450 HKD (58 USD) cho mỗi người. Ngoài ra, ông này đã dùng tiền công cho các bữa tiệc và quà tặng cho các quan chức. Mọi việc tồi tệ hơn khi ông Tong được bổ nhiệm vào Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc - cơ quan tư vấn chính trị hàng đầu của nước này -  sau khi nghỉ hưu ở ICAC. Chuyên gia chống tham nhũng Tsao King-Kwun cho rằng, một phần của vấn đề là văn hóa truyền thống của Trung Quốc. “Các quan chức Trung Quốc thường nghĩ rằng: “Bạn là khách, vì vậy tôi phải cung cấp cho bạn những khách sạn tốt nhất, thức ăn tốt, làm cho bạn cảm thấy thoải mái. Đây là phép lịch sự”, giáo sư Tsao giải thích.

 

Cũng theo Giáo sư Tsao, nguyên nhân khác là do tốc độ hội nhập với Trung Quốc đại lục. “Điều quan trọng là liệu chúng ta có một “bức tường lửa” để chống lại “cái lạnh” từ Đại lục hay không”, ông nói. Tất nhiên, tham nhũng không chỉ là chuyện xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc. Vào tháng 7-2012, người đứng đầu Cơ quan phát triển Hồng Kông, ông Mak Chai-kwong  buộc phải từ chức sau khi bắt đầu nhiệm kỳ chưa đầy 2 tuần. Ông bị bắt và kết án vì tham nhũng tiền trợ cấp nhà ở.

 

Trong nhiều năm tới, kinh nghiệm chống tham nhũng của Hồng Kông và hoạt động của ICAC chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của Đại lục. Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay sau khi nhậm chức, tung ra chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn. Và người ta tin rằng, kinh nghiệm chống tham nhũng của Hồng Kông có thể giúp Trung Quốc trong nỗ lực này.

 

An Bình (Theo BBC)