Hủ tục & hệ lụy (5)

Thứ ba, 22/07/2014 07:28

* Bài cuối: Còn lắm nỗi lo

(Cadn.com.vn) - Không thể phủ nhận rằng, trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền, đoàn thể ở cơ sở đã kịp thời tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiếu số chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, từng bước xóa bỏ hủ tục. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức, tập tục lâu đời, hướng người dân đến đời sống văn hóa mới vẫn còn nhiều trăn trở và nỗi lo.

Đầu tháng 6-2014, chúng tôi có chuyến thực tế về H. Nam Giang, Quảng Nam để tìm hiểu về nhóm người đã gây ra vụ thảm sát 18 phu vàng năm 1986. Nghe chúng tôi nhắc lại việc này, ông Pơ Loong Hon - Chủ tịch UBND xã Tà Bhing, khẳng định có biết việc. Hồi đó, khi thảm án xảy ra, ông đương là Xã đội trưởng, có tham gia cùng người dân địa phương đến hiện trường chôn cất những người xấu số.

Ông Hon kể rằng, hồi đó có nhóm người Kinh đánh chết A Luông Nơ, con trai của A Luông Tría - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tà Bhing và làm bị thương 2 người ở thôn Vinh. Ông Tría là người có uy tín và hiểu biết nên khi xảy ra việc con trai bị giết, ông không có ý định trả thù theo tục trả nợ đầu. Bởi ông hiểu rằng ai sai sẽ có pháp luật trừng trị, mình giết con họ thì cha mẹ những người chết cũng đau xót như mình. Nhưng vì áp lực của dòng họ, của buôn làng quá lớn nên ông phải làm theo.



Đời sống văn hóa mới đã bắt đầu tiệm cận với bà con dân tộc Cơ Tu tại xã Tà Bhing.

Theo sự hướng dẫn của Pơ Loong Hon, chúng tôi tìm đường đến nhà A Luông Tría tại thôn Vinh, xã Tà Pơ, H. Nam Giang. Trước đây thôn Vinh thuộc xã Tà Bhing, mới được sáp nhập vào Tà Pơ từ năm 2013. Đến nhà vào buổi chiều, gia chủ đi vắng, chỉ có con trai A Luông Tría và hàng xóm vừa ngồi uống rượu bên bếp vừa đánh cờ tướng. Sự xuất hiện đột ngột của chúng tôi khiến mọi người bất ngờ và có ý e dè. Khi biết rõ ý định của khách chỉ tìm hiểu về cuộc đời của A Luông Tría, người con trai mới cho biết là bố anh đang ở rẫy sắn và cho người đi gọi về.

Đã bước sang tuổi 88 nhưng trông A Luông Tría vẫn còn khá minh mẫn và nhanh nhẹn. Bước đi của ông chắc nịch, giọng hào sảng, đặc biệt ông nhớ rõ và chính xác từng chi tiết về cuộc đời của mình. Ông bảo, thời chống Pháp được Việt Minh giác ngộ, năm 17 tuổi đã tham gia phát đường, chuyển hàng, tải đạn giúp Việt Minh đánh Pháp đồn trú tại quê hương. Sang thời chống Mỹ, ông tham gia lực lượng du kích địa phương, là một trong những người Cơ Tu có nhiều đóng góp nhất cho cách mạng tại xã A Rằng (cũ) nay là Tà Bhing. Không chỉ giúp bộ đội chính quy trinh sát, xóa đồn Một Xít đóng tại H. Giằng, ông còn trực tiếp cầm súng tiêu diệt địch, lập đại công cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.

Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp xúc với A Luông Tría, nguyên Bí thư xã Tà Bhing.

Là người có công cách mạng, sau giải phóng, A Luông Tría được bầu giữ nhiều chức vụ của xã Tà Bhing và H. Giằng như: Xã Đội trưởng, Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy xã, rồi Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam H. Giằng, đến năm 1986 mới nghỉ hưu. A Luông Tría có 9 người con, nhưng như ông bảo, chúng lần lượt bỏ ông đi hết, chỉ còn lại cậu con út đang sống với vợ chồng ông. Hiện ông đang nhận chế độ hưu với mức 2 triệu đồng/tháng, cuộc sống tuổi già như vậy là tạm ổn.   

Không nhắc lại chuyện thảm sát 18 phu vàng năm xưa trong lần đầu gặp mặt, nhưng qua tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận được rằng, A Luông Tría là người hiểu biết, nhưng thời điểm đó, một mình ông không thể vượt qua được định kiến, hủ tục của làng. Kể cả bây giờ, theo như lời Pơ Loong Hon - Chủ tịch UBND xã Tà Bhing, đời sống người dân Cơ Tu đã có nhiều thay đổi, hủ tục như trả nợ đầu, săn máu do cha ông ngày xưa để lại đã xóa bỏ. Nhưng một số phong tục khác như ma xấu, bùa ngải, thách cưới… vẫn còn là gánh nặng cho các gia đình và chính quyền địa phương.

Gia đình A Lăng Liên vẫn quyết tâm trụ bám tại thôn Bút Tưa
sau khi có nhiều người bỏ đi vì sợ “con ma xấu”.

Trong chuyến đi thực tế này, chúng tôi còn tìm về thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn) sau hơn 3 tháng người Cơ Tu nơi đây đập phá nhà cửa, bỏ làng đi nơi khác vì sợ “con ma xấu”. Đập vào mắt chúng tôi là ngôi làng được xem là yên bình, trù phú nhất nhì huyện miền núi Đông Giang trở thành đống đổ nát, tan hoang, cỏ mọc um tùm. Cánh cổng bằng tre đầu làng đóng chặt, men theo con đường bê-tông, chúng tôi phát hiện bóng một phụ nữ đang nhặt củi khô bên cạnh những ngôi nhà đổ nát. Đi theo người này, chúng tôi vào nhà A Lăng Liên (20 tuổi) cách nơi những ngôi nhà bị đập phá chừng 500m. Lúc này gia chủ đang lắp ăng-ten để xem World Cup 2014. Hỏi cả làng đi hết, ở lại có sợ ma xấu không, Liên mạnh dạn trở lời: “Ban đầu thấy mọi người đập nhà đi hết, em cũng hoang mang lắm. Nhưng được cán bộ xã vận động, giải thích nên em đỡ sợ, cứ ở lại thử xem có chuyện gì không. Và bây giờ thì ổn rồi, không sao cả!”.  

Sự hoang mang, sợ hãi của bà con Cơ Tu ở Bút Tưa về “con ma xấu” trong làng hại người đã được gia đình A Lăng Liên chứng minh là vô căn cứ. Cũng chính nhờ gia đình này mà các hộ dân bỏ làng  bắt đầu quay trở về canh tác, thu hoạch hoa màu trên diện tích của mình. Ông Bríu Sơn - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn khẳng định: “Tôi cũng là người dân Cơ Tu, nhưng chẳng hiểu được vì sao bà con lại làm như vậy? Người dân tin và sợ “con ma xấu” nên chừ có cho tiền tỷ họ cũng không bao giờ chịu trở lại nơi đó. Tôi chưa từng thấy một cuộc di dân nào kỳ lạ như thế?”.

Rõ ràng, các hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao hiện nay vẫn còn hiện hữu trong đời sống tâm linh, tác động không nhỏ đến cuộc sống thường nhật, kéo theo những hệ lụy khó lường. Đây thực sự là lời cảnh báo và nỗi lo đối với các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, hướng đến đời sống văn hóa, văn minh.

Phóng sự điều tra: Nguyên Thảo