Hủ tục & hệ lụy
* Bài 1: Trả nợ đầu và thảm án kinh hoàng
(Cadn.com.vn) - Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách quan tâm, hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao để từng bước xóa đói giảm nghèo. Trên những bản làng của các đồng bào dân tộc Ca Dong, Xơ Đăng, Tà Ôi, Cơ Tu, Giẻ Triêng... dọc dãy Trường Sơn qua các tỉnh TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi từng bước thay da đổi thịt, đời sống văn hóa mới đã bắt đầu tiệm cận. Tuy nhiên, với những tập tục, hủ tục lạc hậu ăn sâu, bám rễ trong ý thức hệ của đồng bào dân tộc thiểu số, không dễ một sớm một chiều có thể thay đổi được. Trong loạt bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu những hủ tục và hệ lụy khủng khiếp của nó đối với đời sống của bà con dân bản như là lời cảnh báo đối với các cấp chính quyền trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện đời sống văn hóa mới.
Nhánh sông Ốc chảy qua địa bàn H. Nam Giang, nơi các phu vàng năm xưa khai thác. |
Chuyện xảy ra cách đây 28 năm, thời gian đủ để một đứa trẻ sinh ra, lớn lên, trưởng thành và có thể làm nguôi ngoai những vết thương lòng. Nhưng với Trung tá Lê Lai, ĐTV Phòng CSĐTTPVTTXH CATP Đà Nẵng, người trực tiếp tham gia điều tra vụ án sát hại 18 phu vàng ở địa bàn thôn Vinh, xã Tà Bhing, H. Giằng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), nay là xã Tà Pơ, H. Nam Giang, Quảng Nam, nhắc lại chuyện đã qua, anh vẫn phải rùng mình. Theo Trung tá Lai, nguyên nhân cơ bản dẫn đến vụ việc xuất phát từ tập tục trả nợ đầu của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Khi đó anh mới ra trường, sức khỏe tốt, trực tiếp được lãnh đạo Phòng CSHS phân công tham gia điều tra, bắt giữ hung thủ gây vụ thảm án và đưa thi thể nạn nhân xấu số từ hiện trường về bàn giao cho gia đình mai táng.
Từ những lời anh Lai kể, kết hợp thông tin chúng tôi thu thập được, nội dung vụ án được tái hiện như sau: Tháng 10-1986, ở địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhất là các huyện Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My... có rất đông nhóm người Kinh đến khai thác vàng và trầm. Số người Kinh này đến từ các huyện Đại Lộc, Tiên Phước, TX Tam Kỳ... tụ tập thành từng nhóm, người thì khai thác vàng sa khoáng dưới lòng sông, số thì vào rừng chặt hạ cây dó xanh tìm trầm.
Việc khai thác lâm khoáng sản trái phép này bị đồng bào dân tộc vùng cao phản ứng và chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức truy quét, đẩy đuổi. Từ đó, giữa nhóm người Kinh bị truy đuổi với đồng bào dân tộc Cơ Tu tại thôn Vinh, xã Tà Bhing, H. Giằng nảy sinh mâu thuẫn. Đỉnh điểm của mối bất hòa này là một nhóm người Kinh do đối tượng tên Dũng (quê H. Đại Lộc) cầm đầu xảy ra xô xát với nhóm 3 thanh niên thôn Vinh. Hậu quả, con trai của nguyên Bí thư xã Tà Bhing khi đó tên là A Luông Nơ bị đánh chết, 2 người còn lại bị thương.
A Luông Tría - nguyên Bí thư xã Tà Bhing, người có con trai bị nhóm khai thác trầm đánh chết. |
Có người trong thôn bị đánh chết, theo tục trả nợ đầu từ xa xưa của đồng bào Cơ Tu, anh em, bà con với nạn nhân và người trong làng phải có trách nhiệm trả món nợ này. Và cái chết phải trả bằng cái chết. Liền sau đó, có hơn 20 người dân thôn Vinh mang mã tấu, súng đến khu vực đầu nguồn sông Bung (H. Đại Lộc) và sông Ốc (H. Giằng) bao vây, bắt giữ 19 phu vàng quê ở Tiên Phước, Đại Lộc và TX Tam Kỳ áp giải về làng. Sau đó, tất cả các nạn nhân được đưa lên vùng núi cao để thi hành luật tục trả nợ đầu. Trong số 19 nạn nhân, Nguyễn Văn Hòa may mắn chạy thoát, cắt đường rừng về CAH Giằng báo cáo sự việc.
Các ĐTV trực tiếp thụ lý vụ việc nhớ lại, sau khi thảm án xảy ra, nạn nhân Hòa được đưa về TP Đà Nẵng chữa trị để phục vụ công tác điều tra. Một tổ công tác Đội Trọng án thuộc Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng khi đó khẩn trương phối hợp CAH Giằng tổ chức đến hiện trường là thôn Vinh để nắm thông tin. Vụ án quá thảm khốc, phức tạp, gây hoang mang dư luận, nếu không kịp thời giải quyết thì có thể tiếp tục xảy ra hậu quả khó lường. Sau khi gây ra thảm án, hầu hết đàn ông, thanh niên thôn Vinh bỏ trốn vào rừng, trong làng chỉ còn lại trẻ em và người già. Thời điểm này phương tiện thông tin liên lạc và trang thiết bị phục vụ quá trình điều tra còn thiếu thốn, chủ yếu là đi bộ nên việc phá án hết sức khó khăn.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ sớm làm rõ hung thủ gây ra thảm án để đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật, CQĐT còn phải thuyết phục, vận động và trấn an tinh thần cho bà con thôn Vinh. Kết quả là sau đó toàn bộ số đối tượng tham gia vụ thảm sát 18 phu vàng đều bị bắt giữ, đưa về TT Thành Mỹ (H. Giằng) xét xử lưu động với nhiều mức án tù giam khác nhau. Trước đó, đối tượng đánh chết con nguyên Bí thư xã Tà Bhing cũng đã được đưa ra xét xử nghiêm minh. Từ lời khai của các bị can, CQĐT đã vận động người dân địa phương đến hiện trường tổ chức chôn cất các nạn nhân xấu số và mấy năm sau mới đưa hài cốt về bàn giao cho gia đình.
Trong vụ án này, điều làm chúng tôi khá bất ngờ là việc nạn nhân Nguyễn Văn Hòa bị dẫn vào rừng sâu để chặt đầu nhưng may mắn trốn thoát. Trong tôi luôn ám ảnh với ý nghĩ, làm sao anh Hòa thoát được khi bị trói và bị áp giải bởi số đông người Cơ Tu có súng và mã tấu trong tay? Và bằng cách nào anh Hòa thoát được vòng vây của người dân để tìm đường về báo tin cho chính quyền? Nếu giả sử lúc đó anh Hòa cùng chung số phận với các đồng nghiệp thì liệu thảm án có rơi vào vòng bí mật? Từ thông tin ít ỏi do những người biết việc cung cấp, chúng tôi quyết định đi tìm lại nhân chứng sống Nguyễn Văn Hòa ở Quảng Nam và được anh thuật lại chi tiết cuộc thảm sát kinh hoàng này.
N.T (còn nữa)