TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Hướng dẫn công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam

Thứ ba, 05/12/2023 12:58
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, sự cách biệt giữa các quốc gia ngày càng thu hẹp lại, các nước có quan hệ với nhau ngày càng sâu rộng. Trong lĩnh vực tư pháp, việc tòa án của các quốc gia công nhận phán quyết của nhau là điều tất yếu. Việc thi hành bản án, quyết định của toà án nước ngoài tại Việt Nam đang trở thành một vấn đề quan trọng mà nhiều người đang quan tâm, đặc biệt là đối với các chủ thể tham gia vào các hoạt động quốc tế. Chuyên mục kỳ này giúp bạn đọc hiểu rõ hơn và có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục liên quan.
Đội ngũ luật sư của Văn phòng Luật sư Phong & Partners
Đội ngũ luật sư của Văn phòng Luật sư Phong & Partners

Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là gì?

Các hoạt động hợp tác và giao thương quốc tế hoặc các quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, hành chính, lao động…. có phát sinh tranh chấp là điều không tránh khỏi. Các chủ thể tham gia các quan hệ có yếu tố nước ngoài cần nắm vững và hiểu rõ những thủ tục liên quan đến bản án, quyết định của tòa án nước ngoài là điều cần thiết. Vậy bản án, quyết định của tòa án nước ngoài là gì? Điều 423 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như sau:

“1. Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài sau đây được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:

a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;

c) Bản án, quyết định dân sự khác của tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.

2. Quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài cũng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này.”

Công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam là gì?

Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam là việc thừa nhận và cho phép thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự... của tòa án nước ngoài theo những nguyên tắc và trình tự pháp lý nhất định.

Ngoài các nguyên tắc như quy định tại Điều 423 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tòa án Việt Nam chỉ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam những bản án, quyết định của tòa án nước ngoài sau khi có đơn của người được thi hành yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, với điều kiện cá nhân phải thi hành bản án, quyết định đó cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.

Bản án, quyết định của tòa án nước ngoài được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật như bản án, quyết định của tòa án Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án.

Điều kiện để công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam

Có thể thấy, việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, đảm bảo sự công bằng cũng như tính công minh của phán quyết của cơ quan thẩm quyền. Vậy, điều kiện nào để bản án, quyết định của tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam?

Thứ nhất, bản án, quyết định của tòa án nước ngoài phải thuộc trường hợp được xem xét hoặc đương nhiên được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Thứ hai, việc yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam phải còn trong thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành theo quy định.

Thứ ba, phải có đơn yêu cầu và được gửi đến cơ quan có thẩm quyền theo các trình tự và thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Thứ tư, bản án, quyết định của tòa án nước ngoài không thuộc các trường hợp không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

Thủ tục để xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của toà án nước ngoài tại Việt Nam

Hồ sơ

Hồ sơ để xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam gồm:

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực bản án, quyết định do tòa án nước ngoài ban hành;

Văn bản của tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp trong bản án, quyết định đó đã thể hiện rõ những nội dung này;

Văn bản của tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận kết quả tống đạt hợp lệ bản án, quyết định đó cho người phải thi hành;

Văn bản của tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã được triệu tập hợp lệ trong trường hợp tòa án nước ngoài ra bản án vắng mặt họ.

Kèm theo đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án, tất cả giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Trình tự, thủ tục

Bước 1: Gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành án

Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có tòa án đã ra bản án, quyết định cùng là thành viên hoặc tòa án Việt Nam có thẩm quyền để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định đó. (Trường hợp bất khả kháng thì thời gian được kéo dài hơn).

Bước 2: Thụ lý và xét đơn yêu cầu

Thụ lý:

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến hoặc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu kèm theo do người có yêu cầu gửi đến, tòa án sẽ xem xét, thụ lý hồ sơ và thông báo cho người có đơn yêu cầu, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam, viện kiểm sát cùng cấp và Bộ Tư pháp.

Xét đơn yêu cầu được thực hiện theo thời gian như sau:

Xét đơn yêu cầu: 4 tháng kể từ ngày thụ lý

Kéo dài để chờ giải thích của người yêu cầu (nếu có) là không quá 2 tháng

Thời gian mở phiên họp: 1 tháng kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Trong thời gian mở phiên họp, tòa án gửi hồ sơ cho viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, viện kiểm sát phải gửi lại hồ sơ cho tòa án.

Bước 3: Phiên họp xét đơn yêu cầu

Việc xét đơn yêu cầu được tiến hành tại phiên họp do Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm 3 thẩm phán thực hiện, trong đó, 1 thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của chánh án tòa án.

Thành phần tham gia:

Viện kiểm sát

Người được thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ; nếu một trong những người này vắng mặt lần thứ nhất thì phải hoãn phiên họp. Việc xét đơn yêu cầu vẫn được tiến hành nếu người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có đơn yêu cầu tòa án xét đơn vắng mặt hoặc người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, tòa án cấp sơ thẩm có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định.

Bước 4: Gửi quyết định của tòa án và kháng cáo, kháng nghị

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Bộ Tư pháp và viện kiểm sát cùng cấp.

viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị quyết định của tòa án. Thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 7 ngày, của viện kiểm sát nhân dân cấp cao là 10 ngày, kể từ ngày viện kiểm sát nhận được quyết định của tòa án.

Thẩm quyền công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam

Thẩm quyền của tòa án giải quyết việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài được xác định theo các nguyên tắc xác định thẩm quyền của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tòa án nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền công nhận và cho thi hành bản án nước ngoài tại Việt Nam.

Thẩm quyền tòa án theo lãnh thổ

Thứ nhất: Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của tòa án nước ngoài là tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của tòa án nước ngoài cư trú, làm việc nếu người phải thi hành án là cá nhân; hoặc nơi người phải thi hành án có trụ sở nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức; hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài.

Thứ hai: Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam là tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc nếu người gửi đơn là cá nhân; hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức.

Trong trường hợp người yêu cầu nộp đơn yêu cầu tại nhiều tòa án khác nhau thì tòa án đã thụ lý đầu tiên theo thời gian có thẩm quyền giải quyết yêu cầu. Các tòa án khác, nếu đã thụ lý thì căn cứ quy định pháp luật để ra quyết định đình chỉ giải quyết việc xét đơn yêu cầu, xóa tên việc dân sự đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn.

Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận tại tòa án

Các trường hợp bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài sau đây sẽ được đương nhiên công nhận tại Việt Nam mà không cần thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận tại tòa án.

1. Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, sẽ đương nhiên được công nhận tại Việt Nam, nếu đáp ứng được các điều kiện sau:

- Là bản án, quyết định về quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không gắn với tài sản, không cần phải thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự và được quy định thuộc trường hợp đương nhiên được công nhận tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Bản án, quyết định đókhông có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;

- Đương sự không có đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định đó tại Việt Nam trong thời hạn quy định tại Điều 447 của Bộ luật tố tụng dân sự.

3. Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của tòa án nước ngoài, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam, nếu đáp ứng được các điều kiện sau đây:

Là bản án, quyết định về quyền nhân thân không gắn với tài sản và không cần phải thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự;

Bản án, quyết định đó không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;

Đương sự không có đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định đó tại Việt Nam trong thời hạn quy định tại Điều 447 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Trường hợp đương sự là công dân Việt Nam, không phân biệt cư trú tại Việt Nam hay cư trú ở nước ngoài, nộp đơn yêu cầu công nhận bản án, quyết định ly hôn (không giải quyết vấn đề tài sản chung, con chung của vợ chồng) của tòa án nước ngoài, thì tòa án trả lại đơn yêu cầu. Cùng với việc trả lại đơn yêu cầu, tòa án cần giải thích cho đương sự biết nếu họ đồng ý với bản án, quyết định ly hôn của tòa án nước ngoài, thì bản án, quyết định đó đương nhiên có hiệu lực tại Việt Nam. Nếu đương sự muốn được xác nhận tình trạng đã ly hôn theo bản án, quyết định ly hôn của tòa án nước ngoài, họ chỉ cần liên hệ với cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền của Việt Nam để thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425