TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Hợp đồng lao động có đương nhiên chấm dứt khi người lao động bị kết án?

Thứ hai, 20/11/2023 15:33
*Bạn đọc hỏi: anh Vương Hùng Hiệp trú Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi là nhân viên kỹ thuật đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 1 năm (2/3/2023 - 2/3/2024) với một công ty X. ở Q.Sơn Trà. Ngày 25/4/2023, tôi bị cơ quan Công an tạm giam về hành vi cố ý gây thương tích. Ngày 10/11/2023, tôi bị tòa án đưa ra xét xử và tuyên 3 năm tù treo. Ngày hôm sau, tôi có lên Công ty X. để làm việc thì được thông báo đã chấm dứt HĐLĐ với tôi. Cho tôi hỏi Công ty X. chấm dứt HĐLĐ với tôi có đúng không? Nếu không đúng, tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Luật sư Phan Thụy Khanh
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners - Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

1. Công ty X. chấm dứt HĐLĐ với anh Hiệp có đúng không?

Bộ luật Lao động hiện nay đã có những quy định rất cụ thể về quan hệ giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ), trong đó có quy định về các trường hợp chấm dứt HĐLĐ.

“Điều 34. Các trường hợp chấm dứt HĐLĐ

4. NLĐ bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”

Theo quy định trên, NSDLĐ được phép chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp NLĐ bị kết án phạt tù, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp NLĐ bị kết án nhưng được hưởng án treo hoặc được trả tự do tại tòa vì thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian đã bị tạm giam thì NSDLĐ không được mặc nhiên chấm dứt HĐLĐ với lý do NLĐ bị kết án phạt tù. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động cũng có quy định trường hợp NSDLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi NLĐ tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng như sau:

“Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ

1. NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp sau đây:

e) NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên”. Như vậy, anh Hiệp cần lưu ý trong khoảng thời gian anh nghỉ việc tại Công ty X. từ lúc bị tạm giam cho đến khi tòa án xét xử, anh có thông báo cho Công ty hoặc Công ty có được biết việc này không để xác định việc Công ty chấm dứt HĐLĐ với anh có rơi vào trường hợp vừa nêu trên không.

2. Anh Hiệp cần làm gì trong trường hợp Công ty X. chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật?

Trong trường hợp anh Hiệp đã thông báo hợp lệ cho Công ty X. về sự việc, nghĩa là việc Công ty chấm dứt HĐLĐ với anh là trái pháp luật, anh Hiệp cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Điều 41 Bộ luật Lao động quy định:

“Điều 41. Nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật

1. Phải nhận NLĐ trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN trong những ngày NLĐ không được làm việc và phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ. Sau khi được nhận lại làm việc, NLĐ hoàn trả cho NSDLĐ các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của NSDLĐ. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà NLĐ vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước.

2. Trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này, NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt HĐLĐ.

3. Trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý thì ngoài khoản tiền NSDLĐ phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho NLĐ nhưng ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ để chấm dứt HĐLĐ”.

Áp dụng quy định trên vào trường hợp của mình, anh Hiệp có thể yêu cầu Công ty X.:

Một, Công ty phải nhận anh vào làm việc lại, phải trả tiền lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN trong những ngày anh Hiệp không được làm việc và phải trả thêm cho anh một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ. Khi trở lại làm việc, anh Hiệp phải trả cho Công ty X. số tiền trợ cấp mất việc, thôi việc nếu đã nhận trước đó. Trong trường hợp vị trí làm việc cũ không còn mà anh vẫn mong muốn tiếp tục làm việc thì Công ty và anh Hiệp sẽ thỏa thuận và điều chỉnh, bổ sung lại HĐLĐ cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời Công ty phải thanh toán cho anh số tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ được quy định đối với trường hợp NSDLĐ cho NLĐ nghỉ mà vi phạm thời gian báo trước.

Về trợ cấp thôi việc, Công ty sẽ không phải trả cho anh Hiệp vì anh chưa đáp ứng điều kiện đã làm việc thường xuyên cho NSDLĐ từ đủ 12 tháng trở lên như quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động.

Hai, nếu Công ty X. không muốn nhận anh Hiệp vào làm việc và anh Hiệp cũng đồng ý với quyết định này của Công ty thì ngoài những khoản tiền nêu trên, Công ty X. phải trả thêm cho anh Hiệp khoản tiền bồi thường bằng ít nhất 2 tháng lương theo HĐLĐ.

Từ trường hợp của anh Hiệp có thể thấy, pháp luật lao động hiện nay về nguyên tắc đang bảo vệ chặt chẽ quyền lợi NLĐ. Không phải trong mọi trường NLĐ bị kết án thì NSDLĐ có quyền chấm dứt HĐLĐ với NLĐ. Về phía NSDLĐ cũng cần có hiểu biết đầy đủ quy định pháp luật để tránh sai phạm không đáng có trong các quan hệ lao động với NLĐ.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425