Hướng đến bình đẳng về nghĩa vụ quân sự
(Cadn.com.vn) - Sáng 21-11, thảo luận dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng: Các quy định (cũ) đã khiến một nghĩa vụ rất vẻ vang của công dân thành nghĩa vụ riêng của một nhóm công dân ở các vùng nông thôn, ít điều kiện học hành, gây bất bình đẳng.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đánh giá, dự thảo lần này đã đưa ra nhiều quy định giúp hạn chế đối tượng miễn hoãn bằng các quy định, nâng độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 25, làm cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân.
Với 81,29% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Đối với Giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, so với Luật giá năm 2012, dự thảo Luật đã bổ sung một số loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá. Những bổ sung này nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số giá dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Trên cơ sở đó, để bảo đảm hài hòa quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu; đối với giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác sẽ được điều tiết bởi cơ chế thị trường do doanh nghiệp quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. |
Cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ
Về tạm hoãn gọi nhập ngũ (khoản 1 Điều 41), nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm chung là cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, nhằm tạo điều kiện cho công dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Dự án Luật đã quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân: “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu”; quy định rõ hơn đối với trường hợp công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ. Đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ. Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ sẽ được tiếp nhận để học tập.
Tán thành với quan điểm này, tuy nhiên đại biểu Lê Hiền Vân (Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể để thống nhất cách tổ chức thực hiện. Đại biểu đưa ra một số ví dụ cụ thể việc một số thanh niên tốt nghiệp đại học đã chọn con đường học lên cao hoặc các chương trình đại học khác; đồng thời cũng có những thanh niên đã học xong chương trình đại học nhưng có những môn chưa đạt hoặc chưa được tốt nghiệp. Đại biểu Lê Đắc Lâm ( Bình Thuận) đặt vấn đề đối với những đối tượng tạm hoãn là thanh niên tình nguyện, cán bộ công chức, viên chức làm việc tại biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng những công dân ở khu vực này lại không được tạm hoãn. Đại biểu đề nghị quy định chi tiết, rõ hơn về nội dung này.
Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) nêu thực tiễn có một bộ phận thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ được cử đi học nước ngoài hoặc đi công tác có thời hạn. Đại biểu đặt câu hỏi: những đối tượng này có được hoãn nghĩa vụ quân sự hay không và đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ trường hợp này. Trường hợp công dân trong độ tuổi nhận giấy gọi nhập ngũ và giấy thông báo nhập học hoặc đi công tác nước ngoài cùng một thời điểm thì công dân thực hiện theo điều khoản nào đề nghị quy định cụ thể- đại biểu nêu rõ.
Thời hạn nhập ngũ 12, 18 hay 24 tháng?
Về thời hạn phục vụ tại ngũ, dự thảo luật quy định thống nhất thực hiện thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ từ 18 tháng lên 24 tháng. Tuy nhiên, qua thảo luận vẫn còn một số ý kiến chưa thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị giảm thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng. Đại biểu nêu lý do: Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và an ninh về kết quả giám sát việc thực hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự và công dân phục vụ có thời hạn có nêu: Một bộ phận công dân đã có việc làm, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, là con em cán bộ công chức các gia đình, có điều kiện kinh tế thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ chưa nhiều, chỉ chiếm 4,94% và có xu hướng giảm. Con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm hơn 80% và có xu hướng tăng, tỷ lệ con em dân tộc thiểu số còn thấp, khoảng 14%. Trong điều kiện số công dân nhập ngũ hàng năm chỉ chiếm 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số công dân trong độ tuổi từ 18 đến 25. Nhưng có những địa phương cho phép điều chuyển từ nơi này sang nơi khác để bù vào và đạt chỉ tiêu được giao. Công dân có bằng đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ 0,64% trong số thanh niên nhập ngũ hàng năm trong khi tổng số sinh viên trung bình trong các năm gần đây là 1,5 triệu người, chiếm 50% tổng số công dân trong độ tuổi từ 18 đến 25... Do vậy nên giảm thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng.
Khác với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, các đại biểu Lê Hiền Vân (Hà Nội), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) và nhiều đại biểu khác đề nghị thực hiện phương án quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 24 tháng như Tờ trình của Chính phủ. Quy định này nhằm bảo đảm đủ thời gian huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, giáo dục chính trị, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân, kỹ năng khai thác và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và giảm chi phí ngân sách, thời gian huấn luyện nâng cao chất lượng quân nhân dự bị.
Thu Thủy – TTXVN