Kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIII: Nhiều câu hỏi khó và nóng!

Thứ tư, 19/11/2014 07:46

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-11, các bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (Bộ Công Thương), Nguyễn Thái Bình (Bộ Nội vụ), Đinh La Thăng (GTVT) đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Các vị đại biểu và các bộ trưởng cùng đề cập nhiều vấn đề nóng bỏng, gai góc nhất trong các lĩnh vực.

“Tư lệnh nội vụ” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình được xem là phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa nhất, với các câu hỏi về tinh giản biên chế; cải cách công chức, công vụ; xử lý các tiêu cực trong thi tuyển công chức; việc bổ nhiệm cấp phó, chế độ “hàm” chức danh quản lý lãnh đạo; công tác cử tuyển cán bộ là người dân tộc thiểu số…, trong đó có những nội dung đã được đại biểu chất vấn tại các kỳ họp trước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận được nhiều câu hỏi khó của các đại biểu Quốc hội.

CÁN BỘ “MỘT DẠ, HAI VÂNG” NGÀY CÀNG NHIỀU

Các đại biểu Đỗ Văn Đương, Nguyễn Thanh Hải, Lê Thị Tám, Nguyễn Lâm Thành, Huỳnh Văn Tính, Nguyễn Sỹ Cương nêu nhiều câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ xoay quanh vấn đề tuyển dụng, đánh giá cán bộ công chức, viên chức. Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, hiện nay có tình trạng người có năng lực không vào cơ quan nhà nước, hoặc vào rồi đi ra càng nhiều. Số công chức tận tâm và sáng tạo trong công tác ngày càng ít, số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng”, ham muốn thành đạt ngày càng nhiều. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và tham nhũng? - đại biểu đặt câu hỏi. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận có tình trạng trên và nguyên nhân là do việc sử dụng cán bộ công chức chưa đúng phẩm chất, trình độ năng lực của từng người, cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm. Trong khi đó, chế độ đánh giá chưa đổi mới, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; chế độ tiền lương, đãi ngộ chậm được cải thiện; việc tuyển dụng đầu vào có trường hợp chưa thực sự đáp ứng được nhiệm vụ, chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, hiện Bộ Nội vụ và các Bộ ngành địa phương đã và đang thực hiện một số giải pháp như đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, cấp trên trực tiếp quản lý đánh giá người đứng đầu cấp dưới, sử dụng trọng dụng người có tài năng phẩm chất làm được việc. Bộ Nội vụ cũng đang thực hiện Nghị định trọng dụng người tài trong hoạt động công vụ; Nghị định đang trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng đã công bố kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2013. Theo đó, đối với cán bộ công chức, hoàn thành xuất sắc đạt 34,33%; hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 58,08%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế trình độ năng lực 4,94%; không hoàn thành 0,46%. Đối với viên chức: số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,49%; hoàn thành tốt nhiệm vụ 50,14%; hoàn thành nhiệm vụ 8,06%; không hoàn thành nhiệm vụ 0,24%. Có 23  bộ, ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. 7 bộ, ngành, địa phương đánh giá không có viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Khối các cơ quan Bộ, ngành Trung ương có 2 đơn vị có tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ cao. Khối địa phương có 4 đơn vị có tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ cao.

Đại biểu Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ chiều 18-11.

TINH GIẢN BIÊN CHẾ CHƯA HIỆU QUẢ

Giải trình về vấn đề tinh giản biên chế chưa hiệu quả, thực hiện trong nhiều năm nhưng không những không giảm mà còn tăng, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiến hành xây dựng đề án xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó tính cơ cấu của đội ngũ cán bộ công chức viên chức cho phù hợp, nếu làm tốt điều này sẽ xác định được số lượng đội ngũ cán bộ và trình độ năng lực cần phải có để đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ để đưa ra khỏi nền công vụ, thay vào đó là những người có đủ trình độ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Báo cáo trước Quốc hội về thực trạng tiền lương của cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết từ tháng 1-2003 đến nay đã 9 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung từ 210 nghìn đồng/người/tháng lên 1,15 triệu đồng/người/tháng, tăng 447,6%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố 186,6%. Tuy nhiên đến nay sau 10 năm thực hiện, chế độ tiền lương hiện hành đã phát sinh một số bất hợp lý. Mức lương cơ sở thực hiện từ ngày 1-7-2013 là 1,15 triệu đồng/người/tháng mới đạt 50% bình quân mức lương tối thiểu vùng năm 2014 của khu vực doanh nghiệp dẫn đến các mức lương, ngạch, bậc, chức vụ thấp theo. Tính cả 25% phụ cấp công vụ, mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự là 3,36 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng, đời sống người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước còn khó khăn, hệ thống thang bậc lương còn bình quân, việc đổi mới cơ chế với khu vực đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình chỉ ra những nguyên nhân khiến cho chưa thực hiện được cải cách tiền lương, đó là do khó bố trí được nguồn. Chính vì mức lương theo ngạch, bậc còn thấp nên các cơ quan đã áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù, phụ cấp ngành, phụ cấp nghề nên đã phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề. Bộ trưởng cũng thống nhất với ý kiến của các đại biểu về việc tăng lương cho các đối tượng về hưu trước năm 1995 và những người có mức lương dưới 2,34.

CHƯA GIẢI ĐƯỢC BÀI TOÁN LẠM PHÁT CẤP PHÓ

Quan tâm đến vấn đề bổ nhiệm cấp phó quá nhiều, đại biểu Bùi Thị An, Nguyễn Sỹ Cương chất vấn về quan điểm và giải pháp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước sự lạm phát cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương khiến cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí và không đúng quy định của Chính phủ về số lượng cấp phó. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận định tình trạng lạm phát cấp phó này có liên quan đến hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt trước khi nghỉ hưu và đặt câu hỏi Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, số lượng Thứ trưởng của mỗi Bộ là 4 nhưng quy định này không phải là “cứng” mà có tính chất cơ động, mềm dẻo. Bộ Nội vụ đã nhiều lần kiến nghị với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, với Chính phủ nên có quy định số lượng cứng nhưng kiến nghị này khi được đưa ra thảo luận, bỏ phiếu đều không quá bán do Bộ Nội vụ đề nghị số lượng ít nhưng các Bộ đề nghị số lượng nhiều, không gặp nhau về quan điểm nên không thống nhất được. Bộ trưởng cho biết: hướng tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ quy định số lượng cứng để tạo sự thống nhất, không để tình trạng này kéo dài. Bộ đang hoàn thiện để sửa Nghị định 36/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Báo cáo sơ bộ của Trưởng ngành Nội vụ trước Quốc hội cho thấy các chức danh cấp phó còn lại đều được quy định cứng nhưng trong thực tế đều vượt khung. Ở cấp Bộ, số lượng Thứ trưởng là 4 nhưng hiện đang ở mức bình quân là 5,4. Các cấp tổng cục, vụ, sở đều có quy định số lượng cấp phó là 3 nhưng bình quân hiện là 3,69 với cấp tổng cục, 3,04 với cấp vụ và cấp sở là 3,06. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận có một số cơ quan, tổ chức có quá nhiều cấp phó mà không thực sự xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là do hậu quả của việc bổ nhiệm bởi một lý do nào đó. Việc bổ nhiệm nhiều cấp phó đã gây lãng phí cho ngân sách, không tạo được sự đồng thuận trong nội bộ và toàn xã hội.

Bộ trưởng cho biết, trong các lĩnh vực quản lý của Chính phủ, lĩnh vực tổ chức và cán bộ được phân công, phân cấp mạnh mẽ và triệt để nhất. Thủ tướng chỉ quản lý diện Thứ trưởng, các chức danh khác được phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh. Do đó, Bộ Nội vụ chỉ có quyền kiến nghị, đề nghị nếu phát hiện sai sót. Nếu kiến nghị đó không được thực hiện, Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hướng xử lý giải quyết. Bộ trưởng khẳng định sắp tới sẽ phải có giải pháp mạnh, tổng thể về số lượng cấp phó, quy định cứng số lượng để thực hiện thống nhất, nơi nào vượt phải tự điều chỉnh trong nội bộ.

Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, là người đứng mũi chịu sào trong lĩnh vực tổ chức, Bộ trưởng cần tham mưu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, rèn cho được cả về đức, về tài, tận tụy phục vụ nhân dân. Bộ cần quan tâm đặc biệt tới việc kiểm tra, đánh giá chính xác đội ngũ cán bộ. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tham mưu cho Đảng, Chính phủ tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, xem xét bố trí cán bộ cấp phó, thực hiện xác định vị trí việc làm để tinh giản biên chế một cách đồng bộ phù hợp với tính chất đặc điểm công việc, tiếp tục đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra để tránh tiêu cực, chạy chọt.

Thu Thủy – TTXVN