Hướng về giá trị nguồn cội...

Thứ tư, 07/10/2015 09:17

(Cadn.com.vn) - Quảng Nam là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống phân bổ ở các huyện miền núi dọc tuyến đường Trường Sơn. Cộng đồng các dân tộc ít người này góp phần rất lớn trong việc hình thành nên bản sắc văn hóa độc đáo của vùng núi Quảng Nam. Trong đó, phải kể đến đời sống âm nhạc và tín ngưỡng dân gian của dân tộc Cor ở H. Bắc Trà My đã gìn giữ qua nhiều thế hệ...

Đội Văn nghệ quần chúng xã Trà Bui (H. Bắc Trà My).

Đã vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng già Hồ Văn Dinh (xã Trà Bui, H. Bắc Trà My) sau mỗi ngày lên nương rẫy về vẫn đánh cồng, đánh chiêng, thổi sáo, sang sảng làn điệu dân ca "K'cheo" truyền thống. Trong ký ức của ông, đó là phần "máu thịt thiêng liêng" không thể nào quên được. Nhớ lại, già Dinh kể say sưa về những năm tháng tuổi thơ gắn bó với núi rừng từ thuở lọt lòng. Ký ức ấy như cuộn phim quay ngược về quá khứ, hiện lên trong trí nhớ ông: Ngày trước, mỗi khi đêm về, bên cây đèn dầu rái, các già làng người Cor nơi đây không quên kể cho con cháu nghe nguồn gốc của dân tộc mình. Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, một cơn hồng thủy đã xảy ra, cuốn trôi vạn vật, muôn loài. Chỉ có nhóm người may mắn lên được một chiếc thuyền, họ đi mãi, đi miết về hướng mặt trời lặn, gặp một ngọn núi cao và bám vào đó. Nhờ vậy mà thoát chết. Ngọn núi có ơn cứu mạng ấy là núi Răng Ca và những người định cư bên vách núi Răng chính là tổ tiên của người Cor ngày nay.

 Sống giữa đại ngàn hùng vĩ, từ bao đời nay, đồng bào Cor đã vun đắp cho mình một tâm hồn phóng khoáng, nhạy cảm. Thiên nhiên hào phóng lúc nào cũng có thể ban tặng cho họ cái ăn, cái mặc và thiên nhiên cũng tạo nên nguồn cảm hứng bất tận cho họ. Từ những chất liệu mộc mạc như tre, nứa, gỗ, đá, người Cor đã khéo léo tạo nên những nhạc cụ đủ sức biểu đạt mọi cung bậc tình cảm của mình. Nghệ nhân Hồ Thị Don kể say sưa về "tình yêu âm nhạc" của đồng bào Cor ở H. Bắc Trà My còn lưu truyền câu chuyện rằng: Ngày xưa, có một ông già người Cor, không may phải sống cô đơn.

Những lúc muộn phiền không biết giãi bày nỗi lòng mình cùng ai, ông đã dùng vật liệu gỗ, tre, nứa và vỏ bầu tạo nên cây đàn vơ ró, hay còn gọi là đàn bầu. Cây đàn ấy trở thành người bạn tri kỷ của ông và được lưu truyền đến ngày nay. Bây giờ, cây đàn vơ ró là người bạn thân thiết của đồng bào Cor, đàn ông hay phụ nữ đều được quyền sử dụng. Với cây đàn vơ ró, họ có thể góp vui trong những dịp lễ hội, liên hoan hay độc thoại với chính lòng mình. Nghệ nhân Hồ Thị Don (70 tuổi) cho biết thêm:  Trong đời sống cộng đồng người Cor, phụ nữ đóng vai trò trong phân công lao động. Quanh năm suốt tháng họ cần cù bên nương rẫy để tạo dựng cuộc sống gia đình ngày càng no đủ. Sự vất vả ấy tưởng như buộc họ phải hy sinh cái cá nhân của mình. Nhưng thật kỳ diệu, qua tiếng kèn Amáp, người nghe ai cũng cảm nhận được tâm hồn của những người phụ nữ vùng cao chịu thương chịu khó ấy.

Nghệ nhân Hồ Văn Dinh và Hồ Thị Don sử dụng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cor.

Ở H. Bắc Trà My, Trà Bui-xã cao nhất của huyện là địa phương "điểm sáng" về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đặc biệt là âm nhạc của người Cor qua các hội diễn tại địa phương, trong tỉnh hay "mang chuông đi đánh xứ người" vào những dịp liên hoan nghệ thuật quần chúng khu vực và toàn quốc. Với các tiết mục hát dân ca "K'cheo", trình diễn các nhạc cụ dân tộc như cây lách, đàn kchop, sáo, cồng, chiêng, các chàng trai cô gái Ca Dong cùng hòa quyện trong những điệu múa uyển chuyển, vang lên tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã. Đặc biệt, nghệ nhân Hồ Văn Dinh và Hồ Thị Don cùng song ca bài dân ca "K'cheo" như lời của núi rừng đại ngàn vọng về.

Là đội trưởng đội cồng chiêng xã Trà Bui, già Dinh hào hứng trong từng nhịp chiêng, giọng hát sang sảng. Nghệ nhân Hồ Văn Dinh cho biết: Bài "K'cheo" được hát trong dịp lễ ăn trâu huê, mừng lúa mới, thể hiện tâm tư tình cảm của người Ca Dong cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để dân làng no cái bụng, sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, núi rừng... Giới trẻ bây giờ cũng không còn nhiều người biết đánh cồng, đánh chiêng, thổi sáo, làn điệu "K'cheo", múa các điệu truyền thống nên mình phải giữ lại, và truyền cho thế hệ trẻ biết để không bị mai một". Đôi tay nhịp nhàng đánh chiêng, em Hồ Văn Hôn (15 tuổi), nói: "Em thích đấng cồng, đánh chiêng, em theo già Dinh học miết thôi". Đội cồng chiêng "nhí" của xã Trà Bui cũng "rộn ràng" và trưởng thành theo sự hướng dẫn của các già làng qua những sinh hoạt trong dịp lễ hội, mừng ngày lễ, tết của đồng bào Cor nơi đây, qua đó bảo tồn những món ăn tinh thần trong đời sống thường ngày. Làn điệu dân ca "K'cheo", những âm thanh rộn rã của nhiều nhạc cụ, những điệu múa như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin của người dân xã Trà Bui trong cuộc sống vùng cao vốn còn nhiều khó khăn, vất vả.

Bên cạnh xã Trà Bui, các xã khác như Trà Kót, Trà Ka, Trà Đốc cũng có nhiều hoạt động phong phú như tô đậm thêm nếp sống dân dã thường nhật gắn với núi rừng tự nhiên, và những bản sắc văn hóa độc đáo của tộc người Cor sống trên vùng đất này. Tại địa bàn H. Bắc Trà My, đồng bào Cor có dân số không đông. Tuy vậy, họ vẫn bảo lưu khá tốt bản sắc văn hóa qua kho tàng âm nhạc của mình. Vui nhất là lễ hội mừng lúa mới, khi trong kho đã chứa đầy lúa, khi ngoài sân cây nêu đã dựng lên, các bản làng người Cor lại náo nức bước vào mùa lễ hội. Lễ hội không chỉ thỏa mãn những nhu cầu tâm linh, không chỉ củng cố thêm khối đoàn kết trong cộng đồng mà còn là môi trường nuôi dưỡng âm nhạc dân tộc Cor trường tồn với thời gian.

Ông Trương Quang Phổ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao H. Bắc Trà My cho biết: Địa phương luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cor, nhất là hoạt động văn nghệ quần chúng từ tuyến xã đến huyện và 100% các xã đều có Đội văn nghệ thu hút sự tham gia thường xuyên của các "hạt nhân" văn nghệ. Nhờ đó, thế hệ đi trước dẫn đường, người trẻ đi sau tiếp "lửa" nên những âm thanh của nguồn cội vẫn còn vang lên đầy sức sống...". Ai có dịp đến H. Bắc Trà My hôm nay, giữa nhịp sống đương đại hối hả nhưng với núi rừng, mảnh đất và đồng bào nơi đây, vẫn nhịp nhàng, đều đặn vang lên âm thanh của những nhạc cụ âm nhạc, những bài dân ca của người Cor luôn hướng lòng về với những giá trị muôn đời của cha ông...

Thảo Nguyên