Huyền thoại của lòng dân...
(Cadn.com.vn) - Hồng Phước xưa là một thôn của xã Hòa Khánh, H. Hòa Vang, Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, nay là P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, khu căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước, nằm ngay sát trung tâm quân sự lớn nhất của miền Trung, mà không hề bị lộ, bởi được tất thảy người dân kiên trung nơi đây chở che, nuôi giấu, giúp đỡ, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng...
Hội thảo khoa học về thành tích của cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang khu căn cứ |
Ngày 12-8, UBND Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Khoa học lần thứ 2 về thành tích của cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang căn cứ cách mạng B1-Hồng Phước, đề nghị phong tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho cán bộ và nhân dân nơi đây. Tới dự Hội thảo có các tướng lĩnh, sĩ quan, Anh hùng LLVT, cán bộ đã từng chiến đấu, công tác, được nhân dân Hồng Phước bao bọc, chở che năm xưa; các nhà nghiên cứu về khoa học lịch sử, khoa học quân sự, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành trên địa bàn TP Đà Nẵng...
Làng Hồng Phước thời kỳ chống Mỹ, cứu nước có hơn 60 hộ gia đình, đều là cơ sở hoặc có cảm tình với cách mạng. Trong suốt những năm kháng chiến, trong làng đã có 46 căn hầm bí mật ở trong nhà, ngoài sân vườn để nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Cho đến ngày quê hương giải phóng (1975), căn cứ Hồng Phước không một lần bị vỡ, cơ sở không bị lộ, bí mật tập thể được giữ gìn nghiêm mật nhất... Có được thành công này, bởi Hồng Phước là căn cứ lòng dân vững chắc. Có thể nói không có nhân dân Hồng Phước thì không có căn cứ B1-Hồng Phước. Nhiều gia đình ở Hồng Phước đã trở thành những cơ sở trung kiên, tiêu biểu như gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương, gia đình các bà Phạm Thị Miên, Nguyễn Thị Liên, Hà Thị Mau, Lê Thị Cảnh... Đây là nơi đứng chân hoạt động của nhiều cán bộ lãnh đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà, Hòa Vang, Đà Nẵng; của lực lượng biệt động thành, đặc công và nhiều đơn vị lực lượng vũ trang được nhân dân Hồng Phước nuôi giấu, bảo vệ. Tuy chỉ là một căn cứ nhỏ, nhưng B1-Hồng Phước đã dung nạp một lực lượng lớn, là địa bàn tiến công và lui về an toàn của lực lượng cách mạng, nơi xuất phát nhiều trận đánh xuất sắc ở cánh Bắc Hòa Vang và Khu 2 Đà Nẵng. Tiêu biểu như trận đánh vào trận địa pháo Thanh Vinh của Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ vào ngày 17-4-1965, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 176 tên Mỹ, phá hủy 17 khẩu pháo, 10 xe kéo pháo và nhiều quân trang quân dụng...; Trận đánh tiểu đoàn xe tăng Mỹ tại Hố Chùa, Đa Phước, ta phá hủy 60 xe tăng, tiêu diệt 50 tên Mỹ vào tháng 10-1967; trận tập kích căn cứ Hoa Lư (Hòa Mỹ) tháng 5-1972, ta tiêu diệt 150 tên sĩ quan và binh lính, phá hủy 200 xe các loại và 1 kho vũ khí, quân nhu của địch; trận tập kích Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong và 1 đại đội công binh địch ở Bàu Tràm tháng 8-1972, ta tiêu diệt 200 tên địch... Trong các trận đánh địch, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Trên mảnh đất kiên cường, trung dũng này có nhiều đồng chí là cán bộ chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Hàng trăm tấn lương thực, thuốc men, vũ khí được đưa về chôn giấu nơi đây để phục vụ bộ đội đánh giặc... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, B1-Hồng Phước đã hoàn thành xuất sắc vai trò là một căn cứ cách mạng-một căn cứ tiền phương, một bàn đạp vùng ven để tấn công vào thành phố. So sánh với nhiều căn cứ lõm khác ở miền Nam thời chống Mỹ, B1-Hồng Phước không lớn, nhưng rất đặc trưng về quy mô và hình thái của “các lõm chính trị” được xây dựng trong vùng địch. Có nhiều nét đặc sắc của căn cứ cách mạng này, trong đó đặc sắc nhất vẫn là “cách mạng của lòng dân”...
Tại Hội thảo, các tướng lĩnh, sĩ quan, Anh hùng LLVTND, các nhà khoa học lịch sử và quân sự đã có nhiều tham luận đánh giá về căn cứ B1-Hồng Phước. Các tham luận đều khẳng định, bài học lịch sử sức mạnh nhân dân và sức mạnh lòng dân rút ra từ thực tiễn căn cứ B1-Hồng Phước sẽ là một đóng góp có ý nghĩa trong việc củng cố niềm tin và khẳng định hơn nữa về bài học “dân là gốc” mà Đại hội XII của Đảng đã rút ra từ thực tiễn 30 năm đổi mới. Nguyện vọng chính đáng của nhân dân Hồng Phước là làm sao bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa và lịch sử của quê hương nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho các lớp con cháu hôm nay và mai sau... Theo kiến nghị của Quận ủy, UBND Q. Liên Chiểu và Q. Thanh Khê, Thành ủy đã đồng ý chủ trương, ngày 11-3-2016, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định về việc phê duyệt xây dựng Đài bia và Nhà truyền thống B1-Hồng Phước trên diện tích 2.700m2, với tổng mức kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016.
Hồng Thanh