Huyền thoại Tây Sơn thượng đạo
* Bài I: Căn cứ địa Tây Sơn thượng đạo và người vợ Ba Na của Nguyễn Nhạc
(Cadn.com.vn) - Trong đời sống của người dân Gia Lai, những cái tên thân thuộc như An Khê Trường, An Khê Đình, Gò Kho, Xóm Ké, Miếu Xà, Tơ mo Bok Nhạc... dường như thân thuộc với bao câu chuyện kể huyền thoại gắn với những di tích tồn tại đến ngày nay. Từ cuối thế kỷ XVIII, dưới ngọn cờ đại nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, cả một vùng Tây Sơn thượng đạo đã nhanh chóng trở thành căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn.
Căn cứ địa Tây Sơn thượng đạo
Vùng đất Tây Sơn thượng đạo tương đối bằng phẳng, với độ cao 400m so với mực nước biển, bốn bề đều có núi và rừng già bao bọc. Theo sử sách của thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, bao gồm từ đồng bằng Bình Định đến vùng cao nguyên phía Tây dãy Trường Sơn. Đồng thời, do ngăn cách bởi con đèo An Khê cao 740m và dài hơn 10km mà người Ba Na trong vùng gọi là đèo Mang (Cổng), còn người Kinh khi lên đây gọi đó là đèo "Vĩnh Viễn" nên phía đồng bằng được gọi là Tây Sơn hạ đạo, vùng đất phía Tây bên kia dãy đèo An Khê được gọi là Tây Sơn thượng đạo. Ngày nay, vùng đất Tây Sơn thượng đạo bao phủ cả các huyện K'bang, Kong Chro và TX An Khê của tỉnh Gia Lai.
![]() |
An Khê Trường - nơi thờ tự 3 anh em: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. |
Thuở đó, trên đoạn đường đèo vẫn còn các chặng dừng chân cho khách bộ hành bởi con đèo hiểm trở, đá lởm chởm, có đoạn phải dang 2 chân ra trụ mà leo mới khỏi té ngã nên còn gọi là "Dốc Chàng Hảng". Những điểm trở thành dấu tích của một thời đánh dấu con đường thông thương từ căn cứ Tây Sơn hạ đạo lên với vùng cao nguyên phía Tây đầy khoáng sản, voi chiến, ngựa chiến cho cuộc khởi nghĩa như: Nghẹo Cây Khế, Cây Ké, Cây Cầy... Thường xuyên buôn bán trên thượng đạo, người anh cả Nguyễn Nhạc sớm nhận ra vị trí hiểm trở của vùng rừng núi Tây Sơn thượng đạo là vị thế đắc địa để xuống đồng bằng hay lên vùng Tây Nguyên. Từ những điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa, Tây Sơn thượng đạo nhanh chóng trở thành căn cứ địa của 3 anh em Tây Sơn. "Tổng hành dinh" được đặt tại trung tâm lòng chảo của Tây Sơn thượng đạo (khu vực TX An Khê ngày nay), giữa một vùng đất rộng khá bằng phẳng được che chắn bốn phía bởi những dãy núi. Phía Đông và
![]() |
Cây mít cổ thụ tại vườn mít Cô Hầu (bà Ya Đố). |
Người phụ nữ đặc biệt ở vùng thượng đạo
Dù trải qua hơn 200 năm, nhưng trong những lễ hội lớn của một số làng ở H. K'bang, cùng với tiếng chiêng cồng vang dội, lời khấn của Già làng vang bên mái nhà rông: "Ơ thần núi thần sông. Ơ ông BokTeng. Ơ bà Ya Đố. Lũ làng xin mời về...". Trong tâm thức của người Ba Na, bà Ya Đố là một Nữ thần trong truyện kể, sử thi của họ. Tên thật của bà là gì hiện không ai biết, nhưng người Ba Na thường gọi bà là Ya Đố và bà không phải là một nhân vật hư cấu... Là người dân tộc Ba Na ở Plei Đê H'Mâu (nay thuộc xã Đông, H. K'bang), con của một tù trưởng giàu có, bà đã gặp Nguyễn Nhạc khi hai anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc lên buôn bán ở đây. Sau đó Nguyễn Nhạc đã lấy bà làm vợ và nơi đây trở thành một căn cứ địa quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Sau này, người Kinh gọi bà là Cô Hầu hay còn gọi là Cô Hầu đốc tướng.
![]() |
Sơ đồ khái quát một phần căn cứ của anh em nhà Tây Sơn ở vùng Tây Sơn thượng đạo. |
Biết người chồng miền xuôi của mình nuôi chí lớn, bà Ya Đố đã tham gia tích cực vào phong trào Tây Sơn, góp phần xây dựng lực lượng nghĩa quân. Cùng với dân làng, bà đã tìm đất khai hoang trong nhiều tháng trời, tạo thành cánh đồng rộng hơn 20 ha trồng lúa và lương thực và cánh đồng đó ngày nay vẫn mang tên cánh đồng Cô Hầu (thuộc xã Nghĩa An, H. K'bang). Đây là một trong những việc làm của bà giúp nghĩa quân Tây Sơn trong thời kỳ đầu mở căn cứ địa ở vùng Tây Sơn thượng đạo. Gắn liền với cánh đồng Cô Hầu là vườn mít Cô Hầu nằm cạnh đó nhằm tạo thêm nguồn thực phẩm cung cấp cho nghĩa quân trong buổi đầu khởi nghĩa. Đến nay, cánh đồng từ thời bà Ya Đố lập nên vẫn còn và người dân Ba Na vẫn tiếp tục canh tác. Vườn mít giờ chỉ còn sót lại khoảng 20 cây cổ thụ đến 2 người ôm được gắn biển di tích nằm len lỏi trong cánh rừng Ca Nông.
Không chỉ giúp nghĩa quân Tây Sơn có lương thực từ những buổi ban đầu, hàng chục thớt voi, hàng mấy trăm con ngựa đã được bà huy động dân làng ủng hộ theo chân nghĩa quân xông pha khắp các chiến trường. Thế nhưng, trong sử sách ít nhắc đến tên bà cũng như chính bà từ chối cuộc sống phồn hoa đô hội khi Nguyễn Nhạc lên ngôi sai quân đưa về chốn hậu cung. Bà đã chọn cuộc sống bình dị với buôn làng của mình và mất tại đây. Theo lời kể của nhiều già làng, đám tang bà Ya Đố lớn chưa bao giờ có trong tộc người Ba Na. Cả vùng núi chật người và voi, ngựa, tiếng chiêng cồng vang rền như sấm. Tương truyền ngọn núi Tơ Gu-ngọn núi cao nhất trong vùng tại H. K'bang là nơi an nghỉ cuối cùng của bà Ya Đố. Tương truyền, có nhiều đêm trăng người dân trong vùng còn nghe tiếng cuốc, tiếng cày và nhìn thấy một người con gái Ba Na đang chỉ đạo đám thanh niên trong làng làm ruộng giữa cánh đồng Cô Hầu.
Minh Tân
(còn nữa)