Huyền thoại về những Pơtao không ngai (5)

Thứ hai, 29/09/2014 10:31

* Bài cuối: Khép lại một huyền thoại

(Cadn.com.vn) - Khi mặt trời chưa rọi ánh sáng đầu tiên trên ngọn núi Chư Tao Yang, người dân làng Plei Ơi chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại của buôn làng. Bởi lần này chiếc gươm thần của Vua Lửa được chuyển về “nơi ở mới khang trang hơn, được bảo quản tốt hơn và cũng là buổi lễ cuối cùng khép lại một huyền thoại về các Pơtao.

Buổi cúng cuối cùng

4 giờ sáng, làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, H. Phú Thiện) vẫn còn say ngủ dù họ biết rằng ngày nay tại nhà bà Kpăh H’Nhik – vợ của Pơtao Apui Siu Luynh (vị Vua Lửa đời thứ 14) sẽ diễn ra nghi lễ trọng đại. Nơi đây, thanh gươm thần còn lại cuối cùng trong 3 thanh gươm của Vua Lửa, Vua Gió và Vua Nước truyền tụng bấy lâu nay. Thế nhưng, để diện kiến thanh gươm thần này thì số người cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay khiến chúng tôi càng háo hức. Dù đây là sự kiện mang ý nghĩa trọng đại với dân làng nhưng tịnh không một bóng người, chỉ có một số người già trong làng lục đục đi tìm Rơ Lan Hieo – người phụ tá cuối cùng của Vua Lửa đời thứ 14. Ông là người duy nhất còn lại biết các bài cúng, biết xin Yang  chuyển thanh gươm về địa điểm mới mà được Nhà nước xây dựng trong khuôn viên cụm di tích Plei Ơi ngay dưới chân núi Chư Tao Yang.

Rơ Lan Hieo bên các lễ vật khấn bài cúng gươm lần cuối cùng – khép lại miền huyền thoại Pơtao Apui.

Hỏi ra mới biết, trẻ con, phụ nữ tuyệt không dám đến gần mthir ia (lều để gươm của vua). Bởi lẽ trong đời sống tâm linh của họ, gươm thần là vật linh thiêng, chỉ có người già, người có uy tín mới được tiếp cận diện kiến gươm thần. Trẻ em, phụ nữ lại gần về sẽ bị đau ốm. Chiếc trống, chiếc chiêng, ghè rượu là bảo vật truyền qua nhiều đời Vua Lửa bấy lâu nay nằm hoang lạnh trong căn nhà của Rơ Lan Hieo giờ được phủi lớp bụi dày đưa xuống chuẩn bị cho buổi lễ. Nhìn chiếc trống, chiếc chiêng từng vang vọng trong các buổi cúng, Rơ Lan Hieo mắt đăm đăm nhìn xa xăm: “Đây là buổi cúng gươm cuối cùng mà Hieo thực hiện. Từ đây trở đi, Hieo không cúng nữa đâu! Mình không phải là Pơtao Apui, mình chỉ cúng một lần này thôi!”.

Thanh gươm thần (chỉ còn đai đồng) cùng các “thanh gươm cận vệ” khác.

Bên căn chòi đã cũ nơi để thanh gươm thần của Vua Lửa, Rơ Lan Hieo tiến hành dọn dẹp chuẩn bị các thủ tục cho bài cúng. Vóc dáng nhỏ bé, Rơ Lan Hieo vác cây mác dùng để đâm trâu trong các buổi cúng bắt đầu tiến hành nghi lễ. Nhưng cây mác hàng chục năm không dùng tới đã cùn, mồ hôi ướt đẫm trên trán Hieo mà con trâu vẫn chưa chảy máu. May có một số người Tày cùng ngụ cư ở làng Plei Ơi không ngại kiêng cử đã xúm vào cùng phụ Rơ Lan Hieo xẻ thịt con trâu cho kịp giờ cúng.

Ghè rượu được bưng ra, con heo, con gà cũng đã được xẻ thịt. Cẩn trọng, Rơ Lan Hieo hút rượu từ ghè ra đong vào chiếc chén đồng cổ được truyền qua bao đời Vua Lửa. Sau đó, ông lấy từ trong túi xách ra một củ giống củ riềng xắt từng miếng nhỏ hòa chung vào chén rượu rồi Rơn Lan Hieo nhanh chóng cất vào túi. Người phụ tá cho buổi cúng là Oi Phơ kính cẩn dùng lá chuối nhúng vào chén đồng rắc lên tay Rơ Lan Hieo và Rơ Lan Hieo cũng làm ngược lại như vậy cho Oi Phơ. Tò mò, chúng tôi hỏi thì Oi Phơ cho biết: đó là củ Jrao hchich mà tiếng Jrai nghĩa là “rửa sạch tội lỗi”, trước mỗi lần cúng gươm thần đều phải rửa sạch những ô uế trên người tham gia buổi cúng. Đồng thời, Rơ Lan Hieo vừa khấn vừa “rửa sạch” cho cái trống, cái chiêng của Vua Lửa và xung quanh căn chòi để gươm thần.

Rơ Lan Hieo – đưa gươm về “nơi ở” mới.

Diện kiến gươm thần

Vừa tưới rượu cùng củ Jrao hchich quanh lều, Rơ Lan Hieo bắt đầu lầm rầm khấn bằng tiếng Jrai và một lúc sau ông leo lên căn chòi lấy xuống một bọc vải trắng đựng thanh gươm, một cái gùi đã bắt đầu mục nát. Từ trên lều cao, Rơ Lan Hieo chật vật với chiếc gùi nặng đựng nhiều vật của Vua Lửa, nhưng tuyệt nhiên Oi Phơ – người phụ tá buổi cúng không dám đến gần. “Chỉ có Rơ Lan Hieo mới được chạm vào thanh gươm, chạm vào các vật của Pơtao Apui thôi”, Oi Phơ giải thích.

Trải tấm chiếu giữa đất, Rơ Lan Hieo bắt đầu lấy những đồ vật vốn là vật bất ly thân của các đời Vua lửa: một chiếc nhẫn đá, một rìu đá cổ, một khẩu súng hỏa mai nhỏ (không có đạn), một chiếc hồ lô bằng đá, một chiếc chén đá, một chiếc chén đồng... và những mẩu đá thạch anh nhỏ khác. Lần giở tấm vải trắng cuộn tròn đã ngả màu và mục, Rơ Lan Hieo cẩn trọng dùng hai tay nâng lần lượt 4 thanh gươm ra, tất cả đã đều hen gỉ và không có vỏ gươm. Cầm thanh gươm chỉ có đai gươm bằng đồng còn nguyên những hoa văn của lửa và nước quyện nhau nhưng lưỡi gươm cũng đã gỉ sét, Rơ Lan Hieo giới thiệu đây chính là gươm thần và 3 thanh gươm kia là “pô vai long rneng gieo”: 3 gươm cận vệ. Chúng tôi quá sững sờ bởi thanh gươm thần hô mưa, gọi gió truyền qua hàng trăm năm với 14 đời Vua Lửa cũng phải cam chịu số phận của thời gian.

Khu quần thể di tích Vua Lửa làng Plei Ơi dưới chân núi Chư Tao Yang.

Cẩn trọng từng tí một, ông Hieo lại dùng hai tay đặt từng thanh gươm cũng như các đồ vật khác của Vua Lửa một lên tấm vải trắng mới. Chiếc chén đồng lại được Rơ Lan Hieo hút đầy rượu cần và gọt củ Jrao hchich vào nhưng lần này, Rơ Lan Hieo lấy mỗi miếng thịt nhỏ được cắt từ bộ phận: gan, tim, thịt nách của 3 con vật cúng tế: trâu, heo, gà bỏ vào chén đồng. Đủ các thủ tục trên, Rơlan Hieo lần lượt tưới rượu lên thanh gươm mà như lời ông giải thích là cho gươm thần “ăn” và rửa sạch gươm thần. Đồng thời, Oi Phơ cũng bê nguyên quả tim trâu, phần đùi thịt trâu đặt trước chỗ ngồi cúng của Rơ Lan Hieo. Nến được thắp lên, Rơ Lan Hieo ngồi xếp bằng, hai tay chắp lại như vái, miệng bắt đầu khấn: “Ơi Yàng, ơi Pơtao Apui, ơi thần hàng ngàn, hàng vạn. Hôm nay chúng tôi dâng lễ một con trâu, một con heo, gà, ghè rượu cầu xin, thông báo đến các thần linh biết. Chúng tôi xin phép các Pơtao Apui cho dân làng Plei Ơi chuyển gươm thần về nơi ở mới, nơi chân núi Chư Tao Yang. Chúng tôi cầu xin các vị thần, các Pơtao cho người làng sức khỏe, hòa thuận, mưa thuận gió hòa”.

Dứt lời khấn, Rơ Lan Hieo lặng lẽ cuốn tấm vải trắng bọc tất cả gươm thần cũng như các “gươm cận vệ khác”, những đồ vật của các Pơtao Apui qua các đời truyền lại được ông Hieo đặt vào chiếc gùi mới. Vai đeo gùi, hai tay nâng niu những báu vật cuối cùng còn lại của các đời Vua Lửa, Rơ Lan Hieo đi bộ từ căn chòi, băng qua ruộng rẫy bước về núi Chư Tao Yang – nơi đó huyện Phú Thiện đã xây dựng căn nhà để gươm trong quần thể di tích Vua Lửa Plei Ơi. Mắt nhìn thẳng, bàn chân bước từng bước từ tốn, Rơ Lan Hieo băng qua cánh đồng đưa gươm thần về “nơi ở” mới. Trời đang nắng bỗng chốc gió nổi lên, mây kéo che khuất ánh mặt trời như ở cõi khác các Pơtao Apui đang dõi theo buổi lễ cuối cùng này.

Minh Tân