Huỳnh Văn Nghệ - tay gươm tay bút

Thứ tư, 14/01/2015 09:49

(Cadn.com.vn) - Nhiều người con nước Việt  có mấy ai không từng nghe, từng đọc ít nhất vài lần 4 câu thơ trích trong bài thơ "Nhớ Bắc" của Huỳnh Văn Nghệ-nhà thơ-chiến sĩ-người con của miền Đông Nam Bộ:

Ai đi về Bắc ta theo với

Thăm lại non sông giống Lạc -Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Những vần thơ hào sảng mà tha thiết tình non nước, mang âm hưởng ca cổ, tạo một khoảng lặng sâu xa trong máu huyết, kéo con người về với nguồn cội. Tôi đã thuộc nằm lòng hai câu thơ này từ khi còn là sinh viên Đại học ở Hà Nội hơn 40 năm trước và mang theo nó suốt chặng đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc cho đến tận bây giờ.

Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Hai câu thơ làm ta nhớ đến mấy trăm năm lớp lớp người Việt đi mở cõi theo Chúa Nguyễn Hoàng. Câu thơ là nghĩa khí của một tráng sĩ cầm gươm xông về phía trước nhưng lòng vẫn hướng về nòi giống Lạc Hồng...

Đọc bài thơ, ta hình dung người chiến sĩ, con dân nơi tuyến đầu mở cõi đêm đêm nơi rừng thiêng nước độc vọng cổ về người Chúa Tiên, người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, vọng về dinh Ái Tử. Không có Nguyễn Hoàng, không có triều đại Chúa Nguyễn thì không có hình hài nước Việt hình chữ S hôm nay. Đó là cách tổng kết lịch sử văn hóa dân tộc bằng thơ rất lạ và cô đọng của Huỳnh Văn Nghệ: Văn hóa Nam Bộ là sự mềm hóa, buồn hóa của văn hóa Bắc do người mở cõi luôn xa nhà, xa quê, đêm đêm cô đơn bên bếp lửa rừng. Nên điệu hát thì ngậm ngùi vọng cổ, quả thì sầu riêng... Người mang nết đất, hồn đất là vậy!

  Huỳnh Văn Nghệ sinh tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Tuy nhà nghèo, nhưng ông vẫn được gia đình lo cho ăn học đến nơi đến chốn, được cha dạy dỗ về căn bản cả văn lẫn võ. Là người thông minh học giỏi nên Huỳnh Văn Nghệ được nhận học bổng tại trường Trung học Pétrus Ký Sài Gòn.

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở chiến khu Đ.

Sau những năm 30 của thế kỷ trước, Huỳnh Văn Nghệ bắt đầu tham gia Cách mạng. Ông làm thơ, viết báo (tiếng Việt, tiếng Pháp) cho các báo ở Sài Gòn. Năm 1937 ông đã có bài thơ Trăng Lên khẳng định nguồn cội Bắc của mình: Đưa tay lên chỉ trời cao trong vắt/ Hai ngôi sao trong chòm sao Nam, Bắc... Muốn làm sao ta có sợi dây đàn/ Đem giăng thẳng nối Nam, Bắc. Hay trong bài thơ Sông Đồng Nai, ông viết: Có con sông cũng từ hướng Bắc/ Vượt núi rừng ghềnh thác/ Tràn vào Nam cuốn cả bóng mây cao.

Từ chi đội trưởng, ông thành tướng Tư lệnh Quân khu 7, là danh tướng chỉ huy quân lính đánh đâu thắng đó. Một danh tướng lại có tài ngoại giao thuyết phục... Ở Chiến khu Đ, tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ đã đi vào tâm thức mọi người như một cán bộ quân sự tài năng, một ngọn cờ của các đơn vị vũ trang nhỏ lẻ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, người gắn bó với quá trình gây dựng và phát triển Chiến khu Đ, một nhà thơ chiến sĩ đầy nhiệt huyết... Huỳnh Văn Nghệ đánh giặc bằng cả gươm và bút. Đồng đội và nhân dân miền Nam gọi ông là "Thi tướng rừng xanh". Ông làm thơ để đánh giặc, động viên những người ra trận. Ở Huỳnh Văn Nghệ, tướng quân và thi sĩ đã hòa quyện làm một rất hồn nhiên. Đây là đoạn thơ ngẫu hứng diễn tả rất nhuyến tâm trạng nhà thơ-chiến sĩ:

Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,

Không phân biệt lúc mài gươm múa bút

Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực

Còn yêu thương là chiến đấu không thôi

Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi

Thì không lẽ bút phái chờ kiếp khác

Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát

Lòng ta say chiến trận đến thành thơ

Huỳnh Văn Nghệ tự họa về mình, về thế hệ mình. Đánh giặc cũng say, cũng ngẫu hứng. Thơ cũng say, cũng ngẫu hứng. Huỳnh Văn Nghệ đúng là một vị trướng, một con người đầy cá tính. Chiến đấu liên miên, gian nan nguy hiểm thường trực như thế nhưng chất lãng tử, lãng mạn trong tâm hồn Huỳnh Văn Nghệ vẫn không hề vơi cạn. Ông sáng tác hàng trăm bài thơ, viết mấy chục truyện ngắn, ký, bài báo với dấu ấn tâm hồn chân thực, xúc động...

... Sau khi ông mất, anh em văn nghệ Đồng Nai, Bình Dương đã xuất bản tập thơ Thơ Huỳnh Văn Nghệ do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1998 và hai tập văn xuôi: Quê hương rừng thẳm sông dài và Những ngày sóng gió. Huỳnh Văn Nghệ mưu lược, bản lĩnh, văn võ song toàn, tay gươm tay bút, đánh giặc và làm thơ viết văn để đời, được đồng đội và nhân dân ngưỡng mộ, cảm phục. Ông đã dựng nên một tượng đài vĩnh viễn về mình trong lòng dân Nam Bộ và cả nước.

Ngô Minh