Hy Lạp “chờ” các chủ nợ

Thứ tư, 25/02/2015 08:13

(Cadn.com.vn) - Athens đang chứng tỏ nỗ lực hết mình để các chủ nợ xem lại chương trình cứu trợ tài chính cho mình.

Hy Lạp ngày 24-2 (giờ Việt Nam) trình các kế hoạch cải cách kinh tế lên các thể chế Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đánh dấu “điểm khởi đầu hợp lệ” cho đàm phán về gói cứu trợ của Athens.

“Theo quan điểm của Ủy ban Châu Âu (EC), danh sách này đủ toàn diện để trở thành điểm khởi đầu đúng đắn nhằm hoàn tất thành công việc xem lại” chương trình cứu trợ tài chính và những cam kết của Hy Lạp, Reuters dẫn nguồn tin thân cận với EC nhấn mạnh. Nguồn tin đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến cam kết cải cách mạnh mẽ của Athens trong đấu tranh chống nạn tham nhũng và trốn thuế”.

Hy Lạp mong chờ các chủ nợ xem lại chương trình cứu trợ tài chính cho mình trước khi họ hoàn toàn hết tiền. Ảnh: AFP

Trong các kế hoạch này, chính phủ Hy Lạp đã đề xuất các biện pháp, bao gồm việc giải quyết triệt để những gì mà chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras gọi là “cuộc khủng hoảng nhân đạo” của Hy Lạp, thách thức từ trong những năm của suy thoái kinh tế. Chính phủ cũng sẽ đối phó với nợ thuế và các khoản nợ xấu, và kết thúc việc tịch biên nhà cửa, trong khi chiến đấu chống nạn trốn thuế, buôn lậu và tham nhũng.

Hy Lạp cần trình bày các kế hoạch này như một điều kiện để mở rộng chương trình cứu trợ tài chính trong 4 tháng tới, theo thỏa thuận với các đối tác ở khu vực đồng EUR (Eurozone) hôm 20-2. Theo các nguồn tin, Bộ trưởng tài chính khu vực dự kiến sẽ sớm thảo luận về các kế hoạch cải cách này, chậm nhất là vào ngày 25-2.

Hy Lạp đang tính chuyện rời khỏi Eurozone. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Athens- vốn đang bị tác động của cuộc khủng hoảng - nên ở lại khu vực gồm 19 nước thành viên này. Bản thân Tổng thống Pháp Hollande từng nói rằng, “Hy Lạp đang ở trong Eurozone và Hy Lạp phải ở lại Eurozone”. Thủ tướng Đức Merkel cũng khẳng định, Berlin sẽ làm tất cả để Athens vẫn ở lại trong khối.

Đức, là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho hai gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, trị giá tổng cộng 240 tỷ EUR (271,85 tỷ USD), khẳng định, bất kỳ khoản chi tiêu thêm nào của Athens đều phải được bù đắp bằng khoản tiết kiệm hay thuế cao hơn.

Thủ tướng Tsipras tuyên bố chiến thắng trong thỏa thuận hôm 20-2 nhưng phải đối mặt với những lời chỉ trích từ nội các của mình. Cựu chiến binh cánh tả Manolis Glezos, một thành viên của đảng Syriza, cáo buộc thủ tướng không thực hiện lời hứa của chiến dịch Syriza.

Ông Tsipras hứa sẽ loại bỏ các chương trình thắt lưng buộc bụng khi ông thắng cử hồi tháng trước. Tuy nhiên, chính phủ của ông buộc phải nhượng bộ hôm 20-2 để có thể mở rộng chương trình cứu trợ tài chính trong 4 tháng tới.

Giới chuyên gia nhận định, Hy Lạp đang đứng ở ngã ba đường và họ cần sáng suốt và nhạy bén để tìm hướng đi đúng đắn hơn cho mình.                               

Khả Anh