IMF "tiếp quản" Pakistan qua cứu trợ ?

Thứ hai, 22/07/2019 10:54

Nhiều người Pakistan coi các điều khoản của gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phê duyệt cho nước này là sự "tiếp quản" đầy thù địch đối với nền kinh tế và chính phủ của họ.

Giám đốc IMF Christine Lagarde (trái) chào đón cựu Bộ trưởng Tài chính Pakistan Asad Umar tại Trung tâm Hội nghị Bali trong các cuộc họp thường niên của IMF.             Ảnh: EPA

Hôm 3-7, IMF phê duyệt gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD giúp nền kinh tế Pakistan trở lại tăng trưởng bền vững. Trong suốt thỏa thuận kéo dài 39 tháng, IMF sẽ xem xét tiến bộ của Pakistan trên cơ sở hàng quý. Là một phần của thỏa thuận, 1 tỷ USD đã được cấp cho Pakistan. Đây là gói cứu trợ thứ 13 IMF dành cho Pakistan, khi tổ chức này hướng đến việc điều chỉnh sự "mất cân bằng cấu trúc" của Islamabad.

Những điều kiện khó thực hiện

Chi tiết của thỏa thuận đưa ra các mục tiêu cho Pakistan, yêu cầu nước này tăng dự trữ ngoại hối từ mức 6,824 tỷ USD hiện tại lên 11,187 tỷ USD vào năm tới. Do đó, dự trữ ròng của quốc gia này dự kiến sẽ tăng từ âm 7,7 tỷ USD lên âm 10,8 tỷ USD so với cùng kỳ. IMF yêu cầu Pakistan trả thêm 37.359 tỷ USD nợ nước ngoài trong thời hạn thỏa thuận cứu trợ của IMF. Islamabad đang nợ Bắc Kinh 14,682 tỷ USD, phần lớn là do dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).

Mức tăng thuế mà IMF yêu cầu có thể thấy rõ trong ngân sách tài chính năm nay của Pakistan, với việc chính phủ tăng mục tiêu thu thuế của Ủy ban Doanh thu Liên bang (FBR) từ 3.94 tỷ rupee Pakistan (25 tỷ USD) lên 5.500 tỷ rupee. Các tài liệu tiết lộ thêm rằng, trong 2 năm tiếp theo của gói cứu trợ, chính phủ cũng có kế hoạch thu thêm lần lượt là 1.500 tỷ rupee và 1.310 tỷ rupee. Ngay cả trước khi ngân sách được thông qua, chính phủ đã thực hiện các bước đi để tăng thuế, với việc tăng giá xăng dầu. Các quan chức chính phủ xác nhận, dự kiến giá sẽ tăng thêm vào tháng tới.

Ngoài việc đánh thuế nặng nề, một điều kiện tiên quyết khác của gói cứu trợ của IMF là xác định lại giá trị của của đồng tiền Pakistan, mà quỹ này coi là có giá trị giả tạo. Với việc IMF kêu gọi thị trường xác định giá trị tiền tệ của đồng tiền Pakistan, đồng rupee mất hơn một nửa giá trị kể từ tháng 12-2017, dẫn đến tỷ lệ lạm phát đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, ở mức 9,4% trong tháng 4 và dự kiến sẽ tăng lên hơn 13% trong thời gian tới.

Cách tiếp quản của "đế chế IMF"

Hiệp hội Thương nhân Pakistan cho rằng, cuộc đình công trên toàn quốc là một ví dụ về tác động của việc tăng thuế đối với các ngành công nghiệp địa phương. Kết quả là, tầng lớp lao động ở Pakistan đang trỗi dậy chống lại cái mà họ gọi là sự tiếp quản của "đế chế IMF" đối với đất nước.

"Gói cứu trợ của IMF đầy các điều kiện đang đặt gánh nặng lên cuộc sống của người dân. Người dân và thương nhân Pakistan không có khả năng nộp thuế theo yêu cầu của IMF", Farooq Tariq, người phát ngôn và cựu tổng thư ký của đảng Công nhân Awami, cho biết.

Các quan chức của Bộ Tài chính Pakistan tiết lộ, IMF đứng sau việc bổ nhiệm Giám đốc IMF tại Ai Cập Reza Baqir làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Pakistan và cựu Bộ trưởng Tài chính Abdul Hafeez Shaikh làm cố vấn tài chính cho thủ tướng. Khi được hỏi, một quan chức chính phủ cấp cao cho biết, IMF gây áp lực để có thể "cài đặt" những con người của họ, trong khi tiếp tục bế tắc với cựu Bộ trưởng Tài chính Asad Umar. Áp lực từ IMF tiếp tục leo thang sau khi được tiết lộ rằng toàn bộ khoản vay mà Pakistan nhận được từ Saudi Arabia và UAE vào đầu năm nay được sử dụng để ngăn thị trường tiền tệ sụp đổ.

Lợi ích địa chính trị

Ông Farooq Tariq cho rằng, quân đội đóng vai trò trong việc làm trầm trọng thêm nền kinh tế, và PTI không phải là đảng đầu tiên tìm kiếm sự giúp đỡ của quân đội trong việc duy trì vòng xoáy nợ nần cho Pakistan.

Khi quân đội tăng cường gây áp lực để bảo vệ lợi ích kinh tế, IMF muốn Pakistan theo đuổi một số lợi ích địa chính trị nhất định. Đối với nhiều người, thỏa thuận cứu trợ cho thấy, thay vì cải cách kinh tế, lợi ích địa chiến lược là trung tâm của thỏa thuận. "IMF không cố gắng giải quyết các vấn đề của Pakistan, gói cứu trợ không đưa ra cải cách nào. Xét cho cùng, IMF không phải là một học viện kinh tế thuần túy, nó cũng là một học viện chính trị", nhà kinh tế học Farrukh Saleem, cựu phát ngôn viên của chính phủ Pakistan về năng lượng và kinh tế, nhận xét.

Ông Saleem cho rằng, IMF đang thúc đẩy lợi ích an ninh của Mỹ trong khu vực bằng cách sử dụng gói cứu trợ để đảm bảo sự tuân thủ Islamabad. Ông đề cập rằng, các tài liệu được WikiLeaks công bố là bằng chứng về cách IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) được sử dụng để phục vụ các mục tiêu khu vực của Mỹ. Trung tướng Talat Masood, cựu thư ký Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pakistan, cho cho rằng, có những mục tiêu rõ ràng của Mỹ mà IMF đang muốn thực hiện. "Họ muốn kiểm soát sự phát triển hạt nhân của chúng tôi. Họ không muốn chúng tôi chi tiêu cho các lực lượng thông thường và cố gắng để đuổi kịp Ấn Độ. Họ muốn chúng tôi tập trung vào nền kinh tế".

AN BÌNH