Indonesia sốt vó lo núi lửa ở Bali “thức giấc”
Cho đến nay, hơn 75.000 người dân sống trong “vùng nguy hiểm” quanh núi lửa Agung trên đảo Bali của Indonesia đã được sơ tán.
Người dân được sơ tán đến một trung tâm ở Klungkung, Bali. Ảnh: AFP |
Ngày 26-9, các phương tiện chuyên chở thực phẩm, mặt nạ chống độc và giường ngủ đã đến đảo du lịch Bali của Indonesia để giúp hơn 75.000 người phải chạy trốn khỏi nguy cơ núi lửa Agung phun trào trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo đã đến các trung tâm sơ tán để động viên người dân.
Núi Agung, cách trung tâm khu nghỉ mát Kuta 75km, là ngọn núi cao nhất ở Bali. Nó bắt đầu hoạt động “ồn ào” từ tháng 8 và đe dọa sẽ lần đầu tiên “thức giấc” kể từ năm 1963 – động thái sẽ tạo ra cú tấn công kép nguy hiểm cho ngành du lịch sinh lợi của quốc gia vạn đảo này. Trong lần phun trào vào năm 1963, dung nham từ núi lửa Agung khiến ít nhất 1.600 người thiệt mạng.
Hiện nay, giới chức nước này đang chạy đua sơ tán người dân sống trong vùng nguy hiểm. Theo thông báo mới nhất của Indonesia, số người sơ tán đã tăng lên khi những nỗi sợ về khả năng núi lửa phun trào ngày càng cao. Theo AFP, cho đến nay, hơn 75.000 người dân sống trong “vùng nguy hiểm” quanh núi lửa Agung trên đảo Bali đã được sơ tán.
“Cơ quan giảm nhẹ thiên tai địa phương báo cáo, cho đến 12 giờ ngày 26-9, số dân sơ tán đã lên đến 75.673 người, trải rộng trên 377 trung tâm sơ tán tại 9 quận, huyện”, người phát ngôn cơ quan này, ông Sutopo Purwo Nugroho, cho biết. Nhà chức trách Indonesia cũng đã áp đặt khu vực cấm đi lại trong phạm vi bán kính 12km xung quanh khu vực núi lửa Agung.
Khoảng 62.000 người sống trong khu vực nguy hiểm này trước khi được di tản, nhưng các cư dân bên ngoài khu vực này cũng được cảnh báo phải đề phòng tối đa. “Số người sơ tán dự kiến sẽ tiếp tục tăng”, ông Nugroho cho biết thêm. Tổng thống Joko Widodo đã đến thăm các trung tâm sơ tán ở Bali trong chiều 26-9.
Các tổ chức ở Bali, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và chính quyền trung ương đã bắt đầu tổ chức viện trợ. Mì ăn liền, nước khoáng và chăn màn đã được gửi đến các trung tâm sơ cứu, trong khi các cư dân trên đảo đang kêu gọi các khoản đóng góp. Ông Ketut Subandi, người đứng đầu bộ phận hậu cần tại làng Tana Ampo, cho biết, các mặt hàng thực phẩm cơ bản như gạo, mì ăn liền, dầu ăn và nước là cần thiết nhất. “Sáng nay, chúng tôi đã rất lo lắng vì lượng gạo cung cấp hạn chế, nhưng bây giờ chúng tôi đã nhận được nhiều gạo từ các nhà tài trợ”, ông cho biết.
Cho đến nay, có 640.000 mặt nạ chống khí độc, 12.500 nệm, 8.400 chăn và 50 lều đã được gửi đến các trung tâm sơ tán. Chính quyền trung ương cũng lập một quỹ cứu trợ trị giá gần 150 triệu USD để giải quyết các vấn đề liên quan khi núi lửa phun trào.
Các quan chức Indonesia thông báo mức báo động cao nhất vào hôm 22-9 do hoạt động núi lửa đang gia tăng và cảnh báo người dân ở cách miệng núi lửa ít nhất 9km. Các tour leo núi đã bị hủy bỏ, nhưng vấn đề đặt ra lúc đó là đảm bảo an toàn cho các du khách đang ở quanh đó. Sân bay Denpasar ở Bali, vốn đón hàng triệu du khách nước ngoài mỗi năm, đã không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia gồm Australia, New Zealand, Singapore, Mỹ và Anh đã ra cảnh báo về hoạt động của núi lửa Agung có thể làm gián đoạn các chuyến bay đi và đến Bali - một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới này. Các nước này cũng khuyến cáo công dân của mình thận trọng khi đến khu vực này.
KHẢ ANH