Iran bùng phát biểu tình sau quyết định tăng giá xăng dầu
Là một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, việc giá xăng dầu tăng 50% khiến nhiều người Iran cảm thấy bị tước mất một quyền lợi công dân nên đã giận dữ xuống đường biểu tình.
Người biểu tình đụng độ cảnh sát ở thành phố Isfahan, Iran. Ảnh: AP |
Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei ngày 17-11 đã phải lên tiếng trước làn sóng bùng nổ nghiêm trọng các cuộc biểu tình trên khắp cả nước sau khi chính phủ quyết định tăng giá xăng dầu lên 50%.
Khi giá xăng dầu không còn rẻ
Làn sóng biểu tình vẫn dữ dội trên khắp Iran bùng phát từ ngày 16-11, ngay sau khi chính phủ nước này quyết định điều chỉnh lại giá xăng và độc quyền phân phối. Theo đó, giá xăng sẽ được điều chỉnh tăng 50%, từ 10.000 rial/lít tăng lên 15.000 rial/lít (khoảng 8.100 đồng), tức tăng khoảng 2.600 đồng/lít.
Là một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, việc tăng giá xăng dầu tăng 50% khiến nhiều người Iran cảm thấy bị tước mất một quyền lợi công dân nên đã giận dữ xuống đường biểu tình. Việc xăng dầu tăng giá cũng làm bùng lên những lo ngại chi phí sinh hoạt tại Iran sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn vì các lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ cho biết, chương trình trợ giá xăng dầu có lợi cho người dân Iran nhưng lại tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Trong khi đó, nhiều người đã lợi dụng giá xăng dầu rẻ để tích trữ và buôn lậu sang những nước khác với giá cao hơn. Theo thống kê, người dân Iran mua trung bình 90 triệu lít/ngày. Trong đó, số xăng dầu bị buôn lậu khoảng 10-20 triệu lít/ngày.
Vì vậy, theo AP, bất chấp những cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn quốc, lãnh tụ tối cao Khamenei tán thành quyết định tăng giá xăng dầu lần này, đồng thời chỉ trích những những nhân tố chống đối Tehran và các kẻ thù nước ngoài đứng sau “hành vi phá hoại” này. Theo ông Khamenei, quyết định tăng giá xăng dầu dựa trên ý kiến chuyên gia và cần được ủng hộ. Giới chức Iran cũng đã tuyên bố đảm bảo tiền thu được từ việc tăng giá xăng sẽ được dùng để trợ cấp bổ sung cho 60 triệu người đang trong tình cảnh khó khăn, cam kết giá cả taxi và các phương tiện công cộng khác sẽ không tăng.
Lo ngại kịch bản 2017
Bất chấp những trấn an từ chính phủ, biểu tình tiếp tục lan rộng trong ngày 17-11.
IRNA dẫn lời cảnh sát trưởng Ali Akbar Javidan cho biết, một cảnh sát thiệt mạng do trúng đạn khi đụng độ với “các đối tượng nổi loạn và côn đồ” ở miền Tây Iran. Trước đó, ISNA đưa tin, 40 người đã bị bắt giữ ở thành phố Yazd, miền Trung Iran, sau khi đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình tương tự. ISNA dẫn lời công tố viên Mohammad Hadadzadeh cho biết, những người bị bắt giữ là “các đối tượng gây rối”, bị cáo buộc thực hiện hành vi cố ý phá hoại và phần lớn trong số này không phải dân địa phương.
Những động thái này khiến giới chức Iran đang lo ngại lặp lại kịch bản náo loạn vào cuối năm 2017, khi người dân Iran xuống đường biểu tình ở 80 thành phố và thị trấn vì các tiêu chuẩn sống nghèo nàn. 22 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình lúc đó. Đã có nhiều thông tin cho biết, chính phủ Iran có thể cân nhắc đưa giá xăng trở về mức cũ. Nhưng với tuyên bố ủng hộ mới nhất của lãnh tụ tối cao Khamenei, kịch bản này là khó xảy ra.
KHẢ ANH