IS khủng bố chấn động nước Anh

Thứ tư, 24/05/2017 11:14

(Cadn.com.vn) - Ít nhất 22 người, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương trong vụ đánh bom nhằm vào nơi biểu diễn ca nhạc của ngôi sao nhạc pop Mỹ Ariana Grande ở sân vận động Manchester Arena của Anh. Đây là vụ tấn công gây chết người nhiều nhất tại Anh kể từ sau vụ đánh bom London năm 2005.

Một người bị thương trong vụ tấn công. Ảnh: CNN

Đến cuối ngày 23-5, cảnh sát Anh cho biết đã bắt giữ một người đàn ông 23 tuổi liên quan đến vụ đánh bom liều chết này. Cảnh sát cho biết thêm, kẻ tấn công đã thiệt mạng, kích hoạt một thiết bị nổ tự chế trong lúc khán giả đang rời buổi biểu diễn.

Việt Nam mạnh mẽ lên án tấn công khủng bố tại Manchester

Được tin về vụ nổ được cho là tấn công khủng bố xảy ra vào đêm 22-5 tại thành phố Manchester, Anh làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Theresa May.

Ngày 23-5, liên quan đến vụ nổ trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Chúng tôi xin gửi đến chính phủ, nhân dân Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland cùng gia đình các nạn nhân gặp nạn trong vụ nổ ngày 22-5 lời thăm hỏi, lời chia buồn sâu sắc nhất. Việt Nam lên án mạnh mẽ hành vi tấn công khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng mọi hành vi khủng bố phải bị nghiêm trị.  Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu thông tin. Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết đến nay chưa có thông tin công dân Việt Nam là nạn nhân vụ nổ. Đại sứ quán đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, theo dõi sát tình hình, sẵn sàng có các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp khó khăn.

Đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh là +44/7423638350; Tổng đài Bảo hộ công dân là +84/981848484. Công dân Việt Nam có thể liên hệ với đường dây nóng này để được hỗ trợ kịp thời".

TTXVN

Hoảng loạn bao trùm

Vụ tấn công làm rung chuyển một phần sân vận động Manchester Arena xảy ra vào khoảng 22 giờ 30 ngày 22-5 (giờ Anh) khi khán giả đang ra về sau buổi biểu diễn của ngôi sao nhạc pop Mỹ Ariana Grande.

Mọi người tháo chạy trong hoảng loạn. Trẻ em gào khóc và cha mẹ cố gắng tìm con trong tuyệt vọng. Majid Khan, 22 tuổi, nói: "Tôi, chị gái và nhiều người khác đang xem biểu diễn tại nhà thi đấu Manchester. Khi chúng tôi đang ra khỏi khán phòng tầm 10 giờ 40 đến 10 giờ 45 thì nghe thấy một tiếng nổ lớn như bom, mọi người hoảng loạn bỏ chạy". "Chúng tôi có thể nghe thấy còi xe cảnh sát. Hàng ngàn người khi đó đang cố chạy khỏi hiện trường. Họ gào thét và thậm chí nhiều người kêu khóc. Cả khu vực này bao trùm bởi mùi khói, khét cháy. Vụ nổ dường như xảy ra ở bên trong tòa nhà", một nhân chứng khác cho biết. Andy Holey đã chứng kiến vụ nổ bom khi anh đến nhà thi đấu Manchester để đón vợ và con gái đi xem buổi biểu diễn tại đây. "Khi tôi đang đợi ở ngoài, tiếng nổ vang lên và khiến tôi văng từ cửa bên này sang cửa bên kia. Khi ngồi dậy, tôi nhìn thấy thi thể nằm la liệt khắp sàn. Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi đó là chạy vào trong nhà thi đấu để tìm gia đình", Andy kể lại.

IS nhận trách nhiệm

Cảnh sát cho biết, một người đàn ông mang chất nổ tự chế đã hành động một mình và đã thiệt mạng trong vụ nổ. Theo CBS, nghi phạm này đã đến nhà thi đấu bằng tàu điện ngầm và sau đó kích nổ quả bom tự chế.

Cảnh sát trưởng Manchester Ian Hopkins cho biết, các nạn nhân được đưa đến 8 bệnh viện và xác nhận rằng trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng. "Chúng tôi tin rằng kẻ tấn công mang theo một thiết bị nổ ngẫu nhiên và kích nổ nó. Chúng tôi đã coi đây là một vụ khủng bố do một người gây ra", ông Hopkins nói và cho biết thêm, cảnh sát đang điều tra kẻ tấn công có phải là một phần của mạng lưới hoặc âm mưu lớn hơn hay không.

Ngay sau đó, nhóm khủng bố IS thừa nhận gây ra vụ tấn công. Cổng thông tin Akhbar của Iraq cho biết, các phần tử khủng bố đăng tải trên các mạng xã hội đoạn băng thừa nhận đứng sau vụ tấn công. Newsweek cho biết, trên Telegram, những kẻ ủng hộ IS đã "ăn mừng" sau vụ nổ ở nhà thi đấu Manchester. Những kẻ này nói rằng, đây là "đòn tấn công bất ngờ" nhằm vào Anh để "trả đũa" việc London tham gia vào chiến dịch không kích IS.

Thủ tướng Anh Theresa May đã chủ trì cuộc họp nội các khẩn cấp sáng 23-5. Trước đó, bà May đã ra thông cáo gửi lời chia buồn đến thân nhân các nạn nhân trong vụ nổ, đồng thời cho biết chính phủ và các lực lượng an ninh đang nỗ lực điều tra vụ việc được xem là "tấn công khủng bố" này. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng May hoãn chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8-6 tới.

Có "tiếng nổ lớn" ở trung tâm mua sắm Arndale

Ngày 23-5, một phóng viên ảnh của hãng tin Reuters cho biết trung tâm mua sắm Arndale ở thành phố Manchester đã phải sơ tán.

Các nhân chứng cho biết, rất nhiều người đã chạy khỏi trung tâm mua sắm trên, đồng thời cho biết họ nghe được "tiếng nổ lớn" ở trung tâm này. Cảnh sát Manchester thông báo đang giải quyết vụ việc ở trung tâm Arndale.  Trước đó vài giờ, cảnh sát Anh đóng cửa nhà ga Victoria Coach ở thủ đô London, và phong tỏa các tuyến đường xung quanh nhà ga sau khi phát hiện một gói đồ khả nghi. Theo hãng tin BBC, các tuyến phố xung quanh cung điện Buckingham và các tuyến phố khác trong khu vực cũng bị phong tỏa. Nhà ga này sau đó được mở cửa trở lại.

Cảnh sát được triển khai tại khu vực xung quanh sân vận động Manchester Arena. Ảnh: AFP     

Nhiều nước báo động an ninh

Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án vụ tấn công, nói rằng những kẻ khủng bố là "kẻ thua cuộc". "Tôi xin bày tỏ lòng tiếc nuối sâu sắc nhất đến những người bị thương trong vụ tấn công khủng bố này, những người thiệt mạng và gia đình họ… Tôi sẽ không gọi những kẻ tấn công là "quái vật" vì chúng sẽ nghĩ rằng đó là một cái tên tuyệt vời. Chúng là "kẻ thua cuộc" bởi đó là những gì chúng đang có. Tư tưởng độc ác này phải bị xóa sổ", ông Trump cho biết.

Cùng ngày, chính quyền bang New York của Mỹ tăng cường an ninh tại các địa điểm nhạy cảm, bất chấp việc giới chức khẳng định không có dấu hiệu đe dọa nào nhằm vào các mục tiêu Mỹ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng tuyên bố  đang "theo dõi chặt chẽ" tình hình. Tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb cho biết, chính phủ Pháp vừa đưa ra những chỉ thị cho các nhà tổ chức các sự kiện thể thao và văn hóa tại nước này về các biện pháp an ninh do lo ngại an toàn cho công dân nước này sau vụ tấn công ở Anh.

An Bình

Các vụ tấn công khủng bố gần đây ở Anh

* 22-3-2017: 5 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương khi một người đàn ông lao xe vào người đi bộ trên cầu Westminster ở London trước khi đâm vào hàng rào bên ngoài Tòa nhà Quốc hội và sau đó dùng dao đâm chết một cảnh sát. Kẻ tấn công, Khalid Mahmood, 52 tuổi, cải sang đạo Hồi, bị cảnh sát bắn chết tại hiện trường. Các nhà điều tra mô tả đây là vụ tấn công của "sói đơn độc" có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố.

* 5-12-2015: Một bệnh nhân tâm thần phân liệt đâm 2 người tại ga tàu điện ngầm Leytonstone ở London, 2 ngày sau vụ không kích đầu tiên của Anh nhằm vào IS tại Syria. Kẻ tấn công, Muhaydin Mire, 30 tuổi, sinh ở Somalia, bị kết án tù chung thân. Cảnh sát cho rằng đây là "vụ tấn công khủng bố".

* 22-5-2013: Binh sĩ Anh Lee Rigby, 25 tuổi, bị 2 người Anh gốc Nigeria đâm chết gần một doanh trại quân đội ở London. Các nhân chứng cho biết, những kẻ tấn công hô to "Allah Akbar" ("Thánh Allah vĩ đại ") trước khi bị cảnh sát bắn bị thương.

* 3-6-2007: Hai người đàn ông trong ô-tô đang bốc cháy lao vào nhà ga chính của sân bay Glasgow ở Scotland. Kẻ tấn công, một người Ấn Độ, bị bỏng nặng và chết sau đó. Kẻ còn lại, bác sĩ Iraq Bilal Abdulla, 29 tuổi, bị bắt và bị tuyên 32 năm vì âm mưu giết hàng trăm người.

* 7-7-2005: 4 tay đánh bom tự sát Al-Qaeda tấn công mạng lưới tàu điện ngầm London và xe buýt trong giờ cao điểm, khiến 52 người thiệt mạng và 700 người bị thương.

Thúy Ngọc