Israel và những điều không thể dự liệu

Thứ ba, 05/01/2021 17:20

2020 được đánh giá là một năm ngoại giao thành công mỹ mãn của Israel khi quốc gia Do Thái đã thiết lập quan hệ với 4 nước vốn “khó đội trời chung” (gồm Sudan, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất-UAE, Morocco và Bahrain) thông qua Hiệp ước Abraham. Giới phân tích cho rằng, với đà này, Israel có thể làm nên những câu chuyện tương tự trong năm 2021.

Đại diện Israel-Bahrain ký các thỏa thuận song phương, trong đó có Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2020.    Ảnh: AFP

Hàn gắn các mối quan hệ

Mở màn năm 2020, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bất ngờ có chuyến đi đến Mỹ để tham vấn về kế hoạch hòa bình Trung Đông. Sau đó, ông Netanyahu có một chuyến đi không mấy được chú ý nhưng lại cho một kết quả mong đợi. Sau khi gặp Tổng thống Sudan Abdel Fattah al-Burhan, ông Netanyahu nhận được sự đồng ý của Sudan cho máy bay thương mại Israel bay qua không phận, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa Israel và Nam Phi.

Trong bối cảnh cả thế giới vẫn gồng mình đối phó với dịch bệnh Covid-19 và những nỗi lo thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef al-Otaiba bất ngờ công khai khả năng nước này sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel. Sau đó là một sự kiện gây chấn động sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Netanyahu và Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan. Trang Twitter của ông Trump xuất hiện thông báo về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ UAE-Israel, với cái tên Hiệp ước Abraham (Abraham được coi là vị cha chung của người Do Thái và người Arab). Sau đó, hai bên xúc tiến một loạt hoạt động ngoại giao, du lịch, văn hóa, kinh doanh… Hiệp ước không chỉ nằm trên giấy mà nhanh chóng biến thành các hoạt động hợp tác thực tế. Những tháng cuối năm 2020 chứng kiến một hiệu ứng domino. Bahrain, Sudan và Maroc lần lượt thông báo nối lại quan hệ với Israel, theo cách này hay cách khác.

Câu chuyện nào trong năm 2021?

Với những thành công này, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về khả năng Israel sẽ đạt được những điều tương tự trong năm 2021. Theo đó, sẽ có thêm các quốc gia Arab, Hồi giáo khác tham gia Hiệp ước Abraham? Khả năng này càng cao khi các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump nói họ đang xúc tiến để việc này diễn ra trong 3 tuần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Trump.

Mauritania, Oman và thậm chí là Saudi Arabia là những quốc gia đang được nói đến nhiều. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Israel vốn duy trì quan hệ ở mức độ nào đó với các quốc gia này. Mauritania từng tham gia cuộc chiến chống Israel năm 1967. Sau đó hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1999, nhưng lại bị đình trệ bởi một chiến dịch quân sự của Israel chống lại người Palestine tại Gaza. Trong khi đó với Oman, Thủ tướng Israel Netanyahu đã tới thăm vương quốc Hồi giáo này năm 2018. Ngoài ra, Oman cũng là một phần của liên minh chống Iran trong khu vực.

Đáng kể nhất là Saudi Arabia – vốn được coi là “ông lớn” ở thế giới Arab. Vương quốc này được dự báo sẽ là “đất diễn” của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. Theo các chuyên gia, nếu chính quyền ông Trump không tìm cách nâng tầm hình ảnh của Riyadh trong vài tuần còn lại của nhiệm kỳ, tình huống có thể xảy ra là Saudi Arabia sẽ ngồi đợi xem họ nhận được gì khi bước ra bắt tay hòa bình với Israel. Tình huống có thể xảy ra sẽ buộc Ryiadh đặt câu hỏi “Tại sao tôi lại không như vậy trong khi UAE, Sudan và Marocco lại được?”. Một quan chức cao cấp đã tiết lộ với tờ Jerusalem Post rằng, Saudi Arabia có thể sẽ ký thỏa thuận quan hệ với Israel trong năm 2021. Cách đây vài tuần, ông Netanyahu và Thái tử Mohammed bin Salman đã có cuộc tiếp xúc tại thành phố Neom ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, cho đến nay, Thái tử Salman vẫn chưa nói về vấn đề này, chỉ nhắc lại rằng bất cứ thỏa thuận nào với Israel cũng cần xét điều kiện tiên quyết là “hòa bình cho Palestine”.

KHẢ ANH

Công tố viên Israel đưa ra cáo trạng đối với Thủ tướng Netanyahu 

Các công tố viên Israel ngày 3-1 (giờ địa phương) đưa ra bản cáo trạng sửa đổi, gồm danh sách các tội danh mà Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu bị cáo buộc liên quan đến một vụ án tham nhũng.

Thủ tướng Netanyahu bị cáo buộc tạo điều kiện thuận lợi cho một hãng truyền thông. Thủ tướng Netanyahu hiện đang vướng vào 3 vụ kiện tham nhũng, lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm. Một trong số đó cáo buộc ông đã thúc đẩy các quy định trị giá hàng trăm triệu USD có lợi cho chủ sở hữu công ty truyền thông và viễn thông Bezeq để đổi lấy việc hãng này đưa tin thuận lợi cho ông Netanyahu trên trang tin Walla có lượng độc giả lớn. Theo yêu cầu từ nhóm luật sư của Thủ tướng Netanyahu, các công tố viên Israel ngày 3-1 công bố bức thư, trong đó dẫn 315 trường hợp Walla được yêu cầu đưa tin có lợi hơn cho ông Netanyahu và gia đình. Trong số này, bản thân ông Netanyahu có dấu hiệu liên quan trực tiếp tới 150 trường hợp. Các yêu cầu gồm dành thêm thời lượng hoặc làm nổi bật nội dung cụ thể trong các bài báo về ông Netanyahu và gia đình, cũng như thay đổi tiêu đề, hạ thấp hoặc loại bỏ các bài báo bất lợi. Một số yêu cầu là đưa tin bất lợi cho các đối thủ của ông Netanyahu. Vụ kiện đối với ông Netanyahu bắt đầu được đưa ra xét xử năm 2020 và dự kiến sẽ được nối lại trong tháng 2-2021. Đến nay, Thủ tướng Netanyahu vẫn bác bỏ mọi cáo buộc.

T.N