Ít hy vọng cho Iraq
(Cadn.com.vn) - Bên cạnh việc gieo cho chính phủ Iraq niềm hy vọng, Mỹ có thể làm những gì để giúp Baghdad trong cuộc chiến chống nhóm Hồi giáo cực đoan IS? Giới quan sát không mấy lạc quan cho rằng, Washington không làm được gì nhiều.
Liệu Mỹ và liên minh quân sự có thất bại trong cuộc chiến chống IS tại Iraq? Liệu các cuộc không kích là có đủ để tiêu diệt nhóm cực đoan này? Liệu có hy vọng gì cho Iraq... Đó là những câu hỏi mà người ta đang cần có lời giải đáp rõ ràng trong tương lai gần, nếu không muốn Iraq bị sụp đổ về tay IS.
Cục diện hiện nay ở Iraq đang cho thấy rõ ràng, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu có rất ít hy vọng “tiêu diệt tận gốc” tổ chức IS như Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố khi phát động chiến dịch không kích nhằm vào nhóm phiến quân này. IS không thiếu các tân binh. Các chiến binh IS còn dễ dàng thu giữ những loại vũ khí hạng nặng của lực lượng chính phủ bất chấp vẫn đang phải hứng chịu hàng loạt cuộc không kích.
Trên thực tế, IS hiện nắm giữ nhiều vùng lãnh thổ quan trọng ở Iraq, vốn từng bước mở đường cho nhóm này hiện thực hóa việc thiết lập một Nhà nước Hồi giáo (Caliphate) trải dài từ Iraq đến Syria. Ngoài ra, nhóm chiến binh cực đoan này vẫn nhận được sự ủng hộ của người Sunni ở Iraq. Càng nhiều người Shiite chính thống ở Iraq chống IS, càng có nhiều người Sunni lựa chọn ủng hộ nhóm này, giống như họ từng làm với nhóm khủng bố Al-Qaeda sau cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003.
Những câu chuyện từ Tikrit, nơi các lực lượng dân quân Shiite dẫn đầu đánh bại IS, được mô tả là “một thị trấn ma do các chiến binh nắm giữ”. Có những báo cáo khác nhau về việc thanh lọc sắc tộc tại thị trấn Euphrates Valley ở Jurf al-Sakhar. Khi không có quân đội hay lực lượng an ninh Iraq, sẽ luôn có một Al-Qaeda, một IS hay tổ chức nào đó đứng lên để bảo vệ những người Sunni.
Giới quan sát cho rằng, cách duy nhất để Iraq vẫn thống nhất chính là “sự bế tắc” của các lực lượng liên quan, tức là không có bên nào quá mạnh để giành chiến thắng cũng như không bên nào quá yếu để thất bại, để sau đó các bên có thể tiếp tục các cuộc đàm phán.
Nhóm IS đang nắm quyền ở thành phố quan trọng Ramadi trong một chiến thắng được đáng giá là “khá dễ dàng” trước lực lượng quân đội chính phủ Iraq. Theo Reuters, IS chỉ cần 400 chiến binh chiến đấu trong trận cuối cùng đẩy lùi phe chính phủ. Các mối đe dọa không phải là mới và chiến lược của IS cũng không có gì mới. Nhưng tâm lý và niềm hy vọng vào một chiến thắng của lực lượng chính phủ Iraq đang lung lay và lụi tàn dần dần.
Hiện chỉ có các chiến binh người Kurd là niềm hy vọng trung thành lớn nhất của Mỹ. Đây là lực lượng chiến đấu mạnh mẽ chống lại IS ở phía bắc, ít nhất là tại những nơi lực lượng này tuyên bố nắm quyền - chẳng hạn như thành phố Arbil. Người Kurd ít quan tâm về người Sunni hơn việc bảo vệ lãnh thổ nắm giữ. Tuy nhiên, chính quyền Baghdad - vốn chịu áp lực từ Washington phải giữ hòa bình với những người Kurd - hiện đang chống lại người Kurd.
“Người đàn ông mới nhất của Mỹ” ở Baghdad, Thủ tướng Hader al-Abadi, không dễ dàng đi đến quan điểm hòa giải với người Kurd hơn người tiền nhiệm, Nouri al-Maliki, đã làm. Vì thế, người Sunni ở Iraq có thể hy vọng sẽ được đẩy về một vùng đất do IS nắm giữ trên biên giới Syria – động thái mà giới phân tích cho rằng, Washington có thể sẽ lặng lẽ hỗ trợ để tránh một cuộc thanh lọc sắc tộc đẫm máu gây bất ổn chính trị.
Iraq của năm 2003 đã biến mất. Iraq của năm 2014 cũng đã qua. Và người ta hy vọng, Iraq của năm 2015 cũng sẽ qua đi trọn vẹn.
Thanh Văn