Jin Liqun - Chủ tịch tương lai của AIIB

Thứ bảy, 11/07/2015 10:33

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc vừa đề cử ông Jin Liqun, Tổng Thư ký Ban thư ký tạm thời đa phương của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) vào vị trí Chủ tịch ngân hàng này. Động thái này một lần nữa cho thấy “quyền lực tối cao” của Bắc Kinh tại AIIB - ngân hàng được cho là đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Ông Jin, 66 tuổi, là Thứ trưởng Bộ tài chính Trung Quốc và là một quan chức nổi tiếng với kinh nghiệm quản lý quỹ ở nền kinh tế số 2 thế giới.

Cơ hội 90%

Tất cả thành viên khu vực của AIIB đều có thể đề cử ứng viên cho chiếc ghế chủ tịch trước cuối tháng này.

China Daily dẫn “Điều lệ của AIIB” lưu ý, Chủ tịch AIIB sẽ được bầu thông qua “quá trình minh bạch và công khai”. Chủ tịch AIIB được lựa chọn tại cuộc họp khai mạc hội đồng quản trị ngân hàng vào cuối năm nay. Nhiệm kỳ của Chủ tịch AIIB kéo dài 5 năm và có thể tái đắc cử một lần. Tuy nhiên, ông Jin chắc chắn sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch đầu tiên của AIIB do Trung Quốc nắm giữ 26,06% phiếu bầu tại ngân hàng. Điều này giúp Bắc Kinh có quyền phủ quyết đối với các ứng viên khác cho chiếc ghế chủ tịch - chức vụ cần đa số 75% phiếu bầu để được thông qua.

Các cổ đông lớn trong khu vực khác, bao gồm Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và Australia, vẫn chưa có động thái nào cạnh tranh cho vị trí này. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro cũng cho biết, Jakarta có cổ đông lớn thứ 6 nhưng cũng không có ý định chạy đua chức Chủ tịch ngân hàng.

Ông Mohan Guruswamy, Chủ tịch của Trung tâm Chính sách giải pháp thay thế Ấn Độ, cho biết, New Delhi cũng không thể cạnh tranh với Trung Quốc vì chỉ nắm giữ hơn 8% cổ phần ngân hàng và hiện người Ấn Độ cũng nắm giữ vị trí đứng đầu Ngân hàng Phát triển BRICS. “Là cổ đông lớn nhất và có quyền chi phối mạnh mẽ, Trung Quốc xứng đáng giữ chức Chủ tịch nhân hàng lần đầu tiên”, Guruswamy, người từng là cố vấn cho Bộ Tài chính Ấn Độ, cho biết.

Giáo sư Đại học Bắc Kinh Wang Yong, chuyên gia tư vấn của ADB, cho biết, chức chủ tịch có thể cạnh tranh ở một mức độ nào, nhưng ông Jin hiện được đánh giá là “ứng cử viên tốt nhất”. “Ông Jin đã có kinh nghiệm và hiểu biết với vai trò Tổng thư ký Ban thư ký tạm thời đa phương của ngân hàng. Ông đã làm việc với các nhà đàm phán hàng đầu khác trong hơn nửa năm qua”, ông Wang nói thêm.

Nhà quản lý kinh nghiệm và tâm huyết

Trung Quốc đang nỗ lực đưa ông Jin vào chiếc ghế chủ tịch lần này. Báo cáo của Bộ tài chính Trung Quốc mới đây nhấn mạnh trình độ của ông Jin, cho biết, ông có “kinh nghiệm phong phú trong việc lãnh đạo và quản lý các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và các Cty tư nhân”. Ông Jin là chủ tịch Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất của đại lục, trước khi gia nhập AIIB vào cuối năm ngoái. Trước khi tham gia AIIB, ông từng là Phó Chủ tịch ADB và là quan chức hàng đầu của Bộ tài chính Trung Quốc tại WB.

Ông bắt đầu làm việc cho Bộ Tài chính vào năm 1980 và trở thành phó tướng khoảng 20 năm sau đó. Là Thứ trưởng Bộ tài chính, ông quản lý ngân sách các tổ chức chính phủ và giám sát gây quỹ từ thị trường vốn trong nước và quốc tế. Ông lấy bằng thạc sĩ về Văn học Anh tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và Tốt nghiệp chương trình Hubert Humphrey Fellow tại Đại học Boston (Mỹ).

AIIB được xem là cách đáp trả của Trung Quốc đối với những cải cách tại các tổ chức quốc tế do phương Tây lãnh đạo như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay WB. Một công dân Trung Quốc đứng đầu AIIB sẽ là sự đáp trả đối với việc WB hay ADB luôn được dẫn dắt bởi một công dân Mỹ và Nhật Bản.

An Bình
(Theo Diplomat, SCMP)